Kinh nghiệm phát triển du lịch nông thôn của bà con nông dân tỉnh Quảng Nam

(TITC) – Hiện nay, nhiều nông dân ở huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam đã biến những khung cảnh của các làng quê thơ mộng, những cánh đồng lúa, đồng màu thành những điểm tham quan du lịch sinh thái hấp dẫn và tạo ra nhiều việc làm cho các lao động tại địa phương.

Cụ thể, sau khi du học ở Nhật Bản về, chị Trần Thị Ngọc Trang ở xã Duy Thành, huyện Duy Xuyên đã cải tạo khu vườn của gia đình, đào ao, trồng sen hồng, làm cầu tre nuôi cá, phát triển khu du lịch sinh thái. Khách tới đây được trải nghiệm cánh đồng sen, chèo ghe trong hồ.

Khách du lịch tham quan, trải nghiệm cánh đồng sen của chị Trần Thị Ngọc Trang

Bên cạnh tổ chức cho khách tham quan đầm sen, chị Trần Thị Ngọc Trang còn trồng thêm nhiều loài hoa khác, bố trí sân vườn tiểu cảnh phù hợp để du khách có thêm lựa chọn khi check-in. Chị Trang chia sẻ, chị không bán vé vào khu du lịch sinh thái mà mở cửa tự do nhưng chị kinh doanh thêm dịch vụ ẩm thực và giải khát. Vì vậy mà rất nhiều du khách đến đây chụp hình và thưởng thức các món ăn, đồ uống được làm thực phẩm, nguyên liệu địa phương do bà con trực tiếp làm ra với giá cả bình dân.

Chị Trần Thị Ngọc Trang cho biết, du khách tới đây còn được trải nghiệm khu vui chơi dưới vườn dừa và mọi người có thể bơi thuyền ra ngoài ao sen. Mô hình này đã tạo ra việc làm, thu nhập thêm cho nhiều người dân.

Trường hợp của bà Lê Thị Thanh Nga ở xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên, năm 2019 bà đã thuê 2 héc ta đất bỏ hoang cạnh lò gạch cũ ở cánh đồng của xã để sản xuất lúa tím than theo phương thức sản xuất hữu cơ. Sau nhiều vụ thu hoạch đạt năng suất cao, bà Nga tiếp tục mở rộng diện tích canh tác lúa lên 5 ha. Mỗi năm, cơ sở này sản xuất, cung ứng ra thị trường hơn 30 tấn gạo tím than thương phẩm và chế biến ra một số sản phẩm từ loại gạo đặc sản này như: sữa gạo đen, rượu gạo đen, trà gạo đen.

Tại đây, mỗi ngày thu hút gần 200 khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm. Du khách đến đây mua sản phẩm gạo tím than còn được trải nghiệm tự trồng lúa, hái rau và chế biến món ăn, thưởng thức tại chỗ. Bà Lê Thị Thanh Nga cho biết,  ngoài mục đích sản xuất lúa để lấy gạo hữu cơ, đây còn là điểm check-in và du khách đến để trải nghiệm làm các công việc của nhà nông. 

Bà Lê Thị Thanh Nga cho biết thêm, bản thân đã khởi nghiệp làm du lịch nông nghiệp từ năm 2019 và mong muốn làm thế nào để nâng cao giá trị của nông sản do chính bàn tay người nông dân làm ra. Bà Nga thấy làm nông nghiệp kết hợp với du lịch là chìa khoá để xuất khẩu nông sản tại chỗ. Du khách quốc tế đến tham quan cơ sở đã mua sản phẩm đem về chính là xuất khẩu tại chỗ đi các nước. Đây là mô hình rất hiệu quả có thể nhân rộng cho nhiều bà con nông dân trong cả nước cùng làm. Hiện nay cơ sở của bà Lê Thị Thanh Nga ở xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam đã thu hút nhiều bạn trẻ đến học hỏi tham quan mô hình này.

Tại huyện Duy Xuyên hiện có 25 hộ dân đầu tư làm du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái, góp phần tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân.

Ông Phan Xuân Cảnh, Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam cho biết, địa phương có nhiều chính sách hỗ trợ cho người dân làm du lịch, tập huấn kỹ năng phục vụ khách, đưa bà con tham quan, học hỏi ở các địa phương khác.

Các địa phương cũng đẩy mạnh gắn sản xuất nông nghiệp với phát triển các loại hình dịch vụ du lịch kèm theo để nâng cao giá trị và nâng cao lợi nhuận đem lại cho người nông dân thông qua các khu du lịch sinh thái trong cộng đồng. Các mô hình này bước đầu tạo sản phẩm mới, góp phần nâng cao thu nhập cho bà con, ông Phan Xuân Cảnh nói.

Tỉnh Quảng Nam hiện có 35 điểm du lịch sinh thái, du lịch làng nghề truyền thống cộng đồng ở khu vực nông thôn, miền núi. Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết: Các mô hình du lịch này góp phần đa dạng hoá sản phẩm du lịch phát triển kinh tế, gắn phát triển du lịch với văn hoá.

Trung tâm Thông tin du lịch