Người dân xóm Sưng, xã Cao Sơn (Đà Bắc) lưu giữ nghề vẽ sáp ong, tạo thành sản phẩm độc đáo cho du khách trải nghiệm
Hòa Bình hiện có trên 76% số dân sống ở khu vực nông thôn, nơi có nhiều dân tộc thiểu số còn lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống. Đây là những lợi thế để phát triển du lịch nông thôn. Theo Sở VH-TT&DL, những năm gần đây, Chương trình phát triển du lịch nông thôn trên địa bàn tỉnh Hòa Bình được đẩy mạnh, khai thác hoạt động du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn. Nhiều sản phẩm du lịch mang đặc trưng văn hóa sinh thái nông nghiệp độc đáo, chất lượng đã được khai thác bài bản, có định hướng. Toàn tỉnh hiện có trên 20 xóm, bản du lịch cộng đồng của các dân tộc Mường, Thái, Dao, Mông với gần 200 homestay kinh doanh lưu trú và các dịch vụ phục vụ du lịch khác đã thu hút du khách trong và ngoài nước đến thăm quan, trải nghiệm.
Trên địa bàn tỉnh có 3 loại hình du lịch nông thôn đang phát triển: du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái. Trong đó, du lịch cộng đồng được quan tâm đầu tư, hoạt động hiệu quả, phát triển tương đối nhanh như các mô hình: du lịch cộng đồng hoạt động theo hợp tác xã tại bản Lác, bản Hang Kia (Mai Châu); du lịch cộng đồng theo chi hội du lịch cộng đồng tại các xóm Mu, Khướng, Mòn, Sát Thượng (Lạc Sơn); du lịch cộng đồng theo công ty cổ phần tại các xóm Ké, Đức Phong, Sưng (Đà Bắc). Hay mô hình doanh nghiệp du lịch liên kết hợp đồng thống nhất phân chia lợi nhuận với các hộ gia đình khai thác kinh doanh du lịch cộng đồng tại xóm Ải, xã Phong Phú (Tân Lạc).
Xóm Sưng, xã Cao Sơn (Đà Bắc), nơi sinh sống của trên 70 hộ dân tộc Dao vốn thuộc diện đặc biệt khó khăn của xã. Nhờ phát triển du lịch cộng đồng, xóm đã thực sự đổi thay, đời sống của người dân được cải thiện, nâng cao. Theo trưởng xóm Sưng Lý Văn Nghĩa, trước khi phát triển du lịch cộng đồng, hầu hết các hộ trong xóm đều thuộc diện nghèo. Nhờ thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, xóm được đầu tư các hạ tầng thiết yếu. Đặc biệt, phát triển du lịch không chỉ đem lại thu nhập cho người dân, mà từ đó bà con còn có ý thức bảo tồn văn hoá, cảnh quan và giữ gìn môi trường văn minh hơn.
Phát triển du lịch cộng đồng giúp xóm Luỹ Ải, xã Phong Phú (Tân Lạc) bảo tồn được văn hoá truyền thống của dân tộc Mường
Xóm Luỹ Ải, xã Phong Phú (Tân Lạc) được công nhận tiêu chuẩn OCOP 3 sao. Đây là một trong 5 xóm, bản du lịch cộng đồng trong tỉnh được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP. Phát triển du lịch cộng đồng đã và đang đem lại chuyển biến tích cực trong bảo tồn bản sắc văn hoá, xây dựng nông thôn mới ở bản Mường cổ này. Luỹ Ải có nhiều tiềm năng khi nằm ở trung tâm vùng Mường Bi, có giao thông thuận lợi, xóm còn lưu giữ những nét văn hoá đặc trưng của người Mường. Thời gian đầu, việc phát triển du lịch nơi đây gặp không ít khó khăn nhưng việc xây dựng tiêu chuẩn OCOP đã có những tác động tích cực. Ông Đinh Công Lon, xóm Luỹ Ải chia sẻ: Tham gia xây dựng xóm đạt tiêu chuẩn OCOP giúp chúng tôi nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch. Xóm sẽ tiếp tục khôi phục, phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc Mường để tạo ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách.
Theo Sở VH-TT&DL, bên cạnh các loại hình du lịch nông thôn, trên địa bàn tỉnh còn có các trang trại, khu sản xuất nông nghiệp cung cấp sản phẩm phục vụ du khách. Tiêu biểu như rau hữu cơ ở Tân Lạc, cam Cao Phong, gà Lạc Thủy, khu nuôi cá lồng trên hồ Hòa Bình. Tại các địa phương cũng đã hình thành một số mô hình trang trại phục vụ nghỉ dưỡng và trải nghiệm. Năm 2024, các địa phương đang tập trung triển khai, hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP du lịch nông thôn đạt điểm du lịch OCOP từ 3 sao trở lên. Bên cạnh đó, xây dựng quà lưu niệm, đồ trang trí thổ cẩm của hợp tác xã Hoa Ban, xóm Lác, xã Chiềng Châu (Mai Châu); xây dựng và số hóa thông tin, tài liệu thuyết minh các di tích văn hóa, lịch sử tỉnh Hòa Bình gắn với du lịch nông thôn tại các huyện Cao Phong, Tân Lạc.
Viết Đào
Báo Hòa Bình – baohoabinh.com.vn