Du lịch cộng đồng được hình thành và phát triển từ giữa thập kỷ 90 của thế kỷ XX, bắt đầu từ vùng người Thái ở Bản Lác, Mai Châu, tỉnh Hòa Bình. Đến nay, du lịch cộng đồng đã trở thành một trong những loại hình du lịch được yêu thích nhất của du khách khi đến với các tỉnh vùng núi phía Bắc như Hòa Bình, Hà Giang, Cao Bằng, Lai Châu, Sơn La, Yên Bái, Thái Nguyên, Lào Cai…
Trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, du lịch cộng đồng được xem là một trong những loại hình du lịch chủ đạo được khẳng định cần đẩy mạnh. Thời gian qua, du lịch cộng đồng ngày càng được mở rộng trên cả nước với nhiều mô hình như: Khu bảo tồn Làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải, tỉnh Thái Nguyên); Bản du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ, tỉnh Lai Châu; Hợp tác xã Dịch vụ Du lịch cộng đồng Quản Bạ, tỉnh Hà Giang; Cộng đồng du lịch làng chài Tân Thành, tỉnh Quảng Nam… đã và đang thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước tham quan, trải nghiệm.
Với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, ẩm thực đặc sắc và nét văn hóa đậm đà bản sắc của 54 dân tộc anh em, những năm gần đây du lịch cộng đồng đang được phát triển mạnh mẽ. Điều này không chỉ góp phần bảo vệ và phát huy những giá trị văn hóa vốn có mà còn giúp người dân tạo sinh kế bền vững trên mảnh đất quê hương. Đồng thời, góp phần nâng cao ý thức xây dựng môi trường văn hóa, cảnh quan văn minh, sạch sẽ, đóng góp tích cực cho việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Phát huy giá trị văn hóa bản sắc truyền thống qua các lễ hội, trang phục, ẩm thực… nhằm mang đến cho khách du lịch những trải nghiệm đặc sắc.
Để phát triển du lịch cộng đồng gắn với tạo sinh kế bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, các địa phương cần có kế hoạch cụ thể về xây dựng mô hình phát triển du lịch cộng đồng gắn với cải thiện sinh kế bền vững để khai thác các giá trị văn hóa bản địa, cũng như bảo đảm hiệu quả kinh doanh. Bên cạnh đó, nghiên cứu cụ thể ở nhiều lĩnh vực như cuộc sống thường ngày, văn hóa, ẩm thực đặc trưng, phong tục tập quán… Từ đó, định hướng các giá trị cốt lõi của cộng đồng, giữ gìn và phát triển không gian văn hóa để nuôi dưỡng, bảo tồn và phát huy giá trị.
Phát triển du lịch cộng đồng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cần tuân thủ các quy định về bảo tồn và nguyên tắc phát triển bền vững, trong đó kiểm soát áp lực về môi trường và xã hội là một trong những yêu cầu hàng đầu. Trên cơ sở đó, đề ra các giải pháp tổ chức, quản lý du lịch, hỗ trợ vốn, tạo điều kiện liên kết với doanh nghiệp, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho bà con tham gia làm du lịch, góp phần hoàn thiện những mô hình du lịch cộng đồng bền vững.
Ngoài ra, cần tổ chức tập huấn, đào tạo, nâng cao trình độ học vấn và nhận thức về vai trò của du lịch cộng đồng, du lịch bền vững dành cho người dân làm du lịch. Khuyến khích các đối tượng đi học, tặng học bổng cho người dân tộc thiểu số, miền núi tham gia các lĩnh vực phục vụ công tác quản lý du lịch và dịch vụ du lịch.
Trung tâm Thông tin du lịch