Một đoạn Suối Giá có rất nhiều đá
Ngược dòng con suối
Theo chân anh Cao Văn Hận (công chức văn hóa – xã hội xã Ba Cụm Bắc) đi ra khỏi thôn Suối Đá, chúng tôi đến ngã ba hợp lưu giữa dòng suối Mây với suối Giá, tạo nên dòng suối Lớn – một phụ lưu của sông Tô Hạp. Từ ngã ba suối, chúng tôi men theo con nước đi ngược về phía tây – nơi khởi thủy của dòng suối Giá. Suối Giá, hay cách đồng bào Raglai ở địa phương vẫn quen gọi là suối Đá, có cảnh vật khá độc đáo. Suối được hình thành từ một mạch nước nhỏ lộ thiên ở đỉnh Hòn Gầm, len lỏi dưới tán cây rừng để chảy về xuôi. Trên đường đi của dòng nước, theo thời gian đã làm lộ diện, bào mòn những hòn đá, tảng đá đủ hình dạng, đi vào truyện kể của đồng bào Raglai. “Chiều dài suối Giá khoảng hơn 10km, nhưng đoạn đẹp nhất, kỳ vĩ nhất là khu vực hạ lưu dài khoảng 2km, chảy qua xã Ba Cụm Bắc. Dòng suối khi về đến đây đã được mở rộng và cảnh vật giữa lòng suối, cũng như hai bên bờ suối thực sự khiến cho chúng ta phải ngỡ ngàng”, anh Cao Văn Hận cho biết.
Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi về suối Giá là sự cộng hưởng giữa nước và đá. Nước suối vào mùa khô trong xanh, yên bình. Những ngày nắng ráo, nước suối chảy róc rách, luồn qua những khe đá, lúc lại ào ạt tràn lên các triền đá tảng. Có những đoạn, nước đang chảy bình thường bỗng nhiên mất hút vào trong lòng đất đá, rồi lại đột ngột hiện ra với những thác nước nhỏ hoặc những hồ nước trong xanh như mắt mèo. Cái tên suối Đá mà đồng bào Raglai gọi dòng suối này có lẽ là do đá ở trong lòng suối nhiều vô kể. Đặc biệt, có những tảng đá mà ở đó bàn tay tạo hóa đã khéo tạc nên những hình thù độc đáo. Đó là hình một con bạch xà dài chừng 3m, nổi bật trên nền đá màu xám tự nhiên, nhưng xem qua cứ như có người mang sơn đến vẽ. Trên một số tảng đá còn có những lỗ nhỏ tự nhiên, hình dạng trông như dấu chân voi, đặc biệt nước trong những lỗ này quanh năm không cạn. Độc đáo nhất vẫn là tảng đá có hình dáng như một con voi bị té ngửa với lưng in hằn lên đá và 4 chân giơ lên trời.
Từ những hình thù trên đá, đồng bào Raglai đã sáng tạo nên câu chuyện truyền miệng qua nhiều thế hệ. Theo lời kể của một số người già trong thôn Suối Đá, thuở xa xưa, ở khu vực suối Đá đã xảy ra cuộc chiến khốc liệt giữa voi rừng với bạch xà để giành lãnh địa. Trong nhiều ngày, nhiều đêm, những thanh âm phát ra từ hai con vật làm rung chuyển núi rừng, khiến cho mọi người sợ hãi. Cuộc chiến chỉ kết thúc khi nọc độc của bạch xà ngấm vào cơ thể voi khiến voi té ngửa ra chết. Tuy câu chuyện đơn giản nhưng đã phần nào minh chứng cho đời sống tinh thần của đồng bào Raglai từ xa xưa. Đến hôm nay, dòng suối Giá vẫn giữ vẻ đẹp hoang sơ. Hai bên bờ suối, thảm cây rừng vẫn còn dày đặc tạo nên màu xanh mát mắt vào ngày nắng, cũng là lá chắn hạn chế lực nước vào mùa mưa.
Những thác nước nhỏ trên dòng suối Giá
Địa danh lịch sử
Dòng suối Giá còn trở nên đặc biệt hơn nữa khi nó còn gắn liền với lịch sử cách mạng của huyện Khánh Sơn. Suối Giá cùng với khu vực Tô Hạp (thị trấn Tô Hạp), Xóm Cỏ (xã Sơn Bình) là 3 địa điểm hình thành nên căn cứ cách mạng Tô Hạp. Có dịp trò chuyện với ông Tro Hoàng Vân – người từng tham gia kháng chiến ở xã Ba Cụm Bắc, chúng tôi biết rằng, hoạt động cách mạng ở khu vực suối Giá trong kháng chiến chống Mỹ gắn với tên tuổi Đội du kích Ba Cụm. Trong đó, có những con người đã được lịch sử lưu danh, nhân dân mến yêu như: Năm A Cho, Cao Điềm, Cao Tím, Mấu Dương…
Lịch sử đấu tranh cách mạng của tỉnh và huyện Khánh Sơn đã ghi rõ về địa điểm khu vực suối Giá. Đây là đại bản doanh của các cơ quan thuộc Huyện ủy Khánh Sơn giai đoạn 1959 – 1962, sau khi chuyển từ khu vực xã Sơn Trung về. Suối Giá còn là nơi diễn ra nhiều sự kiện lớn của tỉnh và huyện như: Hội nghị quán triệt và bàn biện pháp thực hiện các nghị quyết của Trung ương, của tỉnh do Huyện ủy Khánh Sơn tổ chức vào năm 1955. Năm 1957, Tỉnh ủy tổ chức hội nghị mở rộng toàn tỉnh để đánh giá tình hình thực hiện chủ trương chuyển cán bộ, đảng viên ra sống hợp pháp, đấu tranh với thủ đoạn dồn dân của địch. Năm 1961, diễn ra Đại hội dân tộc huyện với 150 đại biểu tham dự. Tháng 9-1961, thành lập Huyện đội Khánh Sơn. Cuối tháng 2-1962, diễn ra Đại hội Đảng bộ huyện Khánh Sơn lần thứ nhất với 47 đại biểu tham dự… Đến năm 1963, do sự càn quét ác liệt của Mỹ – Ngụy, để đảm bảo an toàn, bí mật và chủ động chống càn, các cơ quan của huyện Khánh Sơn đã chuyển từ khu vực suối Giá về Tô Hạp và lấy đây làm đại bản doanh cho tới khi đất nước thống nhất hoàn toàn.
Tiềm năng du lịch
Suối Giá vừa có cảnh quan thiên nhiên đẹp, lại gắn liền với lịch sử đấu tranh cách mạng của tỉnh, của huyện nên nơi đây có tiềm năng phát triển du lịch. Điều này, càng đặc biệt có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh toàn tỉnh đang tập trung triển khai Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, huyện Khánh Sơn được xác định là tiểu đô thị sinh thái núi rừng. Theo ông Đỗ Huy Hiệp – Chủ tịch UBND xã Ba Cụm Bắc, qua khảo sát, đánh giá, địa phương có tiềm năng phát triển du lịch sinh thái núi rừng, kết hợp với du lịch văn hóa, về nguồn mà điển hình là khu vực suối Giá. Ở đây đã có đường giao thông, xung quanh là nương rẫy trồng cây ăn trái của đồng bào Raglai. Thôn Suối Đá và một số thôn lân cận đã có những đội văn nghệ của đồng bào dân tộc thiểu số. Nét văn hóa ẩm thực độc đáo của đồng bào Raglai cũng là điểm nhấn để gây ấn tượng với du khách.
Ông Cao Minh Vỹ – Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn cho biết, huyện đã kiến nghị với các cơ quan chức năng của tỉnh về việc dựng bia để ghi nhớ sự kiện lịch sử cách mạng ở khu vực suối Giá. Đây vừa là địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, vừa là nơi để khách tham quan tìm hiểu về lịch sử. Từ đó, dần hình thành nên điểm du lịch sinh thái, tìm hiểu di tích văn hóa. Nếu được đầu tư, suối Giá hoàn toàn có thể trở thành điểm du lịch mới trên địa bàn huyện. Thời gian tới, huyện sẽ đánh giá cụ thể để có thể phát triển hoạt động du lịch sinh thái, văn hóa ở khu vực suối Giá.
Giang Đình – Vĩnh Thành