Sản phẩm mật ong của HTX Tùng Hằng, xã Đại Hợp (huyện Kiến Thụy) được xếp hạng 3 sao OCOP. Ảnh: Thiên Long
Sản phẩm chả cá chày Đại Hợp không chỉ là món ăn truyền thống, gắn liền với đời sống, văn hóa của người dân xã Đại Hợp (huyện Kiến Thụy), mà còn trở thành đặc sản được nhiều người biết đến. Anh Phạm Gia Mạnh, chủ cơ sở chế biến chả cá chày An Khánh- sản phẩm OCOP của địa phương cho biết, chả cá chày xã Đại Hợp có độ giòn, dai tự nhiên, hương vị thơm ngon ngọt nhờ được chế biến bằng phương pháp truyền thống, nguyên liệu có 90% từ cá chày và mực đánh bắt từ vùng biển nhà. Vì thế, người dân địa phương tự hào khi giới thiệu tới bạn bè về sản vật mang đậm hương vị mặn mòi của biển, qua bàn tay chế biến của người dân nơi đây thành sản phẩm đạt chuẩn OCOP, được người tiêu dùng tin tưởng. Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Kiến Thụy, hiện trên địa bàn huyện có 43 sản phẩm của 16 chủ thể được đánh giá xếp hạng sản phẩm OCOP đạt 3 hoặc 4 sao. Trong đó, có 15 sản phẩm đạt 4 sao, 28 sản phẩm đạt 3 sao mang đậm văn hóa địa phương và ngày càng đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Từ năm 2019, được sự hỗ trợ của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tiên Lãng trong khuôn khổ chương trình xây dựng sản phẩm lúa gạo hữu cơ VIETGAP, hộ kinh doanh của anh Bùi Tuấn Anh, ở xã Đại Thắng đầu tư đóng gói, hút chân không, gắn tem mác cho sản phẩm gạo nếp cái hoa vàng- đặc sản truyền thống của địa phương. Anh Tuấn Anh chia sẻ, sau khi nghiên cứu thị trường, anh quyết định đóng gói gạo thành các túi cỡ 1,5 kg, hút chân không, dán tem, mác cung cấp đầy đủ thông tin, số điện thoại liên hệ của cơ sở sản xuất, chứng nhận sản phẩm OCOP cùng thông tin cụ thể về các thông số kiểm định chất lượng sản phẩm do cơ quan chức năng chứng nhận, cách bảo quản, sử dụng sản phẩm… Từ khi làm sản phẩm đóng gói như vậy, lượng gạo tiêu thụ của cơ sở tăng 35% đến 40% so với trước đó. Nhiều người mua làm quà biếu người thân, bạn bè. Gạo bảo quản được lâu hơn, giữ nguyên hương thơm và chất lượng hạt gạo của vùng quê trù phú Tiên Lãng.
Theo thống kê của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay, toàn thành phố đánh giá 247 sản phẩm OCOP, cấp giấy chứng nhận cho 242 sản phẩm, 5 sản phẩm gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị đánh giá đạt 5 sao. Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng Nguyễn Ngọc Đam nhận xét, Chương trình OCOP thật sự góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vững và bảo tồn những giá trị truyền thống tốt đẹp của nông thôn Hải Phòng… Thời gian tới, đơn vị đề xuất ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy mạnh triển khai kế hoạch thực hiện Chương trình OCOP, trọng tâm là tăng cường rà soát, khuyến khích, hướng dẫn người dân, các chủ thể kinh tế tham gia chương trình, bảo đảm sản phẩm OCOP có tính cộng đồng, bản sắc văn hóa địa phương và chất lượng tốt. Đồng thời, đơn vị tiếp tục hỗ trợ các chủ thể nâng cấp sản phẩm; thực hiện tư vấn hoàn thiện sản phẩm về quy trình sản xuất, quản lý chất lượng, hoàn thiện nhãn mác, bao bì, hồ sơ sản phẩm để đánh giá, phân hạng sản phẩm cấp huyện, thành phố; tăng cường công tác quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; tập trung thực hiện tốt chủ trương phát triển sản phẩm, dịch vụ phải đi liền với phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp như hợp tác xã, tổ hợp tác để kích thích quá trình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Từ đó, nâng cao hiệu quả chương trình OCOP, giúp tăng thu nhập và phát triển đời sống của người sản xuất, góp phần gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống địa phương./.