Huyện Tủa Chùa phía bắc lớp lớp núi non, phía nam là miền thượng du, khúc thượng nguồn con sông nổi tiếng hung dữ, bí hiểm, đã hóa thân thành mặt nước lành hiền, phẳng lặng. Ghềnh thác, núi non kỳ vĩ soi bóng dưới lòng hồ mênh mông. Đến đây vào những ngày ít khách như những ngày này, được nghe bác lái đò thong thả kể chuyện núi bên mình, mình bên núi thành bạn thân.
Sau đám mây trắng bồng bềnh, ai cũng biết là núi, với mỗi con người ai cũng có câu chuyện ngày ấy, trước kia của riêng mình. Người lái đò kể chuyện, ngày xưa, những người Dao quần chẹt đã vượt dòng sông Đà thác ghềnh, khai sơn lập địa. Đến vùng đất thấy có những cây mía 10 gióng, phát cỏ cây vô tình đánh rơi chiếc bao đựng dao xuống suối, nhặt lên thì cá đã chui đầy bao, nên quyết định dừng chân, lập bản, định cư ở đây.
Xưa kia, xã Huổi Só vốn là huyết mạch giao thông đường thủy quan trọng, được mệnh danh là “ngã ba sông Đà-ngã ba ba tỉnh Điện Biên-Sơn La-Lai Châu”. Ngày ấy, bờ sâu, sông cạn. Nay, đôi bờ lấn sâu vào thung lũng là những thửa ruộng của người Dao. Nước dâng cao, ruộng đồng cũng lên cao còn trên núi người Dao trồng chè.
Từ ngày nước ngập mênh mông, người dân bản địa chuyển sang nghề chở thuyền. Sơn dân ở đây là sự kết hợp kết hợp núi sông. Đàn bà con gái trồng chè, đàn ông trai tráng làm nghề sông nước. Núi là cái kho cơm áo của họ, nước là sinh mệnh của họ, âm thầm vất vả, họ cần mẫn hoàn tất công việc dưới chân núi, bên dòng sông. Nhiều người chèo đò không những chỉ kể chuyện trồng ngô lúa trên núi đá tai mèo, họ còn kể có cây chè Tuyết San cổ thụ, dân bản phải trèo lên cây hoặc bắc thang mới hái được búp.
Đến Huổi Lóng còn được chiêm ngưỡng cảnh quan huyện Tủa Chùa, nơi đây, nhiều người ví như một “tiểu” Hà Giang. Tủa Chùa có nhiều danh lam thắng cảnh được xếp hạng Di tích cấp Quốc gia như Hang động Khó Chua La, Pê Răng Ky, rừng chè San Tuyết cổ thụ với gần 4.000 cây chè tuổi đời hàng trăm năm tuổi.
Bài và ảnh: Linh Hoa
Báo Thời Nay (Ấn phẩm của Báo Nhân dân) – nhandan.vn