Từ bài thuốc gia truyền của đồng bào Dao, HTX Ngọc Sáng, xã Bắc Phong (Cao Phong) xây dựng thành công sản phẩm cao nghệ đen Ngọc Sáng
Cao xạ đen và cao cà gai leo của Hợp tác xã (HTX) Tuyết Nhi, xã Cao Dương (Lương Sơn) là 2 trong 24 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 4 sao đã được vinh danh hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Hòa Bình năm 2022. Với các công dụng giải độc, mát gan, tăng cường chức năng gan, hỗ trợ điều trị viêm gan, vàng da, ung bướu, mụn nhọt, cây xạ đen và cây cà gai leo đã có tên trong nhiều bài thuốc nam gia truyền. Có nguồn nguyên liệu dồi dào, ứng dụng công nghệ nấu cao tiên tiến, HTX Tuyết Nhi đã sản xuất thành công 2 loại cao dược liệu phù hợp nhu cầu khách hàng.
Ngoài cao xạ đen, cao cà gai leo Tuyết Nhi, tỉnh có nhiều sản phẩm OCOP dược liệu đã có tên tuổi trên thị trường như: cao cà gai leo Yên Thủy của HTX nông lâm Bảo Hiệu (Yên Thủy) đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao; trà túi lọc cà gai leo của Công ty TNHH MTV Thương Hảo (TP Hòa Bình) đạt tiêu chuẩn 3 sao; sản phẩm Anphutri và An phúc khớp của HTX dược liệu cổ truyền H2O Việt Nam (TP Hòa Bình) đạt tiêu chuẩn 3 sao… Đặc biệt, sản phẩm tinh bột nghệ Nhưng Vần của Công ty TNHH Nhưng Vần Hòa Bình, xóm Bưng, xã Nhân Nghĩa (Lạc Sơn) đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao đã được xuất khẩu và đón nhận tại thị trường Anh quốc. Qua tìm hiểu, các sản phẩm OCOP nhóm dược liệu của tỉnh được người tiêu dùng đánh giá cao bởi sản phẩm chủ yếu dựa trên các loại thảo dược quý, có công dụng chữa bệnh tốt, đã được nghiên cứu và kiểm chứng. Sản phẩm được sản xuất ở vùng trồng dược liệu, có quy trình chế biến đảm bảo, nguồn gốc rõ ràng.
Khai thác lợi thế địa phương, các huyện, thành phố chú trọng phát triển trồng cây dược liệu và chế biến các loại cao dược liệu từ bài thuốc dân gian cổ truyền. Trong năm 2023, nhiều sản phẩm OCOP mới dòng thảo dược chất lượng được đánh giá, phân hạng đạt các tiêu chuẩn OCOP như: cao dây thìa canh và trà túi lọc thìa canh của HTX dược liệu Lương Sơn, xã Hòa Sơn (Lương Sơn) đạt tiêu chuẩn 3 sao; sản phẩm cao nghệ đen của HTX Ngọc Sáng, xã Bắc Phong (Cao Phong) đạt tiêu chuẩn 3 sao…
Đồng chí Bùi Văn Dán, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Cao Phong cho biết: Đồng bào Dao xã Bắc Phong có nhiều bài thuốc nam hiệu quả, trong đó cây nghệ đen được sử dụng điều trị các bệnh về tiêu hoá. HTX Ngọc Sáng đã nghiên cứu thành công và đưa vào sản xuất sản phẩm cao nghệ đen xuất bán ra thị trường. HTX liên kết với người dân xây dựng vùng nguyên liệu nghệ đen hơn 10 ha. Đây cũng là hướng phát triển kinh tế hiệu quả tại xã Bắc Phong. Nhằm hỗ trợ HTX và người dân có điều kiện mở rộng quy mô, nâng tầm sản phẩm, huyện đã có kế hoạch xây dựng vùng trồng nghệ đen và một số loại cây dược liệu khác có thể kết hợp được với nghệ đen trong chữa bệnh để đa dạng hóa sản phẩm. Thời gian tới, huyện chú trọng vào các sản phẩm dược liệu bởi cây dược liệu phù hợp điều kiện tự nhiên, khí hậu địa phương và có thể khai thác kinh nghiệm, tri thức dân gian của người dân bản địa để tạo ra những sản phẩm đặc sắc.
Năm 2018, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3119/QĐ-UBND, phê duyệt dự án quy hoạch phát triển cây dược liệu tỉnh Hòa Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, quy hoạch các vùng rừng, vùng có dược liệu tự nhiên trọng điểm để bảo tồn nguồn gen đặc hữu, bản địa, có giá trị, nguy cơ tuyệt chủng để phát triển bền vững trong tự nhiên, lựa chọn và khai thác hợp lý 10 loài dược liệu chính, đạt khoảng 8.000 – 9.000 ha cây dược liệu/năm với các loại cây chính: xạ đen, xạ vàng, ba kích, củ mài, cúc hoa, địa liền, đinh lăng, gấc, giảo cổ lam, gừng, hòe, hồi, hương nhu trắng, nghệ đen, quế, sả, sa nhân tím, tỏi tía, trinh nữ hoàng cung, ý dĩ, mã tiền… Quy hoạch xây dựng 4 vườn bảo tồn; các khu bảo tồn: Hang Kia, Pu Canh, Thượng Tiến, Ngọc Sơn là nơi tập trung, bảo tồn, trồng mới nhiều loài cây thuốc thu thập ở các địa phương khác nhau, đại diện cho vùng khí hậu đặc trưng để phục vụ công tác nghiên cứu khoa học và phát triển dược liệu. Phấn đấu đến năm 2025 bảo tồn được 70% và năm 2030 là 100% loài dược liệu đặc trưng của Hòa Bình. Quy hoạch 4 vườn ươm cung cấp giống dược liệu cho nhu cầu trồng và phát triển dược liệu quy mô lớn tại 4 huyện: Tân Lạc, Lạc Thủy, Yên Thủy, Lạc Sơn. Đây là tiền đề quan trọng để tỉnh phát triển các sản phẩm OCOP nhóm dược liệu.
Cùng với đó, ngành Nông nghiệp tỉnh chỉ đạo các huyện, thành phố chú trọng xây dựng chính sách ưu tiên trong sản xuất, đăng ký, lưu hành sản phẩm đối với dược liệu và các sản phẩm từ dược liệu. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại trong nghiên cứu chọn tạo giống, kỹ thuật trồng cho năng suất, chất lượng cao, sơ chế và chiết xuất dược liệu, sử dụng công nghệ sạch, thân thiện với môi trường.
Đinh Hòa
Báo Hòa Bình – baohoabinh.com.vn