Hậu Giang: Biến trái giác thành sản phẩm OCOP 

Thầy giáo Tôn Phước Nguyên (33 tuổi), giáo viên dạy môn sinh học của Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Him Lam (tỉnh Hậu Giang) đã tận dụng trái giác để làm ra nhiều sản phẩm tốt cho sức khỏe người tiêu dùng.

Thầy Nguyên (bìa trái) cùng những sản phẩm làm ra từ trái giác

Là một loại cây mọc dại gắn liền với ký ức của bao thế hệ người dân vùng sông nước miền Tây. Giờ đây trái giác được thầy Nguyên nâng tầm khi dùng chế biến thành nhiều sản phẩm tốt cho sức khỏe như sirô giác, kẹo dẻo, quả giác sấy khô, nước màu…

Thầy Nguyên cho biết, ở miệt Hậu Giang, trái giác từ xưa đã được người dân sử dụng trong các món ăn hằng ngày, tiêu biểu như món cá kho trái giác. Nhưng tại địa phương chưa có sản phẩm nào được làm từ trái giác, mỗi khi nhìn thấy giác chín rụng bỏ đi rất lãng phí nên thầy nảy sinh ý tưởng nâng tầm trái giác bằng dự án “Giác Anthocyanin” (nghiên cứu hàm lượng cụ thể hoạt chất Anthocyanin trong quả giác).

Tận dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên sẵn có và dồi dào tại địa phương, năm 2022, thầy cùng cộng sự bắt đầu nghiên cứu “Giác Anthocyanin” góp phần truyền thông cho cộng đồng một loại thực phẩm có ích trong thiên nhiên, tiến tới có những đóng góp nho nhỏ vào y học và chăm sóc sức khỏe cộng đồng và giúp tận dụng giá trị của trái giác. “Nhóm đã nghiên cứu chuyên sâu về hàm lượng các hoạt chất tốt trong trái giác và kết quả là hàm lượng hoạt chất chống oxi hoá Anthocyanin nhiều gấp 2,61 lần so với trái việt quất (là loại có giá rất cao trên thị trường). Thấy tiềm năng rất lớn từ loài cây mọc dại này nên nhóm đã nghiên cứu và chế biến đa dạng các sản phẩm từ trái giác, lên men truyền thống và công nghệ IoT”, thầy Nguyên nói.

Khi bắt tay vào thực hiện ý tưởng, công việc tưởng chừng đơn giản nhưng thành quả ban đầu không đạt như mong đợi. Nhiều sản phẩm làm ra không đạt yêu cầu phải bỏ đi không biết bao nhiêu lần. “Làm sản phẩm hỏng liên tục. Mỗi lần làm ít nhất dùng khoảng 10kg giác với thời gian kéo dài trong 20 ngày. Nhưng có những mẫu phải ủ đi ủ lại 5-6 lần nhưng bị mốc nên phải đổ bỏ hết”, thầy Nguyên kể.

Sau 1 năm đầu tư rất nhiều công sức, tiền của để nghiên cứu, nhóm thầy Nguyên đã đưa ra giải pháp kết hợp lên men truyền thống và công nghệ IoT tự động điều chỉnh các thông số môi trường tối ưu nhất nhằm tạo hiệu suất cao nhất cho quá trình lên men. Nhờ đó, cho ra sản phẩm đạt yêu cầu, tạo hương vị đặc trưng, đồng đều ở các sản phẩm. Những sản phẩm từ trái giác sấy khô cũng được sấy theo công nghệ sấy lạnh ở nhiệt độ thấp, nhằm đảm bảo chất lượng và màu sắc tự nhiên… Từ đó, nhóm tiếp tục nghiên cứu và tạo ra sản phẩm có tác dụng tốt cho sức khỏe con người như: sirô giác, kẹo dẻo, trái giác sấy khô, nước màu… để tiếp cận nhiều đối tượng khách hàng. “Tùy mỗi loại sản phẩm sẽ có quy trình và công nghệ riêng, nhưng khái quát chung là lên men sau đó mới chế biến sâu các sản phẩm khác”, thầy Nguyên nói.

Nhờ sản phẩm ấn tượng, thầy Nguyên đoạt giải Nhì cuộc thi “Khởi nghiệp nông nghiệp Đổi mới sáng tạo 2022” do Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức với dự án “Giác Anthocyanin”. Hiện nay các sản phẩm do thầy Nguyên cùng các cộng sự nghiên cứu đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ để đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP. Và những sản phẩm đầu tiên đã được khách hàng đón nhận khi giới thiệu ra thị trường.

Bài, ảnh: Nguyễn Trinh