Khánh Hòa: Chung tay mở lối du lịch lên ngàn

Nhắc đến du lịch Khánh Hòa, du khách nghĩ ngay đến biển xanh, cát trắng, nhưng xứ Trầm Hương còn có cả núi rừng với phong cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, những nét văn hóa truyền thống độc đáo có thể phát huy giá trị trong du lịch. Vì vậy, ngành Du lịch tỉnh và 2 huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh đang tìm mọi cách “đánh thức” tiềm năng để tạo sức bật cho kinh tế địa phương, trọng tâm là phát triển du lịch sinh thái núi rừng, du lịch cộng đồng…

Tiềm năng lớn nhưng khai thác nhỏ giọt

Khánh Sơn và Khánh Vĩnh đều có phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp với các thác nước hoang sơ, phong cảnh núi rừng cùng sự phong phú của sắc màu văn hóa các dân tộc vùng cao như Raglai, T’rin với các lễ hội đặc trưng, nhiều món ăn đặc sản, các nghề thủ công truyền thống… Đây là những chất liệu quan trọng để hình thành những sản phẩm du lịch riêng có, độc đáo, hấp dẫn du khách với các loại hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm. Thời gian qua, tỉnh đã ban hành một số chủ trương, chính sách để thúc đẩy sự phát triển du lịch miền núi. Bước đầu, một số điểm du lịch đã được du khách biết đến, trong đó Khánh Sơn có thác Tà Gụ, tour leo núi Tà Giang, săn mây trên đỉnh Ba Cụm, khám phá vườn sầu riêng; Khánh Vĩnh có Công viên Du lịch Yang Bay, Khu du lịch Suối Lách – Mà Giá, Khu du lịch nông trang Hoa Quả Sơn… Tuy nhiên, theo ông Phạm Minh Nhựt – Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Nha Trang – Khánh Hòa: “So với tiềm năng, lợi thế sẵn có, du lịch miền núi của Khánh Hòa chưa được đầu tư tương xứng. Nhiều điểm du lịch ở Khánh Sơn, Khánh Vĩnh chỉ mang tính tự phát, cơ sở hạ tầng giao thông chưa được đầu tư đồng bộ, các điểm du lịch nằm xa nhau nên khó xây dựng tour tuyến… Hiệu quả kinh tế do du lịch mang lại chưa đáng kể, người dân bản địa vẫn chưa được hưởng lợi nhiều từ sự phát triển của du lịch”.

Biểu diễn nhạc cụ truyền thống ở Công viên Du lịch Yang Bay. Ảnh: Kiều Hương

Biểu diễn nhạc cụ truyền thống ở Công viên Du lịch Yang Bay. Ảnh: Kiều Hương

Chính vì vậy, hiện nay, UBND tỉnh, Sở Du lịch đang đưa ra nhiều định hướng, giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch miền núi. Trong kế hoạch phát triển du lịch tỉnh theo các nghị quyết của Trung ương về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa (ban hành đầu năm 2023), Ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh đã xem việc phát triển du lịch núi rừng, du lịch sinh thái cộng đồng là một giải pháp quan trọng để bổ trợ du lịch biển đảo, hướng đến sự phát triển du lịch bền vững. Tại cuộc họp về kết quả thực hiện Chương trình hành động ngành Du lịch tỉnh 6 tháng đầu năm 2023, đồng chí Lê Hữu Hoàng – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã yêu cầu huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh khẩn trương khảo sát, lựa chọn, xây dựng các địa điểm, mô hình phát triển du lịch cộng đồng; nghiên cứu, xây dựng sản phẩm du lịch mới gắn với tiềm năng, lợi thế của địa phương. Đồng chí cũng đề nghị Sở Du lịch, Hiệp hội Du lịch Nha Trang – Khánh Hòa hỗ trợ các huyện miền núi xây dựng các điểm du lịch cộng đồng, liên kết để tạo ra các tour, tuyến du lịch có giá trị cao và bền vững, tránh tình trạng “mạnh ai nấy làm”. “Sở Du lịch đã phối hợp với UBND huyện Khánh Sơn và huyện Khánh Vĩnh khảo sát nhiều điểm đến phục vụ khách du lịch tại địa phương. Qua khảo sát, 2 địa phương đều có tiềm năng lớn phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng…”, bà Nguyễn Thị Lệ Thanh – Giám đốc Sở Du lịch cho biết.

Để “đánh thức” du lịch vùng cao

Với mong muốn “đánh thức” tiềm năng du lịch của địa phương, huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh đã triển khai các đề án để mở lối du lịch lên vùng cao. Mới đây, UBND huyện Khánh Vĩnh đã ban hành Đề án phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc dân tộc thiểu số huyện Khánh Vĩnh giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030. Huyện xác định phát triển du lịch cộng đồng phải gắn với phát triển kinh tế – xã hội địa phương; bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số; tạo ra các sản phẩm, mô hình du lịch gắn với sản xuất nông nghiệp, du lịch sinh thái, văn hóa, lịch sử, nghệ thuật, thủ công mỹ nghệ, làng nghề truyền thống. Sản phẩm du lịch cộng đồng của Khánh Vĩnh phải đảm bảo chất lượng, sự độc đáo riêng có để nâng cao sức cạnh tranh du lịch của huyện. “Mục tiêu của đề án là đến năm 2025, huyện có ít nhất 3 điểm du lịch cộng đồng được khách đánh giá đạt mức trung bình, trong đó đích nhắm là phát triển các làng du lịch cộng đồng tại các xã Khánh Trung, Khánh Thượng, Khánh Phú. Đến năm 2030, huyện sẽ có 10 điểm du lịch cộng đồng, trong đó ít nhất 3 điểm du lịch cộng đồng đạt mức tốt theo sự đánh giá của du khách…”, bà Ca Tông Thị Mến – Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh cho biết. Thời gian tới, huyện sẽ tập trung kêu gọi đầu tư du lịch; triển khai các giải pháp để phát triển cơ sở hạ tầng, đào tạo nhân lực, xây dựng và quảng bá thương hiệu du lịch, liên kết để tạo ra các tour du lịch.

Khách du lịch leo núi Tà Giang, Khánh Sơn. Ảnh: Dam San

Khách du lịch leo núi Tà Giang, Khánh Sơn. Ảnh: Dam San

Trước đó, từ năm 2016, huyện Khánh Sơn đã xây dựng, triển khai Chương trình phát triển du lịch huyện giai đoạn 2016 – 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Sau hơn 6 năm triển khai, chương trình đã mang lại hiệu quả bước đầu. Đặc biệt, Lễ hội trái cây Khánh Sơn đã trở thành sự kiện được nhiều du khách trong và ngoài tỉnh quan tâm. Để có sự phát triển du lịch một cách căn cơ, mới đây, huyện đã xây dựng đề án phát triển du lịch đến năm 2030 với tổng vốn đầu tư hơn 254 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách 8,3 tỷ đồng, vốn huy động từ các nguồn khác 246 tỷ đồng… “Đề án nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương, kêu gọi đầu tư xây dựng Khánh Sơn trở thành điểm du lịch mới, hấp dẫn, đặc biệt là du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp, nông thôn, du lịch cộng đồng…”, ông Cao Minh Vỹ  – Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn chia sẻ.

Đồng bào Raglai biểu diễn mã la.  Ảnh: Dam San

Đồng bào Raglai biểu diễn mã la. Ảnh: Dam San

Để du lịch miền núi của Khánh Hòa phát triển cần phải huy động được nhiều nguồn lực chung tay thúc đẩy du lịch Khánh Sơn và Khánh Vĩnh phát triển. Trước mắt, Sở Du lịch, Hiệp hội Du lịch Nha Trang – Khánh Hòa cần hỗ trợ, tư vấn để các địa phương nhận ra thế mạnh về tài nguyên du lịch, phát triển sản phẩm du lịch phù hợp, liên kết tạo ra các tour tuyến hoàn chỉnh… Hiện nay, Quốc hội đã có nghị quyết đồng ý về dự án đường kết nối 3 tỉnh Lâm Đồng – Khánh Hòa – Ninh Thuận với chiều dài gần 57km. Tuyến đường này hình thành không chỉ tăng khả năng kết nối giao thông, mà còn tạo điều kiện cho Khánh Sơn và Khánh Vĩnh đưa du lịch phát triển lên một tầm cao mới.

Xuân Thành

Báo Khánh Hòa Online – baokhanhhoa.vn