Kiên Giang: Gò Quao phát triển vùng sản xuất cây ăn trái gắn với du lịch sinh thái

Với chủ trương đúng và giải pháp sát thực, huyện Gò Quao (Kiên Giang) tập trung phát triển vùng sản xuất cây ăn trái gắn với du lịch sinh thái nông thôn, mở hướng đi mới cho nông nghiệp, góp phần phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, nâng cao thu nhập cho người dân.

Giai đoạn 2021-2025, UBND huyện Gò Quao triển khai kế hoạch phát triển kinh tế nông nghiệp, trong đó đề ra giải pháp cơ cấu lại lĩnh vực, hình thành vùng sản xuất chuyên canh tập trung, xây dựng sản phẩm OCOP gắn phát triển du lịch sinh thái nông thôn.

Đối với vùng sản xuất cây ăn trái, huyện Gò Quao quy hoạch 3 địa bàn chính gồm các xã Vĩnh Hòa Hưng Nam, Vĩnh Hòa Hưng Bắc, Vĩnh Phước A với tổng diện tích khoảng 1.200ha. Công tác quy hoạch vùng sản xuất phù hợp điều kiện tự nhiên, tình hình thực tế các địa phương.

Vĩnh Hòa Hưng Nam, Vĩnh Hòa Hưng Bắc là hai xã được quy hoạch phát triển các loại cây ăn trái như măng cụt, sầu riêng, bưởi, mít, cam, quýt, xoài. Xã Vĩnh Phước A quy hoạch phát triển vùng sản xuất chuyên canh cây khóm diện tích khoảng 300ha. Hiện trên địa bàn xã Vĩnh Phước A có 7 sản phẩm OCOP được chế biến từ khóm.

Đồng chí Nguyễn Thành Duy – Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Hòa Hưng Nam, huyện Gò Quao (Kiên Giang) đến thăm mô hình trồng khóm, sầu riêng của ông Nguyễn Tân Tiến, ngụ ấp Vĩnh Hòa 1, xã Vĩnh Hòa Hưng Nam. Ảnh: Cẩm Tú

Nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, nhân dân, huyện Gò Quao đẩy mạnh công tác tuyên truyền mục đích, ý nghĩa việc phát triển vùng sản xuất cây ăn trái tập trung gắn du lịch sinh thái nông thôn đối với đời sống người dân, phát triển kinh tế – xã hội địa phương.

Đặc thù xã Vĩnh Hòa Hưng Nam, Vĩnh Hòa Hưng Bắc là hai vùng sản xuất cây ăn trái hình thành từ rất lâu, người dân có nhiều kinh nghiệm trong trồng cây ăn trái, tạo thuận lợi cho huyện trong việc quy hoạch, phát triển vùng sản xuất cây ăn trái tập trung gắn du lịch sinh thái nông thôn, được người dân đồng tình, ủng hộ.

Ông Nguyễn Tân Tiến, ngụ ấp Vĩnh Hòa 1, xã Vĩnh Hòa Hưng Nam chia sẻ: “Năm 2010 gia đình tôi bắt đầu kết hợp vườn trái cây với làm du lịch sinh thái. Đây là mô hình kinh tế mới nhiều triển vọng, mang lợi nhuận khá hơn cho nông dân. Tôi mong thời gian tới chính quyền địa phương tiếp tục hỗ trợ nông dân tiếp cận khoa học, kỹ thuật, cách làm du lịch để phát triển kinh tế hiệu quả hơn”.

Đồng hành cùng các xã, người dân trong triển khai phát triển vùng sản xuất cây ăn trái tập trung, huyện Gò Quao tăng cường chuyển giao khoa học, kỹ thuật cho người dân, hướng dẫn người dân thay đổi tư duy sản xuất, chuyển đổi quy trình kỹ thuật canh tác mới phù hợp điều kiện sản xuất, xây dựng vùng nguyên liệu đảm bảo cho liên kết chuỗi, ổn định đầu ra sản phẩm cho nông dân.

UBND huyện quan tâm đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ cho việc đi lại, giao thương, kết nối giữa các vùng sản xuất cây ăn trái. Năm 2023, huyện triển khai thi công tuyến đường ven sông Ba Voi với vốn đầu tư trên 70 tỷ đồng.

Vườn sầu riêng giống Muasang King của nông dân xã Vĩnh Hòa Hưng Nam, huyện Gò Quao (Kiên Giang). Ảnh: AN LÂM

Chú trọng phát triển kinh tế tập thể cho vùng sản xuất cây ăn trái tập trung, xã Vĩnh Hòa Hưng Nam và Vĩnh Hòa Hưng Bắc có hợp tác xã cây ăn trái, dịch vụ nông nghiệp làm đầu mối gắn kết các tổ hợp tác, hộ sản xuất cây ăn trái trong vùng. Huyện quan tâm thực hiện công tác biên soạn tài liệu về lịch sử hình thành, phát triển của các địa danh, di tích; quy hoạch phát triển du lịch sinh thái nông thôn; phát triển các sản phẩm OCOP phục vụ du lịch…

Theo Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gò Quao Dương Duy Duyệt, đến nay việc quy hoạch, định hướng các xã phát triển vùng sản xuất cây ăn trái tập trung gắn phát triển du lịch sinh thái nông thôn trên địa bàn huyện bước đầu hình thành; thu hút vốn đầu tư các điểm của một số hộ dân trên địa bàn phát triển dịch vụ phục vụ du khách.

Qua thời gian hoạt động, điểm du lịch sinh thái nông thôn xã Vĩnh Hòa Hưng Nam phát huy tiềm năng, lợi thế về sinh thái nông thôn, trở thành điểm đến hấp dẫn du khách trong, ngoài tỉnh đến tham quan, góp phần nâng cao thu nhập của người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, tạo động lực để xã hoàn thành mục tiêu xây dựng xã nông thôn mới nâng cao vào cuối năm 2023.

Để nâng cao hiệu quả triển khai vùng sản xuất cây ăn trái tập trung gắn phát triển du lịch sinh thái nông thôn thời gian tới, UBND huyện Gò Quao ưu tiên bố trí vốn đầu tư xây dựng, hoàn thiện kết cấu hạ tầng nơi phát triển thí điểm các tour du lịch sinh thái; xây dựng phóng sự về du lịch sinh thái nông thôn để tuyên truyền, quảng bá hình ảnh của địa phương.

Huyện Gò Quao tích cực phối hợp, liên kết với các công ty du lịch trong, ngoài tỉnh, đơn vị kinh doanh trên địa bàn huyện cùng với người dân đầu tư thực hiện các tour du lịch; tập trung đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nguồn nhân lực phục vụ du lịch sinh thái. Đồng thời, kêu gọi các đơn vị, doanh nghiệp tham gia vào chuỗi liên kết cung ứng, tiêu thụ sản phẩm, chế biến sản phẩm để nâng cao giá trị cây ăn trái; phát triển tổ hợp tác, hợp tác xã gắn phát triển sản phẩm OCOP đặc trưng…

Cẩm Tú

Báo Kiên Giang – baokiengiang.vn