Khai thác tiềm năng du lịch nông nghiệp, nông thôn

Những năm gần đây, du lịch nông nghiệp, nông thôn ở nước ta ngày một phát triển, đóng góp tích cực cho nền kinh tế các địa phương, đặc biệt góp phần giải quyết việc làm và thu nhập cho nông dân. Thế nhưng, việc phát triển loại hình du lịch này vẫn còn tồn tại không ít hạn chế, bất cập.

 

Phát triển nhưng chưa đúng hướng, thiếu bền vững

Nằm ở độ cao gần 1.500m so với mực nước biển, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, khí hậu mát mẻ quanh năm, từ năm 2015, bản Sin Suối Hồ, xã biên giới Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu đã được xây dựng trở thành điểm du lịch cộng đồng và ngày càng thu hút nhiều du khách. Anh Vàng A Chỉnh, người dân tộc Mông, Trưởng bản Sin Suối Hồ, chưa bao giờ nghĩ bản thân và bà con bản mình có thể làm mô hình du lịch tại nhà (homestay) thành công. Anh chia sẻ: “Trước đây, bản Sin Suối Hồ thuộc diện khó khăn nhất xã, cái nghèo cứ đeo bám bà con. Từ khi bắt tay thực hiện xây dựng nông thôn mới, làm đường, phát triển du lịch, ở Sin Suối Hồ, nhà nào cũng trồng địa lan. Mục đích đầu tiên là để trang trí nhà cửa, không ngờ chính địa lan đã tạo điểm nhấn thu hút du khách tới Sin Suối Hồ. Bản mình giờ đây 100% hộ đều trồng địa lan, hộ ít thì chục chậu, nhiều thì có hàng trăm chậu”. Từ khi làm du lịch, loại cây này đã đem đến nguồn thu nhập cho Vàng A Chỉnh và người dân bản Sin Suối Hồ, cuộc sống của bà con dần được cải thiện.

<a title="Báo Quân đội nhân dân | Tin tức quân đội, quốc phòng | Bảo vệ Tổ quốc" style="text-align:center;" href="https://www.qdnd.vn"><img src="https://file3.qdnd.vn/data/images/0/2021/08/11/linh/bannerv2.png" class="vllogo"></a>

Người dân thôn Rạch, xã Hồng Quang, huyện Nam Trực, Nam Định biểu diễn rối nước truyền thống

Theo bà Phan Yến Ly, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn, Truyền thông và Sự kiện Cánh Cam, hiện nay, loại hình du lịch nông nghiệp, nông thôn Việt Nam đang phát triển nhưng chưa đi đúng hướng và thiếu bền vững. Bà Ly cho rằng, du lịch nông nghiệp, nông thôn Việt Nam cần tuyên truyền thay đổi tư duy của các chủ thể tham gia xây dựng và triển khai các hoạt động du lịch nông nghiệp, nông thôn phục vụ du khách, phải làm sao để người nông dân, hợp tác xã, trang trại muốn làm du lịch ngay cả khi nông, lâm, thủy sản được tiêu thụ tốt. Khi kinh tế nông nghiệp thành công, các doanh nghiệp lữ hành cùng chung tay, đồng hành đến nông thôn làm .

Gắn du lịch nông thôn với tiêu thụ sản phẩm OCOP

Việc phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với phát triển, tiêu thụ sản phẩm thuộc Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm-OCOP” có mối quan hệ hữu cơ với nhau. Sản phẩm OCOP chính là tài nguyên để xây dựng sản phẩm du lịch nông thôn một cách phong phú, đa dạng, hấp dẫn. Bên cạnh đó, sản phẩm OCOP cũng góp phần truyền tải các câu chuyện và giá trị văn hóa về du lịch nông thôn. Ở chiều ngược lại, du lịch nông thôn chính là không gian để phát triển sản phẩm OCOP.

Bà Ngô Thị Thu Trang, Phó giám đốc Trung tâm Phát triển Nông thôn-Saemaul Undong, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, cho biết: Việc kết nối tiêu thụ phải mang ý nghĩa, giá trị trong từng sản phẩm OCOP theo đúng ý nghĩa của chương trình, đó là hồn quê, là giá trị đặc sắc của mỗi địa phương. Nếu những giá trị đó được thể hiện qua ẩm thực, quà tặng, qua các sản phẩm nông sản địa phương để giới thiệu cho khách du lịch thì sẽ đạt được mục tiêu vừa phát triển du lịch, vừa giúp tiêu thụ sản phẩm nông sản tốt hơn. Khi du lịch nông thôn phát triển sẽ giúp giới trẻ có thêm việc làm, thêm không gian để họ phát triển ý tưởng sáng tạo.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Giám đốc Công ty Cổ phần Saigon Asset, nhiều sản phẩm OCOP bị trùng lặp giữa các địa phương, các sản phẩm na ná nhau. Ví như quả bưởi da xanh, xuất phát đầu tiên là ở Bến Tre, nhưng khi tới miền Trung cũng được nhận là đặc sản nơi đây. Vì thế, các địa phương cần cân nhắc, chọn lọc sản phẩm OCOP để phát triển, tránh trùng lặp, như vậy mới tạo nên sự khác biệt và có thể thu hút, hấp dẫn du khách.

Về giải pháp để xây dựng và phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn bền vững, bà Phan Yến Ly cho hay: Bên cạnh sự hỗ trợ của chính quyền, các sở, ban, ngành có liên quan, các nhà cung ứng dịch vụ du lịch nông nghiệp, các doanh nghiệp lữ hành và chính những chủ thể của tour du lịch nông nghiệp là người nông dân phải chủ động phối hợp, liên kết hoạt động, nghiên cứu thị trường, tìm khách hàng; đồng thời có sản phẩm phù hợp, cùng quảng bá, đào tạo nguồn nhân lực, đề xuất các giải pháp phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp một cách chuyên nghiệp hơn… Các sản phẩm du lịch nông nghiệp độc đáo sẽ mang lại trải nghiệm thú vị, hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước, góp phần tăng doanh thu cho ngành du lịch, phối hợp xây dựng nông thôn mới và cùng cộng đồng bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho biết: Phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với tiêu thụ nông, đặc sản, đặc biệt là sản phẩm OCOP đã, đang và sẽ được Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định là giải pháp tối ưu, mang lại lợi ích kép cho khu vực nông nghiệp, nông thôn. Bên cạnh đó, tính bền vững xã hội nông thôn sẽ được bảo đảm khi du lịch nông nghiệp, nông thôn tạo cơ hội cho người dân thiếu việc làm ở vùng nông thôn có nguồn thu tại nơi mình sinh sống, không phải đổ dồn về thành thị để mưu sinh.

Đẩy mạnh phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái của các địa phương sẽ góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị, bao trùm, phát triển bền vững. Đó cũng chính là mục tiêu được thể hiện trong Quyết định số 922/QĐ-TTg ngày 02/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

Bài và ảnh: Nguyễn Kiểm

Báo Quân đội nhân dân – qdnd.vn