Hậu Giang: Nhiều kỳ vọng từ Festival lúa gạo

Dự kiến từ ngày 11 đến 15/12 tới, Bộ NN&PTNT phối hợp với UBND tỉnh Hậu Giang tổ chức Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam – Hậu Giang năm 2023. Đây là lần đầu tiên Việt Nam tổ chức Festival lúa gạo mang tầm quốc tế nên ngoài công tác chuẩn bị chu đáo thì sự kiện này còn đang đặt ra nhiều kỳ vọng lớn từ ngành chức năng, cộng đồng doanh nghiệp và người dân.

Festival nhằm giới thiệu, tôn vinh sự đóng góp của nông dân, nhà khoa học, hợp tác xã, doanh nghiệp,… về ngành hàng lúa gạo Việt Nam với du khách trong và ngoài nước

Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, ngành nông nghiệp nói chung và ngành hàng lúa gạo Việt Nam nói riêng, đã tạo dựng hình ảnh, dấu ấn rõ nét và đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Việt Nam, từ một đất nước khó khăn, đến nay đã đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, đặc biệt trong bối cảnh khủng hoảng lương thực, thực phẩm toàn cầu như hiện nay thì vai trò đóng góp của ngành hàng lúa gạo có ý nghĩa rất quan trọng.

“Do đó, đây là thời điểm phù hợp tổ chức sự kiện “Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam – Hậu Giang 2023”. Thông qua hoạt động này nhằm giới thiệu thành tựu của ngành hàng lúa gạo, sự đóng góp của nông dân, nhà khoa học, hợp tác xã, cộng đồng doanh nghiệp, vai trò quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương; từ đó, truyền thông về những cam kết của lãnh đạo cấp cao Việt Nam với thế giới rằng “Việt Nam là quốc gia có trách nhiệm tham gia hệ thống lương thực, thực phẩm toàn cầu minh bạch, trách nhiệm, bền vững”, ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho hay.

Những điểm nhấn Festival

Theo kế hoạch của Ban tổ chức Festival lúa gạo thì dự kiến tại Festival sẽ diễn ra 14 chuỗi sự kiện có liên quan. Trong đó, Bộ NN&PTNT sẽ đứng ra tổ chức 4 buổi hội thảo về ngành hàng lúa gạo mang tầm quốc tế; đồng thời tổ chức trình diễn cơ giới hóa gieo sạ và mô hình nông nghiệp tuần hoàn từ rơm. Ngoài ra, tỉnh Hậu Giang sẽ phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức nhiều chuỗi hoạt động khác như: thực hiện con đường lúa gạo Việt Nam, triển lãm thành tựu kinh tế – xã hội, sản phẩm đặc trưng, OCOP của các tỉnh, thành phố cả nước; xác lập kỷ lục ẩm thực món ngon từ lúa gạo…

Ông Ngô Minh Long, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang, thông tin: Trong các chuỗi sự kiện dự kiến diễn ra tại Festival thì điểm đáng chú ý là tỉnh thực hiện “Con đường lúa gạo Việt Nam” nhằm tạo dấu ấn đặc biệt cho sự kiện mang tầm quốc tế này. Theo đó, khi đến với con đường lúa gạo Việt Nam, khách tham quan sẽ thấy các mô hình thể hiện quá trình phát triển trồng lúa Việt Nam từ khi làm nông nghiệp sơ khai đến nông nghiệp kinh tế tiểu nông, nông nghiệp thời công nghiệp hóa, nông nghiệp hiện đại 4.0. Mỗi mô hình thể hiện những gian nhà trưng bày các công cụ, dụng cụ sản xuất lúa, mỗi mô hình còn được thể hiện “trên bến, dưới thuyền”, đây là những nét đặc trưng sông nước của người dân miền Tây Nam bộ qua các thời kỳ.

Con đường lúa gạo Việt Nam không chỉ nhằm mục đích truyền thông, quảng bá cho Festival lúa gạo tại Hậu Giang, mà đây chính là nơi đưa khách tham quan đến với những khám phá mới mẻ, thú vị, ấn tượng khi từng bước trải nghiệm trên con đường chứa đựng cả quá khứ, hiện tại và tương lai của ngành nông nghiệp và ngành lúa gạo Việt Nam.

Cùng với con đường lúa gạo, tại Festival cũng thiết lập một bản đồ được tạo ra từ lúa gạo đặc sản của 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Về khu trưng bày, triển lãm sẽ có các khu như: “Lúa gạo Việt – Thương hiệu Việt – Tự hào của người Việt”; khu triển lãm “Lúa gạo Quốc tế”’, “Nông nghiệp số – Nền tảng phát triển bền vững”; khu triển lãm “Nông nghiệp xanh – Công nghệ sạch”; khu “Ngân hàng phục vụ sự phát triển bền vững nông nghiệp – nông thôn và xây dựng nông thôn mới”…

Ông Nguyễn Văn Sơn, hộ dân sống dọc đường Trần Hưng Đạo, phường I, thành phố Vị Thanh, bộc bạch: “Thông qua phương tiện thông tin đại chúng thì tôi biết vào tháng 12 tới đây, tỉnh có tổ chức Festival ngành hàng lúa gạo mang tầm quốc tế với nhiều hoạt động, sự kiện hấp dẫn. Do đó, tôi và bà con ở thành phố Vị Thanh đang háo hức chờ đón sự kiện diễn ra”.

Sự kiện lớn, nhiều ý nghĩa

Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang, cho biết: Thông qua các chương trình tại Festival, Ban tổ chức muốn thúc đẩy xúc tiến thương mại trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và phát triển nông thôn. Đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp, nông dân hoạt động hiệu quả và giúp ngành hàng lúa gạo Việt Nam, cũng như các thương hiệu nông sản có chỉ dẫn địa lý tăng sức cạnh tranh trên thương trường quốc tế. Bên cạnh đó là tạo điều kiện để các tổ chức, địa phương, doanh nghiệp và người nông dân có cơ hội được tiếp cận với những kiến thức, công nghệ sản xuất mới, cũng như những tiến bộ khoa học kỹ thuật hiện đại được ứng dụng trong chuyển đổi số ngành nông nghiệp nói chung và sản xuất lúa gạo nói riêng. Qua đây tạo những bước đi vững chắc, mang tính đột phá cho ngành lúa gạo Việt Nam, đáp ứng yêu cầu mới của xu thế quốc tế đối với mặt hàng lúa gạo.

Ngoài những mục tiêu trọng tâm trên, theo chia sẻ của lãnh đạo Bộ NN&PTNT, thông qua buổi trình diễn máy móc thiết bị, công nghệ canh tác lúa gạo tại Festival, Chính phủ sẽ chính thức phát động kế hoạch phát triển bền vững Đề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long. Qua đây góp phần to lớn trong việc thực hiện cam kết của Chính phủ về giảm phát thải khí nhà kính tại Hội nghị COP26.

Từ nhiều mục tiêu trọng tâm được đặt ra tại Festival, nhiều doanh nghiệp hoạt động trong ngành hàng lúa gạo trong nước mong muốn Bộ NN&PTNT cùng tỉnh Hậu Giang sẽ tạo được sự độc đáo, chuyên nghiệp, hiệu quả, nổi bật về giá trị của ngành hàng và thương hiệu gạo Việt Nam đối với nhiều tổ chức, đối tác xuất khẩu gạo quốc tế khi đến tham dự Festival. Ngoài ra, thông qua sự kiện này, doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam cũng kỳ vọng sẽ ký kết được nhiều bản thỏa thuận, bản ghi nhớ hợp tác xuất khẩu gạo với nhiều đối tác nước ngoài; đồng thời hình thành Hiệp hội lúa gạo Việt Nam.

Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, khẳng định: Với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ, cùng sự phối hợp từ các cơ quan liên quan của Trung ương, hiện Bộ NN&PTNT cùng tỉnh Hậu Giang tích cực triển khai nhiều phần việc để Festival đảm bảo sự độc đáo, chuyên nghiệp, hiệu quả, nổi bật giá trị của ngành hàng và thương hiệu hạt gạo Việt Nam với “Hành trình trăm năm lúa gạo Việt”; đồng thời hình ảnh văn hóa, con người miền sông nước Nam bộ nói riêng và đất nước con người Việt Nam, gắn với nền văn minh lúa nước nói chung.

Cũng theo người đứng đầu Bộ NN&PTNT, thông qua Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo lần này, Việt Nam mong muốn sẽ nhận được sự ủng hộ của nhiều tổ chức quốc tế để trở thành “Trung tâm đổi mới sáng tạo về lương thực, thực phẩm” của khu vực. Ngoài ra, Festival được tổ chức nhân sự kiện tái lập tỉnh Hậu Giang, giới thiệu thành tựu 20 năm của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Hậu Giang, đồng thời đưa ra một tầm nhìn về liên kết giữa tỉnh Hậu Giang trong tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên và đồng bằng sông Cửu Long, cùng sự chuyển đổi từ tư duy sản xuất lúa gạo sang tư duy kinh tế ngành hàng lúa gạo.

Dự kiến, Festival có sự tham dự khoảng 200 khách quốc tế đến từ nhiều nước, tổ chức và doanh nghiệp quốc tế; khoảng 200 nhà báo trong và ngoài nước; các Bộ, ngành Trung ương và 63 tỉnh, thành trong cả nước; các viện, trường, hiệp hội, doanh nghiệp trong và liên quan đến ngành lúa gạo…    

 

Bài, ảnh: Hữu Phước

Báo Hậu Giang Online – baohaugiang.com.vn