Ngòi Tu (Yên Bình – Yên Bái) hướng tới “làng du lịch”

Nằm nép mình bên mạn phía Đông hồ Thác Bà, làng văn hóa Ngòi Tu, xã Vũ Linh, huyện Yên Bình (Yên Bái) từ lâu đã trở điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước. Sau hơn 20 năm gắn bó với du lịch cộng đồng, Ngòi Tu có thêm nhiều nếp nhà sàn mới rộng cửa đón khách. Người dân nơi đây vẫn thuần túy với nét văn hóa đặc sắc của đồng bào vùng Đông hồ Thác Bà nhưng cũng dễ dàng đón nhận, hòa quyện với ngôn ngữ, văn hóa, phong cách của du khách thập phương.

Chị Lý Thị Sam Sung giới thiệu về mô hình du lịch cộng đồng của gia đình

Hướng gió Đông hồ Thác dịu mát luồn qua kẽ lá làm cho những tán cây cọ ở Ngòi Tu xanh mát ôm ấp những mái nhà sàn truyền thống của đồng bào người Dao, Cao Lan, Nùng nơi đây vẫy vẫy như chào đón khách. Tuyến đường Đông hồ đã được mở rộng, áp phan phẳng phiu dẫn du khách đến với ngôi làng độc đáo với hệ thống đường liên xóm quanh co, uốn lượn theo từng mảnh ruộng, ngọn đồi, từng eo ngách của hồ Thác Bà. Đường bê tông rộng rãi đến cuối làng phủ màu xanh mướt của cây cối pha sắc hoa chen màu nâu xám, đỏ tươi những nếp nhà sàn dẫn du khách đến những mô hình du lịch bình dị mà độc đáo.

Như mọi ngày, bà Thương (vợ ông Tướng Văn Thương -cách vợ gọi theo tên chồng của người dân địa phương) ngồi trước sân nhà khéo léo, tỉ mỉ thêu khăn vuông, thêu vạt áo truyền thống của người Dao để cho con cháu cũng có thể làm quà tặng cho du khách khi ghé thăm homestay của gia đình. Ông Thương tranh thủ kiểm tra lại gác 2 căn nhà sàn, trồng thêm vài cây dược liệu trong vườn, rồi đi chặt chuối, cắt cỏ cho cá ăn. Công việc hàng ngày chỉ đơn giản vậy vì ông Thương đã giao toàn bộ quyền điều hành mô hình du lịch của gia đình cho con trai từ năm 2020.

Bà Thương cùng với con gái ngồi thêu khăn vuông, vạt áo trang phục người Dao trong mùa đông

“Tôi bắt đầu biết đến du lịch cộng đồng từ năm 2000, đến năm 2027 kết hợp với anh Pedro Bình (Việt kiều Pháp) làm khu du lịch LAVIE ở Ngòi Tu, chuyên phục vụ khách nước ngoài. Đến năm 2012, tôi chuyển sang phát triển du lịch cộng đồng tại gia đình. Ban đầu là cải tạo, nâng cấp lại chính ngôi nhà của gia đình làm sao cho đồng bộ, khang trang; duy trì vệ sinh nhà cửa, chỉnh trang lại vườn rau ao cá cho quy củ. Tiếp đó, tăng cường liên kết với chính quyền, cơ quan chức năng và các đơn vị làm du lịch để học cách đáp ứng nhu cầu, dịch vụ của khách. Mô hình phát triển hiệu quả, đời sống nâng lên, tôi định hướng cho các con đi học đại học, cao đẳng chuyên ngành du lịch để có kiến thức, mở rộng liên kết phát triển sau này thì tôi mới an tâm chuyển giao” – ông Thương chia sẻ.

Thôn Ngòi Tu hiện có 160 hộ gia đình, trong đó có 20 hộ làm du lịch cộng đồng. Hàng năm, thôn đón trên 1 nghìn lượt khách, chủ yếu đến từ các nước Pháp, Đức, Na Uy, Thụy Điển, Úc. Những người làm du lịch cộng đồng ở thôn Ngòi Tu đến nay đang thực hiện cuộc “cách mạng” chuyển giao sang thế hệ thứ 2.Các gia đình ông Tướng Văn Thành, ông Tướng Văn Bội, bà Triệu Thị Hồng… đã và đang định hướng cho các con cháu đi học tập chuyên sâu về làm du lịch, mục tiêu chung là liên kết du lịch, xây dựng các tour, tuyến; hoàn thiện, đa dạng các loại hình du lịch dựa vào thế mạnh cộng đồng, địa phương.

Chị Lý Thị Sam Sung đã được bố mẹ chuyển giao mô hình du lịch Vũ Linh Family Homestay được 5 năm, phấn khởi cho biết: “Hiện mô hình nhà tôi cung cấp các dịch vụ ăn uống, ngủ nghỉ lưu trú qua đêm cho khách du lịch. Ngoài ra, các hộ làm du lịch cùng thống nhất với nhau về xây dựng mô hình có kiến trúc thân thiện môi trường, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường chung… Các hộ cũng chủ động liên kết với người dân làm nghề nông, nghề thủy sản, nghề lâm nghiệp, các câu lạc bộ văn nghệ dân gian để gây dựng các tour trải nghiệm cho khách về ẩm thực, tham quan hồ Thác Bà bằng thuyền nan, tham quan khu du lịch đình làng Mẫu Ba ở Vũ Linh và thưởng thức các điệu múa, hát của đồng bào người Dao, người Tày, người Nùng, người Cao Lan thuộc vùng Đông hồ Thác Bà”.

Nếp nhà sàn truyền thống của người Dao thôn Ngòi Tu, xã Vũ Linh

Là thế hệ thứ hai nối tiếp làm du lịch, chị Sung cho biết: “Điều quan trọng là chúng tôi thường xuyên nâng cao chất lượng dịch vụ, học tập thêm nhiều cách chế biến các món ăn đặc sắc, độc đáo đáp ứng đa dạng khách hàng; nâng cao trình độ ngoại ngữ phục vụ giao tiếp. Để có lượng khách thường xuyên, tôi tích cực liên kết, xây dựng kênh thông tin trên mạng xã hội như Facebook, Zalo, Youtube để hướng dẫn, quảng bá, tương tác với khách hàng. Việc đặt phòng, thanh toán hầu hết được thực hiện online”.

Theo anh Phạm Văn Đại, là thành viên Tổ hợp tác thanh niên làm du lịch cộng đồng ở Ngòi Tu, du lịch ở Ngòi Tu là mô hình du lịch trải nghiệm, du lịch thắng cảnh nông thôn gắn liền với du lịch nông nghiệp nên chúng tôi chú trọng đến cảm xúc của du khách. Chúng tôi thường xuyên gắn bó, thống nhất với cộng đồng, đặc biệt là những người có uy tín, người lớn tuổi ở địa phương để họ duy trì, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, thực hành thường xuyên để du khách có những trải nghiệm mới từ nghề truyền thống, nếp văn hóa, nhịp sống ở địa phương. Có được như vậy, du khách sẽ có những ấn tượng tốt, độc, lạ với mảnh đất, con người nơi đây.

Anh Đại nhấn mạnh về mục tiêu trước mắt: “Hệ thống homestay tại Ngòi Tu phát triển khá mạnh, đáp ứng nhu cầu ăn ở, trải nghiệm của du khách. Hệ thống đường giao thông cũng thuận lợi nên dễ dàng tiếp cận. Tuy nhiên, để duy trì vệ sinh đường làng, ngõ xóm, chúng tôi thường xuyên vận động mọi người cùng chung tay dọn dẹp vệ sinh đường làng ngõ xóm từ 2 đến 3 lần một tháng; hướng dẫn cho mọi người làm các sản phẩm đặc sản, đặc trưng của địa phương để làm quà du lịch như: các sản phẩm từ đan lát, các sản phẩm từ thêu thùa của người Dao… ; vận động mọi người thường xuyên mặc trang phục truyền thống trong sinh hoạt hằng ngày và sưu tầm những hiện vật quý, đặc trưng như quần áo, cồng chiêng tiến tới xây dựng ngôi nhà cộng đồng người Dao. Chúng tôi đang hướng đến cả làng cùng tham gia làm du lịch, mỗi người cung cấp một sản phẩm du lịch, từ đó trở thành điểm đến thân thiện, hấp dẫn du khách trong thời gian tới”.

Du khách trải nghiệm đan rọ tôm tại khu du lịch Lavie Vũ Linh

Với những nỗ lực của thế hệ làm du lịch thứ 2, nhiều hộ gia đình tại Ngòi Tu đã mở rộng mô hình du lịch từ 1 đến 3 nhà sàn, thực hiện nhiều công trình phụ trợ để đáp ứng nhu cầu du khách. Đến nay, hầu hết các hộ làm du lịch ở Ngòi Tu đều đón trên 300 lượt du khách tới tham quan, nghỉ dưỡng; doanh thu từ du lịch đạt trên 100 triệu đồng mỗi năm. Chất lượng du lịch ở Ngòi Tu cũng được nâng lên tạo ấn tượng tốt đẹp cho du khách.

Ông Lee – một du khách người Úc, thường đến Ngòi Tu du lịch, nghỉ dưỡng, trải nghiệm trong thời gian dài cho biết: “Tôi rất thích du lịch ở đây. Không khí trong lành, con người thân thiện. Họ vẫn giữ được những nét độc đáo của đồng bào vùng hồ Thác Bà. Tôi thích xem và hòa mình theo các điệu múa truyền thống của người Dao, người Tày; thích các món ăn được chế biến khéo léo, phù hợp với khẩu vị. Một phần người làm du lịch ở đây có thể giao tiếp bằng tiếng Anh, tiếng Pháp và người dân rất nhiệt tình nên mọi nhu cầu trải nghiệm du lịch trên hồ Thác Bà, trải nghiệm cấy lúa, bắt cá, hoặc chế biến các món ăn phương tây hay bất kỳ điều gì… tôi đều được đáp ứng và không gặp khó khăn gì”.

Theo ông Trần Văn Hiền – Chủ tịch UBND xã Vũ Linh, từ năm 2010 đến nay, tỉnh Yên Bái, huyện Yên Bình đã có nhiều chính sách hỗ trợ, mở nhiều lớp tập huấn, hướng dẫn giúp người dân ở Ngòi Tu nói chung và toàn tỉnh Yên Bái nói riêng để họ phát triển du lịch cộng đồng. Cùng đó, nhiều đoàn khách du lịch nước ngoài, du khách trong nước tiếp cận theo hình thức du lịch trải nghiệm gắn với chia sẻ, giúp đỡ nên người dân Ngòi Tu làm du lịch khá chuyên nghiệp.

Ông Hiền khẳng định: “Du lịch đã góp phần tạo thêm nhiều việc làm, nâng thu nhập bình quân người dân ở đây lên trên 48 triệu đồng/năm. Trên cơ sở các chủ trương, chính sách của tỉnh hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng như Nghị quyết 10 của HĐND tỉnh, xã đã vận động triển khai thành lập Câu lạc bộ bảo tồn văn hóa dân tộc, dân gian của người Dao; thực hiện xã hội hóa để thắp sáng đường quê, tổ chức hoạt động vệ sinh môi trường thường xuyên và hỗ trợ để người dân xây dựng các công trình, mô hình du lịch nhỏ và vừa”.

“Thời gian tới, Vũ Linh tiếp tục đẩy mạnh khôi phục, tổ chức hoạt động văn hóa dân gian và các cái trò chơi dân gian cũng như các lễ hội, các hoạt động văn hóa, thể thao để vừa phục vụ cho người dân trong dịp Tết cũng như thu hút du khách, hướng tới xây dựng làng du lịch cộng đồng đặc trưng thu hút cả du khách trong nước và quốc tế tới tham quan, nghỉ dưỡng…” – ông Hiền khẳng định.

Tận dụng cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, duy trì và phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc đang là lợi thế được người dân Ngòi Tu phát huy tạo bản sắc cho du lịch cộng đồng.

Hoài Văn

Báo Yên Bái – baoyenbai.com.vn