Hậu Giang: Nâng tầm đặc sản địa phương

Các sản phẩm OCOP ở Hậu Giang và ĐBSCL phong phú và ngày càng khẳng định được chỗ đứng trên thị trường, trở thành lựa chọn tin cậy của người tiêu dùng nhờ chất lượng và giá cả hợp lý.

 

 

Bánh phồng khoai lang thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng

“Bước xuống ruộng, thấy thị trường”

Nhắc tới huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long, nhiều người sẽ nghĩ ngay tên gọi “vương quốc khoai lang”, bởi nơi đây có diện tích canh tác khoai lang lớn nhất ĐBSCL với hơn 10.000 ha/năm, sản lượng trung bình trên 300.000 tấn/năm. Chính vì thế, việc giải quyết đầu ra cho loại nông sản này luôn được quan tâm.

Trước câu chuyện nâng tầm giá trị cho đặc sản quê nhà, thay vì chọn theo cách truyền thống, anh Nguyễn Thanh Việt, Công ty TNHH MTV bánh Nhật Ngọc, ở tỉnh Vĩnh Long, đã mày mò nghiên cứu để cho ra đời các sản phẩm chế biến sâu từ khoai lang. Mới đây, trong khuôn khổ Tuần lễ du lịch văn hóa và ẩm thực tỉnh Hậu Giang năm 2023, một lần nữa, các sản phẩm của anh Việt đã tạo sự tò mò, thích thú cho các thực khách đến tham quan gian hàng.

Anh Việt tâm sự, chỉ có đa dạng hóa, chế biến ra nhiều sản phẩm từ khoai lang mới có thể góp phần giảm bớt tình trạng được mùa, mất giá. Hiện tại, Công ty TNHH MTV bánh Nhật Ngọc có 6 sản phẩm OCOP. Trong đó, nổi bật là bánh phồng khoai lang, bánh quy khoai lang, bánh nướng từ ngũ cốc, vỏ bưởi sấy, bánh tét, bánh trung thu khoai lang… Đặc biệt, những sản phẩm chế biến từ khoai lang của đơn vị đã đạt chứng nhận OCOP.

“Có những sản phẩm OCOP này sẽ hỗ trợ đầu ra cho người nông dân. Câu chuyện giải cứu nông sản của chúng ta sẽ giảm bớt dần đi. Một giáo sư từng nói “bước xuống ruộng, phải thấy được thị trường”. Đó là câu nói mà tôi rất tâm đắc. Tôi hy vọng tất cả những sản vật của địa phương khi bước ra thị trường sẽ được đón nhận hoặc khi chúng ta trồng cây gì, nuôi con gì thì phải thấy được thị trường”, anh Việt bày tỏ.

Cũng theo anh Nguyễn Thanh Việt, cái hay của việc đạt chứng nhận OCOP là tất cả sản phẩm phải đảm bảo được nguồn gốc, chất lượng khi đến tay người tiêu dùng. Làm kinh tế từ sản vật địa phương, cũng là cách vừa làm kinh tế vừa giúp người nông dân đỡ vất vả trên cánh đồng, thửa ruộng.

“Khi đến mỗi địa phương, nếu bạn thấy được những sản phẩm OCOP thì chắc ăn những sản phẩm đó có địa chỉ đáng tin cậy và có thể mua để làm quà. Tùy theo mỗi vùng, mỗi địa phương có những cái sản vật hoặc là có những cái sản phẩm OCOP đặc trưng”, anh Việt cho hay.

Từng bước chuyên nghiệp hóa

Còn tại Hậu Giang, theo thống kê của ngành chức năng tỉnh, đến nay, tỉnh đã có 251 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP, trong đó có 92 sản phẩm đạt 4 sao và 159 sản phẩm đạt 3 sao. Các sản phẩm OCOP thể hiện được sự thay đổi tư duy, sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh, từng bước chuyển đổi sản xuất từ quy mô nhỏ, lẻ sang sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị khép kín, gắn với vai trò của các HTX, doanh nghiệp.

Bà Võ Thị Phương Trang, cơ sở sản xuất rượu truyền thống Út Tây, ở huyện Phụng Hiệp, là một trong những cơ sở có nhiều sản phẩm nổi bật mang đặc trưng của vùng. Hiện, cơ sở có 4 sản phẩm OCOP đạt 4 sao cấp tỉnh. Trong đó, có 3 sản phẩm đạt OCOP tiêu biểu vùng ĐBSCL. Nói về bí quyết thành công của mình, bà Trang chia sẻ: “Đối với một cơ sở sản xuất, một doanh nghiệp thì điều quan trọng nhất của sản phẩm là bao bì, mẫu mã. Kế đến là đảm bảo chất lượng. Khi khách hàng thấy đẹp, thấy thích, có hứng thú, người ta mua về dùng thử mà sản phẩm mình không ngon thì khách hàng sẽ không quay lại”.

Có thể nói, việc gắn sao OCOP đã thổi luồng gió mới vào hoạt động làm ăn, mua bán của bà con nông dân. Từ chỗ làm ăn nhỏ lẻ, manh mún, đến nay nhiều cơ sở, HTX đã đầu tư bài bản và hoạt động hiệu quả hơn, sản xuất bền vững, đáp ứng tốt nhất nhu cầu thị trường.

Bà Nguyễn Ánh Nguyệt, Cơ sở sản xuất trà Mãng cầu và Hạnh muối Ánh Nguyệt, ở phường IV, thành phố Vị Thanh, cho biết hiện cơ sở có 3 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao là trà mãng cầu sợi, trà mãng cầu túi lọc và muối sả ớt. Riêng sản phẩm trà khổ qua rừng và hạnh muối sẽ xét OCOP trong thời gian tới.

“Khi đạt chuẩn OCOP thì sản phẩm dễ bán hơn. Khách hàng tin tưởng hơn so với sản phẩm chưa đạt OCOP. Số lượng sản phẩm cũng bán được nhiều hơn. Chúng tôi cũng đang tích cực chuẩn bị nguồn hàng phục vụ nhu cầu Tết Nguyên đán”, bà Nguyệt cho hay.

Theo đánh giá của ngành nông nghiệp tỉnh, Chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn đã và đang đạt được nhiều thành tựu với sự đồng thuận của các địa phương. Thời gian tới, tỉnh sẽ có nhiều chính sách hỗ trợ, đồng hành cùng người dân, HTX để từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển kinh tế địa phương.

Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, cho hay: “Chúng tôi chỉ đạo các địa phương sau khi được UBND tỉnh công nhận sản phẩm đạt OCOP 3 sao hoặc 4 sao, tiếp tục quan tâm hỗ trợ về mặt công nghệ, kỹ thuật để nâng cao giá trị sản phẩm. Hỗ trợ về trang thiết bị máy móc theo Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới cũng như khuyến công hàng năm của tỉnh và một số chương trình lồng ghép trên địa bàn tỉnh như Đề án phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu năm 2021-2025 thì cũng lồng ghép, hỗ trợ cho HTX. Trong đó, ưu tiên cho HTX tham gia nhiều sản phẩm về OCOP”.

Tính đến nay, khu vực ĐBSCL có 2.046 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên (chiếm 18,8% tổng số sản phẩm OCOP của cả nước). Hoạt động xúc tiến thương mại cũng đã được các địa phương trong vùng quan tâm, chỉ đạo triển khai bằng nhiều hội chợ, lễ hội quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP đặc trưng của tỉnh và vùng ĐBSCL đã được tổ chức, mang lại hiệu quả tích cực.

Bài, ảnh: Mộng Toàn

Báo Hậu Giang Online – baohaugiang.com.vn