Chiến lược phát triển sản phẩm du lịch Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được xây dựng nhằm phát triển hệ thống sản phẩm du lịch Việt Nam bền vững, có tính cạnh tranh cao với 4 dòng sản phẩm chủ đạo là du lịch biển đảo, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái và du lịch đô thị và mục tiêu đến năm 2030 phát triển đồng bộ, các dòng sản phẩm trên được ghi nhận trên thị trường khu vực và quốc tế.
Theo Viện Nghiên cứu phát triển Du lịch, đơn vị chủ trì xây dựng đề án, Chiến lược phát triển sản phẩm du lịch Việt Nam sẽ phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng theo vùng tạo sự độc đáo, khác biệt và đa dạng hóa sản phẩm dựa trên hệ thống sản phẩm du lịch của 7 vùng gồm: Vùng Trung du và miền núi Bắc bộ, Vùng Đồng bằng sông Hồng và duyên hải Đông Bắc, Vùng Bắc Trung bộ, Vùng duyên hải Nam Trung bộ, Vùng Tây Nguyên, Vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Vùng Đông Nam bộ với các sản phẩm du lịch đặc thù, du lịch chính, du lịch bổ trợ và thị trường thu hút khách cụ thể.
Trên cơ sở đó, Viện Nghiên cứu phát triển Du lịch đã đề xuất một số giải pháp cụ thể liên quan đến đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch; cơ chế, chính sách; quản lý chất lượng dịch vụ; thu hút thị trường; xúc tiến quảng bá sản phẩm du lịch.
Trong bài trình bày về sự hợp tác giữa hàng không và du lịch, đại diện Vietnam Airlines cho biết, tính đến hết năm 2015, Việt Nam có 48 hãng hàng không khai thác trên tổng số 81 đường bay quốc tế đi/đến Việt Nam; có 4 hãng hàng không khai thác tổng số 52 đường bay nội địa Việt Nam. Vietnam Airlines hiện kết nối 17 quốc gia với Việt Nam với 56 đường bay và 29 điểm đến; mạng đường bay nội địa của Vietnam Airlines gồm 43 đường bay. Trong việc xây dựng sản phẩm du lịch, Vietnam Airlines phối hợp với công ty lữ hành xây dựng các tour du lịch trọng điểm và cùng phát triển các sản phẩm du lịch; Phối hợp với các khách sạn và resort xây dựng chương trình “Vietnam Holiday”… Nhằm phát triển mạng lưới đường bay, tăng cường năng lực kết nối các điểm đến, phục vụ phát triển du lịch Việt Nam, Vietnam Airlines cam kết củng cố, tăng cường vị trí của hãng trong thị trường vận tải hàng không quốc tế; Tiếp tục nỗ lực, chuẩn bị nguồn lực, tìm kiếm cơ hội, kết nối các thị trường du lịch trọng điểm với các thị trường có nhu cầu lớn về du lịch; Tích cực tìm kiếm giải pháp phát động thị trường hiệu quả thông qua việc hợp tác với cơ quan quản lý du lịch, chính quyền địa phương, doanh nghiệp du lịch.
Nhấn mạnh vai trò của doanh nghiệp trong phát triển sản phẩm du lịch bền vững, đại diện Công ty Mekong Rustic đề xuất, doanh nghiệp du lịch cần tập trung xây dựng chính sách và sản phẩm du lịch có trách nhiệm; Thu hút và đào tạo nguồn nhân lực, đề xuất sáng kiến phát triển du lịch có trách nhiệm; Tạo ra các giá trị của sản phẩm du lịch kết hợp xây dựng các sản phẩm du lịch bền vững như các sản phẩm du lịch cộng đồng thông qua hợp tác với các doanh nghiệp khác, các tổ chức phi chính phủ về du lịch có trách nhiệm, bảo vệ môi trường; Tổ chức các hoạt động giới thiệu, đào tạo, hướng dẫn người dân địa phương về du lịch trách nhiệm, qua đó nâng cao nhận thức cho người dân về phát triển du lịch bền vững; Hướng dẫn du khách thực hiện du lịch có trách nhiệm thông qua bảo vệ môi trường, tài nguyên du lịch, văn hóa tại điểm đến.
Các đại biểu tham dự đã đưa ra nhiều ý kiến góp ý nhằm hoàn thiện chiến lược phát triển sản phẩm du lịch Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó có ý kiến cho rằng cần đặc biệt chú ý đến văn hóa ẩm thực, nên coi ẩm thực là một điểm nhấn trong sản phẩm du lịch của Việt Nam bởi sự đa dạng và đặc sắc, nhận được sự quan tâm, ưa thích của mỗi du khách quốc tế khi đến Việt Nam; Xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù vùng cần quan tâm đến nét đặc sắc, tính đặc thù riêng tạo nên điểm nhấn khác biệt cho từng địa phương trong vùng; Có cơ chế bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp khi sáng tạo ra sản phẩm mới, chống sự sao chép sản phẩm gây tổn hại đến lợi ích của doanh nghiệp…
Phát biểu tại hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu cho biết, Chiến lược phát triển sản phẩm du lịch Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã đề cập tới vấn đề phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng theo vùng miền, giúp địa phương hoạch định sản phẩm phù hợp. Đồng thời, chiến lược này cũng giúp doanh nghiệp định hướng phát triển sản phẩm trong kế hoạch của từng doanh nghiệp. Đánh giá cao các ý kiến đóng góp cho dự thảo, Phó Tổng cục trưởng đề nghị Viện Nghiên cứu phát triển Du lịch tổng hợp, chọn lọc tiếp thu để bổ sung, hoàn thiện, xây dựng chiến lược phù hợp với xu thế phát triển của thị trường.
Hương Lê