Xã An Thạnh Nam nằm ở vị trí cuối cùng của huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng), cách trung tâm huyện 30km. Với 17km đường bờ biển, hệ thống sông ngòi chằng chịt, khí hậu mát mẻ, ôn hòa, cây trái, hoa màu đa dạng. Đặc biệt, xã có diện tích rừng ngập mặn lớn nhất huyện và bãi bồi rộng lớn cùng với hệ động, thực vật phong phú, phù hợp phát triển du lịch sinh thái, sông nước miệt vườn kết hợp nghỉ dưỡng. Với lại, xã có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống với khoảng 416 hộ, chiếm 24% dân số toàn xã và những nét văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số sẽ là “chìa khóa vàng” thu hút khách du lịch.
Trước những lợi thế đó, chính quyền và người dân của xã đã bắt tay vào hành động. Đồng chí Trần Thị Diễm Hằng – Phó Chủ tịch UBND xã An Thạnh Nam cho biết, xã quan tâm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số. Năm 2022, xã đã ra mắt câu lạc bộ văn hóa văn nghệ Khmer; năm 2023, ra mắt câu lạc bộ múa rom vong. Để hỗ trợ cho các câu lạc bộ phát huy truyền thống văn hóa văn nghệ của đồng bào Khmer, UBND xã đã xây dựng kế hoạch phát triển du lịch xã nông thôn mới giai đoạn 2023 – 2025 trình UBND huyện. Đồng thời, đề xuất Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hỗ trợ các trang thiết bị, dụng cụ, nhạc cụ cho câu lạc bộ hoạt động; đã được hỗ trợ trị giá trên 250 triệu đồng.
Từ khi thành lập đến nay, các câu lạc bộ đã phát huy rất hiệu quả các loại hình văn hóa văn nghệ của đồng bào Khmer. Chị Lâm Thanh Hoa – Chủ nhiệm Câu lạc bộ Phụ nữ dân tộc Khmer múa rom vong thuộc xã An Thạnh Nam hào hứng chia sẻ: “Chị em luôn tích cực, tranh thủ thời gian rèn luyện, tập múa và hiện nay, chúng tôi đã thành thục, có thể tự tin trình diễn trước đám đông. Thời gian qua, có nhiều nơi mời chúng tôi đi biểu diễn, biểu diễn cho khách du lịch; là người Khmer, được múa những giai điệu Khmer là niềm vui lớn với chúng tôi và nay có thể tăng thêm thu nhập, làm kế mưu sinh từ nghề thì không còn gì vui sướng bằng”.
Giai điệu ngũ âm của đồng bào Khmer làm say đắm khách du lịch đến với xã An Thạnh Nam, huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng). Ảnh: Sớm Mai
Việc thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số trên địa bàn xã An Thạnh Nam gắn với phát triển du lịch đã tạo nên những sản phẩm du lịch khá hấp dẫn. Một số mô hình phát triển du lịch đã hình thành và được tổ chức hoạt động khá hiệu quả, như: điểm du lịch sinh thái Apsara với loại hình kinh doanh trang trại, ẩm thực, giải trí, lưu trú và các loại hình văn hóa văn nghệ Khmer; Tổ hợp tác du lịch ấp Võ Thành Văn với loại hình đua vỏ lãi trên bùn, tham quan rừng bần nguyên sinh…
Đồng chí Trần Thị Diễm Hằng chia sẻ về cách thực hiện như: nâng cao trách nhiệm, nhận thức; xây dựng cơ chế chính sách, huy động nguồn lực phục vụ; tăng cường kiểm kê, nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng, lưu giữ, bảo tồn, phát huy giá trị các loại hình văn hóa phi vật thể truyền thống của các dân tộc thiểu số trên địa bàn, nhất là các loại hình có nguy cơ mai một… Tuy nhiên, tiến trình thực hiện công cuộc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch của xã An Thạnh Nam không hề đơn giản, cần lắm sự quan tâm “tiếp sức”.
Chính vì thế, lãnh đạo xã An Thạnh Nam đề xuất cấp trên hỗ trợ hoàn thiện các điểm du lịch hiện có, nhất là các cơ sở kinh doanh do đồng bào dân tộc thiểu số làm chủ. Xã được tiếp cận các hạng mục hỗ trợ từ Dự án 6 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030. Hỗ trợ các câu lạc bộ nâng cao chất lượng sinh hoạt văn hóa dân gian Khmer thông qua các lớp đào tạo; đào tạo cho thành viên câu lạc bộ về các kỹ năng làm du lịch. Hỗ trợ xây dựng nhà sinh hoạt cho các câu lạc bộ, điểm dừng chân phục vụ khách tham quan, du lịch thưởng thức các hoạt động văn hóa. Quan tâm hỗ trợ cơ sở vật chất, thiết bị, dụng cụ, nhạc cụ.
Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch cần định vị, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm và đây là trách nhiệm không chỉ riêng xã An Thạnh Nam. Mong rằng, tỉnh, huyện Cù Lao Dung có sự quan tâm và đầu tư tích cực, kịp thời.
Sớm Mai
Báo Sóc Trăng – baosoctrang.org.vn