Theo Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang, chương trình OCOP góp phần khơi dậy tiềm năng, thế mạnh của địa phương về sản phẩm đặc sản, ngành nghề nông thôn gắn lợi thế về điều kiện sản xuất và văn hóa truyền thống; hình thành nhiều sản phẩm gắn vai trò như đại sứ chuyển tải những câu chuyện văn hóa, du lịch của địa phương.
Huyện U Minh Thượng (Kiên Giang) có lợi thế về ẩm thực, cảnh sắc làng quê, vườn cây trái, sản phẩm OCOP và những di tích văn hóa, lịch sử, trong đó điểm nhấn quan trọng nhất là Vườn quốc gia U Minh Thượng khiến nơi đây có tiềm năng, lợi thế phát triển loại hình du lịch nông thôn.
Chị Trương Bé Diễm – hướng dẫn viên Vườn quốc gia U Minh Thượng cho biết: “Vào dịp lễ, tết hoặc cuối tuần, du khách đến vườn đông. Du khách thường trải nghiệm đi vỏ lãi vào rừng ngắm hệ sinh thái ngập nước, trải nghiệm câu cá, nhổ bồn bồn và thưởng thức đặc sản”.
Thời gian gần đây, nhiều khách du lịch chọn tham quan trang trại lúa mùa Tư Việt, thị trấn Minh Lương, huyện Châu Thành. Anh Trần Ngọc Tuấn, ngụ TP. Rạch Giá cho biết: “Tôi đến đây cho các con trải nghiệm hoạt động làm lúa mùa và cảm nhận sự vất vả của ông cha ta làm ra hạt lúa, gạo. Qua trải nghiệm thực tế giúp các con tăng cường kỹ năng sống”.
Với nỗ lực trong việc phục dựng phiên bản “Đời sống sản xuất lúa mùa”, ông Lê Quốc Việt – chủ trang trại lúa mùa Tư Việt liên kết với các hộ xung quanh để mở rộng diện tích làm lúa mùa; đồng thời làm nông trại kiểu xưa đón khách đến tham quan, trải nghiệm làm lúa mùa kết hợp tìm hiểu văn hóa bản địa. Đến đây, du khách được tìm lại kỷ niệm một thời về văn hóa lúa mùa xưa, trải nghiệm cách trồng lúa mùa xưa với các hoạt động nhổ mạ, cấy lúa, gặt, đập lúa, xay lúa, giã gạo…
Du khách trải nghiệm gặt lúa mùa tại trang trại lúa mùa Tư Việt, thị trấn Minh Lương, huyện Châu Thành (Kiên Giang).
Theo UBND tỉnh Kiên Giang, phấn đấu đến năm 2025 tỉnh có ít nhất 4 điểm du lịch nông thôn trên địa bàn được tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP từ 3-5 sao và định hướng 5 sao; năm 2030 có ít nhất 12 điểm du lịch nông thôn được đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP từ 3-4 sao, trong đó có sản phẩm được tham gia, đánh giá phân hạng 5 sao quốc gia.
Việc phát triển du lịch nông thôn gắn chương trình OCOP nhằm khai thác, phát huy tiềm năng kinh tế khu vực nông thôn, phát triển hệ thống chuỗi giá trị kinh tế khu vực nông thôn theo hướng bền vững, hướng đến phát triển cân đối quy mô kinh tế giữa thành thị và nông thôn; tạo việc làm hiệu quả tại nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa đặc sắc của cộng đồng các dân tộc…
Để thực hiện hiệu quả đề án, các địa phương hình thành mô hình quản lý về du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng như mô hình doanh nghiệp do cộng đồng cùng sở hữu và điều hành, mô hình liên doanh giữa cộng đồng và doanh nghiệp tư nhân, mô hình liên kết giữa các cư dân địa phương tham gia hoạt động kinh doanh du lịch với nhau thành một đơn vị điều hành…
Đồng thời, mở rộng liên doanh, liên kết các tỉnh, vùng lân cận để trao đổi thông tin thị trường, xây dựng hệ thống dự báo thị trường, tìm kiếm đối tác… nhằm thúc đẩy du lịch nông thôn phát triển.
Tỉnh Kiên Giang tích cực kêu gọi, xúc tiến đầu tư, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển hạ tầng, sản phẩm du lịch; xây dựng thương hiệu du lịch gắn sản vật địa phương, xây dựng câu chuyện truyền thông thiết thực, hiệu quả cho du lịch Kiên Giang, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, chủ lực của tỉnh.
Song song đó, tỉnh chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch nông thôn gắn xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng kỹ thuật, phát triển cảnh quan, bảo vệ môi trường tự nhiên, bảo tồn di sản văn hóa địa phương, đa dạng hóa hoạt động trải nghiệm cho du khách…
Bài và ảnh: Thủy Tiên
Báo Kiên Giang – baokiengiang.vn