Hậu Giang: Song hành phát triển du lịch nông nghiệp – khai thác sản phẩm OCOP

Mới đây, thị xã Long Mỹ (Hậu Giang) đã tổ chức Ngày hội Du lịch - Sản phẩm OCOP, với kỳ vọng có hướng khai thác mới ngành “công nghiệp không khói” tại địa phương.


Nghệ nhân Phạm Thu Thủy xây dựng thương hiệu bánh bông lan đạt chuẩn OCOP kết hợp giới thiệu điểm đến quê hương – thị xã Long Mỹ

Gợi mở đáng quan tâm

Tại tọa đàm “Vai trò của du lịch nông nghiệp và cơ hội cho thị xã Long Mỹ” nằm trong chuỗi hoạt động Ngày hội Du lịch – Sản phẩm OCOP thị xã Long Mỹ tổ chức vừa qua có sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu, kinh doanh dịch vụ lữ hành.

Các đại biểu đều nhận định thị xã Long Mỹ vẫn có những nét tương đồng với các huyện, thị, thành khác trong tỉnh Hậu Giang, nhưng vẫn có nét đặc trưng riêng, nếu khai thác sẽ có những câu chuyện mới để kể với du khách. Ông Trần Tường Huy, Viện Nghiên cứu Du lịch xã hội, chuyên gia tư vấn điểm đến, chia sẻ: “Thị xã Long Mỹ có điều kiện để phát triển du lịch nông nghiệp, địa phương cần nghiên cứu để đánh giá sản phẩm, để chọn sản phẩm đặc trưng, khác và phải hấp dẫn du khách, phù hợp với xu thế phát triển của du lịch. Sản phẩm OCOP là bước đầu và điều kiện để phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp”.

Chọn, xây dựng đã khó, để quảng bá sản phẩm lại càng khó hơn, cần có sự nhanh nhạy và góc nhìn mới lạ. Địa phương cần biến vườn rau, ao cá, mảnh ruộng của mình và thiết kế phù hợp theo đặc thù của từng nơi để có điểm tham quan lý tưởng. Bên cạnh đó còn là câu chuyện xây dựng cảnh quan môi trường, để mỗi nơi đến ở vùng quê đều sáng, xanh, sạch, đẹp. Ông Trần Quang Duy, Giám đốc Công ty Dịch vụ lữ hành Chim Cánh Cụt, nhấn mạnh: “Muốn làm sản phẩm du lịch nông nghiệp thành công cần tận dụng sản phẩm nông nghiệp sẵn có của địa phương để tiết kiệm chi phí ban đầu. Bên cạnh đó là truyền thông về sản phẩm, nhất là truyền thông cho giới trẻ bằng mạng xã hội, để tạo sức lan tỏa”.

Soạn giả Nhâm Hùng, người có nhiều sách về đất và người Hậu Giang, chia sẻ câu chuyện về văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch, để nâng cao giá trị văn hóa, phát huy truyền thống, sản vật của địa phương. Câu chuyện lịch sử, văn hóa dân gian, giai thoại… đều có thể trở thành những câu chuyện kể giúp du khách biết thêm về vùng đất mình trải nghiệm. “Vùng đất này sẽ có nhiều câu chuyện hay để kể và tôi chắc rằng, văn hóa, lịch sử của mỗi vùng đất sẽ là những câu chuyện đặc sắc nếu được chọn đúng, kể hay”, ông nhấn mạnh.

Khai thác sản phẩm OCOP đặc sắc

Thị xã đã có 32 sản phẩm OCOP đạt chuẩn 3 sao, 4 sao. Trong số này, chọn những sản phẩm để đầu tư giá trị phục vụ du lịch là hoàn toàn có thể. Tuy nhiên, muốn làm được, cần có thời gian và giải pháp.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Hoàng, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, đồng sáng lập mạng lưới nghiên cứu du lịch Việt Nam, nhận định thị xã Long Mỹ cũng như Hậu Giang có tiềm năng phát triển du lịch và sản phẩm OCOP, nhưng chuyện cần làm là biến sản phẩm OCOP thành sản phẩm du lịch. Hiện, có rất ít sản phẩm OCOP được đưa vào giới thiệu trong ngành du lịch. Một số điểm đến có sản phẩm OCOP để giới thiệu đến du khách thì thiếu các điều kiện. Muốn giải bài toán này, quan trọng nhất vẫn là quy hoạch bài bản, chú trọng khu vực phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp phải có hạ tầng dịch vụ đi cùng. Quan trọng không kém là tìm được người tư vấn, xây dựng sản phẩm thật sự bắt kịp xu hướng”.

Thị xã Long Mỹ nói riêng, Hậu Giang nói chung có khá nhiều tiềm năng để phát triển du lịch. Thị xã có những sản phẩm đặc trưng có thể nâng tầm giá trị và bổ trợ thêm nhiều điều kiện cần thiết để có thể trở thành sản phẩm du lịch nông nghiệp, như quýt đường, mãng cầu, dưa lưới… Đặc biệt, thị xã còn có những không gian văn hóa, lịch sử đặc biệt.

Những năm qua, địa phương đã từng bước định hình và phát triển du lịch nói chung, du lịch nông nghiệp nói riêng, dù vẫn còn khó khăn, thách thức. Ông Nguyễn Văn Diên, Chủ tịch UBND thị xã Long Mỹ, cho biết: “Thị xã chú trọng xây dựng và nâng tầm từng bước một các sản phẩm nông nghiệp đặc sắc. Kêu gọi đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp khai thác du lịch. Bên cạnh đó, tạo cơ hội cho người dân được tham quan, học tập những mô hình là du lịch nông nghiệp thành công. Chúng tôi cũng sẽ quan tâm cải thiện môi trường cảnh quan, phát huy tiếp thế mạnh về ý thức của người dân để tạo không gian sáng, xanh, sạch, đẹp. Từng bước đầu tư cho nông dân phát triển du lịch cộng đồng theo hướng “đường có hoa, nhà có số”, xây dựng và bảo tồn không gian xưa gắn với việc khai thác thế mạnh ẩm thực, làng nghề truyền thống…”.

Bài, ảnh: Vĩnh Trà

Báo Hậu Giang – baohaugiang.com.vn