Máy chẻ mắc ca của HTX có trang bị đèn rọi kiểm soát chất lượng nhân
Ông Phạm Văn Nam – Giám đốc HTX Macamadia Phương Nam hồ hởi chia sẻ, thành viên HTX đều là nông dân trong thôn Đạ K’nàng, xã Đạ K’nàng, huyện Đam Rông. HTX được thành lập với mong muốn cùng nhau làm ăn tập thể, xây dựng liên kết vững vàng để các thành viên đều có thu nhập ổn định. Ông Phạm Văn Nam bắt đầu câu chuyện ra đời của HTX bằng những hạt mắc ca, thứ hạt được trồng từ chính mảnh đất Đạ K’nàng. Ông bảo, nông dân xứ này vốn quen với cây cà phê. Được ngành nông nghiệp giới thiệu, rồi thấy bà con Lâm Hà trồng thành công, nhiều nhà cũng mạnh dạn trồng xen vào vườn cà phê làm cây che bóng, mong có thêm thu nhập. Không ngờ hợp đất, hợp trời, mắc ca Đạ K’nàng xanh tốt, mau cho trái, ra hai vụ một năm nên nông dân rất mừng. Ông Nam kể lại: “Mắc ca của chúng tôi thu hai vụ một năm, một vụ vào ngay sau Tết Âm lịch và một vụ vào khoảng tháng 7. Vì chọn giống tốt, trồng đúng kỹ thuật nên năng suất cũng khá ổn định”.
Trước đó, người Đạ K’nàng thu mắc ca xong, chờ thương lái tới thu mua về chế biến. Giá mắc ca sọ cũng ổn định, cho người nông dân một khoản thu tốt. Nhưng với xứ trồng nhiều mắc ca, việc nhận thấy có thể tự trồng, chế biến và bán ra ngoài sẽ cho thu nhập tốt hơn. Nghĩ là làm, ông Phạm Văn Nam bàn với những nông dân quanh xóm cũng trồng nhiều mắc ca tập trung xây dựng hợp tác xã, đầu tư nhà xưởng, máy móc để chế biến. Những người nông dân chân chất xứ núi, với sự hỗ trợ về thủ tục của chính quyền, đã thành lập HTX maccamadia Phương Nam. HTX có 9 thành viên, với diện tích xấp xỉ 40 ha. Ngoài ra, HTX còn thành lập liên kết với 28 hộ, diện tích 60 ha, vừa thu mua, vừa hỗ trợ về kỹ thuật chăm sóc.
“Muốn sản phẩm có thị trường, HTX chúng tôi đã đầu tư máy móc rất chuẩn để sản phẩm đạt chất lượng tốt. Vườn được chăm bón đúng kỹ thuật sẽ cho trái to, nhân già, béo. Thu hoạch về, chúng tôi đổ cả trái xanh vào xay vỏ, sau đó rửa, hong khô, đưa vào lò sấy và công đoạn cuối là chẻ. Tất cả quy trình được đảm bảo đúng kỹ thuật, nhà hong cũng là nhà lồng kín, phơi trên giá sắt”, ông Phạm Văn Nam chia sẻ. Ngay cả hệ thống máy chẻ của HTX cũng được trang bị hệ thống đèn rọi, khi thấy có hạt hư hỏng sẽ loại bỏ, đảm bảo hạt mắc ca sấy nứt Phương Nam luôn ngon, trắng. Những hạt nhỏ, lép, HTX sử dụng ép dầu, cung cấp cho thị trường loại tinh dầu mắc ca óng ánh.
Mới thành lập năm 2023, riêng mùa mắc ca vừa qua, HTX Phương Nam đã chế biến được 60 tấn mắc ca sấy nứt. Vụ mắc ca 2024, HTX dự tính chế biến khoảng 200 tấn tươi, tương đương 150 tấn khô. Làm sao để tiêu thụ được hết lượng mắc ca lớn với giá tốt? Ông Phạm Văn Nam chia sẻ, ngoài các kênh truyền thống, HTX còn bán trên các sàn thương mại điện tử. “Nông dân giờ cũng phải biết sử dụng mạng internet để bán hàng, quảng bá sản phẩm. Chúng tôi bán trên sàn postmart và đang xây dựng shop trên các sàn khác để mở rộng thị trường” – ông Nam tự tin.
Để chinh phục lòng tin của khách hàng về hạt mắc ca thuần cao nguyên, HTX đã xây dựng sản phẩm OCOP và đạt 3 sao, một dấu mốc quý vì đã giúp người tiêu dùng tin tưởng vào chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, vỏ mắc ca xanh được xay ra, HTX dùng ủ phân hữu cơ vi sinh với men Trichoderma, bón trở lại cho vườn. Vỏ hạt cứng sau sấy được bán cho các doanh nghiệp chuyên đốt than xuất khẩu. Nguyên trái mắc ca được tận dụng triệt để, vừa mang lại hiệu quả kinh tế, vừa không gây hại cho môi trường.
Ông Lê Đình Mạnh – Phó Chủ tịch UBND xã Đạ K’nàng đánh giá, HTX Macamadia Phương Nam là tập thể của những người nông dân đã cùng hợp tác để phát triển. HTX đã xây dựng cơ sở chế biến mắc ca rất đồng bộ, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tiêu thụ một lượng lớn mắc ca cho xã viên cũng như các nông hộ liên kết và bà con trong xã. Sản phẩm mắc ca của HTX đã đạt OCOP 3 sao, góp phần xây dựng thương hiệu cho mắc ca Đạ K’nàng, đưa hạt mắc ca vùng sâu ra thị trường trong nước và hướng đến xuất khẩu.
Diệp Quỳnh
Báo Lâm Đồng – baolamdong.vn