Kiên Giang mở rộng thị trường cho sản phẩm OCOP

Sản phẩm OCOP ở Kiên Giang từng bước có sự khởi sắc, thay đổi tích cực, có mẫu mã, bao bì đa dạng, đáp ứng các quy chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm, phù hợp yêu cầu của thị trường. Thời gian qua, các chủ thể OCOP đã có những bước chuyển mình, chủ động hơn trong mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển kênh phân phối.

Du khách tham quan cơ sở sản xuất nước mắm Phụng Hưng, TP Phú Quốc

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Kiên Giang, đến nay toàn tỉnh có 269 sản phẩm OCOP, trong đó, 6 sản phẩm đạt hạng 5 sao, 36 sản phẩm 4 sao và 227 sản phẩm 3 sao. Thời gian qua, ngành chức năng tỉnh Kiên Giang cùng với các chủ thể đẩy mạnh công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP đến người tiêu dùng trong và ngoài nước, tham gia sàn thương mại điện tử, trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại những sự kiện trong và ngoài tỉnh.

Cụ thể, năm 2023, tỉnh Kiên Giang tham gia kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP tại các tỉnh phía Bắc, TP Hồ Chí Minh và tham gia các diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP ở các tỉnh vùng ĐBSCL… Riêng trong tháng 9/2024, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Kiên Giang đã phối hợp với đơn vị có liên quan, Co.opmart Kiên Giang, Co.opmart Rạch Giá và các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh tổ chức trưng bày, giới thiệu sản phẩm đặc trưng của tỉnh Kiên Giang. Qua đó, có hơn 20 doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ thể sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng tỉnh Kiên Giang trưng bày, giới thiệu trên 300 sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng, như nước mắm, tôm khô, tiêu, mật ong, một số sản phẩm thủ công mỹ nghệ…

Mới đây, tỉnh Kiên Giang phối hợp Bộ NN&PTNT tổ chức hội nghị kết nối sản phẩm OCOP với hệ thống thương mại năm 2024 với sự tham gia của nhiều chủ thể sản phẩm OCOP, doanh nghiệp thương mại, nhà phân phối, siêu thị trên toàn quốc dự hội nghị. Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, để kích cầu sản phẩm OCOP tại địa phương, các cấp chính quyền cần quan tâm có những chính sách đưa sản phẩm OCOP trở thành những quà tặng đặc trưng địa phương, khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở lưu trú đầu tư gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP tại các điểm lưu trú, khu du lịch. Bên cạnh đó, các chủ thể OCOP phải quan tâm đầu tư nâng cao chất lượng hàng hóa, mẫu mã, kiểu dáng bao bì sản phẩm.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam mong muốn các siêu thị, các doanh nghiệp, tập đoàn bán lẻ sẽ tiếp tục đồng hành cùng Bộ NN&PTNT xây dựng một chuỗi giá trị sản xuất sản phẩm OCOP; doanh nghiệp sẽ cùng tham gia với địa phương, Bộ NN&PTNT thành lập Hiệp hội OCOP quốc gia, đơn vị đại diện để lựa chọn những sản phẩm OCOP từ 4 sao, 5 sao để từng bước đưa các sản phẩm OCOP ra thị trường quốc tế.

Hội Nữ doanh nhân tỉnh Kiên Giang tổ chức chương trình kết nối phụ nữ và sản phẩm bản địa vùng Chín Rồng – Mekong Connecting, hỗ trợ các thành viên của hội kết nối giao thương, mở rộng giao lưu, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm. Qua đó, hợp tác giao thương giữa các doanh nghiệp, kết nối tiêu thụ các sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm công nghiệp chủ lực và các mặt hàng nông thủy sản của tỉnh với các tỉnh, thành, hệ thống phân phối, chợ truyền thống trong cả nước.

Tại Lễ hội truyền thống kỷ niệm 156 năm Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực hy sinh (1868-2024) vừa qua, Trung tâm xúc tiến đầu tư thương mại và du lịch Kiên Giang kết nối đưa sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Kiên Giang đủ điều kiện vào bán tại hệ thống siêu thị Co.opmart. Theo đó, có 5 đơn vị đủ điều kiện với các sản phẩm: Công ty TNHH thương mại dịch vụ Thanh Phú (sản phẩm mật ong, chuối sấy); Công ty TNHH Bảo Nam food (sản phẩm thạch sim); hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Thanh Thanh (sản phẩm tôm khô); cơ sở sản xuất dừa Coco An nhiên (sản phẩm dừa dứa nắp khoen) và cơ sở trà mãng cầu xiêm 2 Đậu (sản phẩm trà mãng cầu xiêm)…

Bài, ảnh: Lê Vinh

Báo Cần Thơ – baocantho.com.vn