Thanh Hà là huyện nằm ở phía Đông Nam tỉnh Hải Dương với diện tích đất tự nhiên 140,71 km2, dân số 139.120 người, có hệ thống sông ngòi bao quanh, đất đai màu mỡ, phì nhiêu, thích hợp với nhiều loại cây trồng cho năng suất và giá trị kinh tế cao, trong đó nhiều loài cây ăn quả đặc sản như vải, ổi, bưởi, quất, chuối.., bên cạnh đó trên địa bàn còn có nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử văn hóa, làng nghề, lễ hội, có sức hút lớn đối với khách du lịch trong và ngoài nước.
Về tài nguyên du lịch nhân văn, Thanh Hà là một vùng đất giàu về tiềm năng du lịch tâm linh với trên 300 di tích lịch sử – văn hóa bao gồm đình, đền, chùa, miếu, nhà thờ, văn chỉ… gắn với truyền thống lịch sử hình thành và phát triển của địa phương (trong đó có 10 di tích xếp hạng quốc gia, xếp hạng cấp tỉnh và 02 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia).
Một góc huyện Thanh Hà (Hải Dương) bên dòng sông Hương
Từ xa xưa người dân Thanh Hà đã luôn duy trì nhiều trò chơi dân gian hấp dẫn trong lễ hội như: pháo đất, chọi gà, bịt mắt bắt dê, nấu cơm thi, bắt vịt, bơi thuyền chải, múa rối nước, đốt cây bông… thu hút sự tham gia của đông đảo quần chúng nhân dân, phát huy tinh thần đoàn kết cộng đồng dân cư và đặc biệt thu hút khách thập phương.Các di tích lịch sử – văn hóa được phân bố đồng đều ở các địa phương và có thể đưa vào khai thác phục vụ du lịch, tiêu biểu như: Nghệ thuật trình diễn dân gian Múa rối nước Thanh Hải có lịch sử trên 300 năm; Lễ hội truyền thống chùa Hào Xá gần 1000 năm tuổi; chùa Minh Khánh, thị trấn Thanh Hà là một di tích lịch sử cấp Quốc gia, có từ thời Lý đến cuối thế kỷ 13. Chùa Minh Khánh gắn liền với tên tuổi vị vua anh minh Trần Nhân Tông – nhà tu hành đắc đạo, là vị sư tổ đầu tiên của thiền phái Trúc Lâm Việt Nam; đền Từ Hạ, xã Thanh Quang được kiến tạo vào thời Hậu Lê (cuối thế kỷ XVII – XVI, là nơi thờ ba vị Thành hoàng làng đã có công giúp vua Đinh Tiên Hoàng dẹp loạn 12 sứ quân vào thế kỷ thứ X)…Tại mỗi di tích lịch sử – văn hóa đều gắn liền với các lễ hội truyền thống tạo nên sức hấp dẫn du lịch rất cao.
Cạnh đó, Thanh Hà từ lâu còn được biết đến là vùng đất có nhiều nghề truyền thống lâu đời như nghề đóng thuyền, nghề vận tải đường sông nổi tiếng cả vùng; hay làng nghề trồng vải thiều Thúy Lâm; làng nghề chiếu cói Tiên Kiều; làng nghề ấp vịt Tân An… trong đó có nhiều nghề vẫn đang thịnh hành và phát triển cho tới ngày nay như nghề chiếu cói Tiên Kiều ở xã Thanh Hồng.
Về sản vật, trên địa bàn huyện hiện duy trì khoảng 6.828 ha cây ăn quả (trong đó cây vải: 3.328 ha; ổi: 1.800 ha; bưởi: 220 ha; quất: 350 ha; chuối: 500 ha; cây ăn quả khác: 630 ha), 181 vùng trồng cây tập trung. Các loại cây ăn quả chủ lực đều được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP…
Đặc biệt cây vải thiều Tổ (tại thôn Thuý Lâm, xã Thanh Sơn) đã có cách đây gần 200 năm, là điểm nhấn và tạo sức hút cho du khách khi đến du lịch với quê hương vải thiều Thanh Hà. Bên cạnh đó du khách cũng có thể được hòa mình với thiên nhiên và thăm thú, trải nghiệm tại những miệt vườn cây trái và vùng khai thác thủy sản như: Miệt vườn Đồng Mẩn – Đồng Quao (xã Thanh Khê), với diện tích 11,5 ha vải sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, du khách được thưởng thức trải nghiệm đi thuyền trên dòng sông nội đồng uốn lượn có chiều dài 2,5 km hoặc đi bộ ngắm cảnh và hái vải; Khu vực Bãi Soi xã Thanh Xuân, với diện tích 45 ha trồng các loại cây ăn quả sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap như: ổi, chuối, mít, táo, hồng xiêm; trải nghiệm nuôi trồng và khai thác đặc sản rươi, cáy với diện tích 44,4 ha…
Cây vải thiều Tổ gần 200 năm tuổi tại thôn Thuý Lâm, xã Thanh Sơn, huyện Thanh Hà
Về Thanh Hà chúng ta còn được trải nghiệm vùng vải sớm trên khu vực sông Đồng Bửa xã Thanh Quang và Thanh Hồng, kết hợp tham quan di tích lịch sử cấp quốc gia đền Từ Hạ (xã Thanh Quang); vùng bảo tồn và khai thác rươi, cáy xã Vĩnh Lập với những món đặc sản đang được định hướng thành sản phẩm OCOP…hứa hẹn đem đến cho khách thập phương những chuyến du ngoạn, khám phá đáng nhớ trên quê hương cây vải thiều Tổ.
Những năm qua, khách du lịch đến Thanh Hà với hai nguồn là khách nội địa và khách quốc tế, các du khách đến với Thanh Hà chủ yếu để tham quan vườn vải, cảnh quan sông Hương, biểu diễn nghệ thuật múa rối nước, tham quan các di tích văn hoá – lịch sử và thưởng thức đặc sản vải thiều Thanh Hà…Theo đó, lượng khách du lịch đến địa phương có chiều hướng tăng liên tục theo từng năm.
Năm 2018, Phường Rối nước xã Thanh Hải đã đón 05 đoàn khách nội địa, 35 đoàn khách quốc tế; Cây vải Tổ thôn Thúy Lâm – xã Thanh Sơn đã đón tiếp trên 10 nghìn lượt khách, đặc biệt trong dịp diễn ra lễ hội vải thiều đã tiếp đón trên 3.500 lượt khách nội địa và quốc tế. Lượng du khách đến tham quan chiêm bái tại một số điểm di tích như Chùa Minh Khánh khoảng 300 lượt khách.
Năm 2019, Phường Rối nước xã Thanh Hải đã đón trên 30 đoàn khách, trong đó chủ yếu là những đoàn khách quốc tế. Cây vải Tổ xã Thanh Sơn đón tiếp hơn 1.000 lượt khách, khu vực tiểu vùng du lịch sinh thái Đồng Mẩn – xã Thanh Khê đón tiếp gần 2.000 lượt khách đến tham quan trải nghiệm. Trong đó có nhiều đoàn khách quốc tế đến từ Nga, Úc, Indonesia, Malaysia, Lào, Trung Quốc…
Năm 2020 có gần 20.000 lượt khách nội địa đến tham quan, du lịch và trải nghiệm tại khu vực cây vải thiều Tổ, tiểu vùng du lịch sinh thái Đồng Mẩn và các vùng cây ăn quả khác; 25 lượt khách quốc tế tham quan, thưởng thức nghệ thuật múa rối nước xã Thanh Hải. Năm 2021 do ảnh hưởng dịch bệnh nên số lượng khách du lịch đã giảm.
Từ cuối năm 2021, đầu năm 2022 khi tình hình dịch bệnh trên cả nước cơ bản đã được kiểm soát, Thanh Hà đã chuẩn bị mọi nguồn lực, điều kiện để sẵn sàng đón khách du lịch, năm 2022 mà trọng tâm là mùa vải đang hứa hẹn tạo ra sự bùng nổ trong lĩnh vực du lịch tại địa phương.Trao đổi với chúng tôi về định hướng phát triển du lịch của địa phương, đồng chí Trịnh Văn Thiện, Bí thư Huyện ủy Thanh Hà (Hải Dương) cho biết: Chúng tôi có chủ trương phát triển du lịch bền vững, đảm bảo hài hòa giữa kinh tế, xã hội và môi trường theo hướng du lịch sinh thái kết hợp với du lịch văn hóa tâm linh trên cơ sở bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, giá trị tài nguyên du lịch, cảnh quan thiên nhiên, môi trường du lịch. Phát triển các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ, tăng nguồn thu cho ngân sách, tạo động lực cho các ngành kinh tế khác của huyện cùng phát triển để không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Xây dựng ngành du lịch của huyện Thanh Hà trở thành ngành kinh tế quan trọng gắn bó mật thiết với việc phát triển nông nghiệp, góp phần vào phát triển kinh tế – xã hội của huyện, tạo được nhiều việc làm cho người lao động, tăng thu nhập cho người dân, là điều kiện để các ngành liên quan phát triển, từng bước nâng cao vị thế du lịch của huyện Thanh Hà, là điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế.
“Để khai thác, phát huy hiệu quả các tiềm năng du lịch của huyện, tạo bước phát triển mạnh mẽ về du lịch, từ giữa năm 2021 UBND huyện Thanh Hà đã có Quyết định 2925 về việc phê duyệt Đề án “Phát triển các điểm du lịch gắn với du lịch sinh thái sông Hương trên địa bàn huyện Thanh Hà, giai đoạn 2021 – 2025”. Đây được xem là động thái có tầm nhìn chiến lược, phát huy tiềm năng du lịch sinh thái, du lịch tâm linh, từng bước đưa du lịch trở thành một ngành kinh tế quan trọng tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội địa phương. Và hơn thế nữa, chúng tôi đang cụ thể hóa tinh thần Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ chính trị về phát triển du lịch trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn…” – Bí thư Trịnh Văn Thiện nhấn mạnh./.
Bài, ảnh: Kim Chiến