Hải Dương “níu” chân du khách bằng tour du lịch mới

Hai tuyến du lịch mới vừa được Trung tâm TT&XTDL Hải Dương khảo sát tại 3 huyện Thanh Hà, Ninh Giang và Thanh Miện được kỳ vọng sẽ thu hút du khách đến với Hải Dương ngày càng nhiều hơn. 

Khu Du lịch sinh thái Đảo Cò

Nhân dịp này PV Tạp chí Làng Việt đã có cuộc phỏng vấn ông Khổng Quốc Tuân – Giám đốc Trung tâm Thông tin và Xúc tiến Du lịch Hải Dương (Trung tâm TT&XTDL Hải Dương).

PV: Xin ông cho biết những điểm nổi bật trong 2 tuyến du lịch mà Trung tâm TT&XTDL Hải Dương muốn chọn làm điểm nhấn để giới thiệu đến du khách là gì?             

Ông Khổng Quốc Tuân: Điểm mới của 2 tuyến du lịch này là kết hợp 3 yếu tố, du lịch tâm linh, du lịch sinh thái và kết hợp làng nghề tạo thành 1 tour du lịch. Chúng tôi định hướng đây là một sản phẩm của du lịch Hải Dương, nên đã khảo sát rất chi tiết, cụ thể cả về lịch trình đi và thời gian để làm sao đảm bảo nhất cho du khách có thể đi tour trong vòng từ 1 đến 2 ngày.

Qua chuyến khảo sát vừa rồi, chúng tôi cũng hy vọng qua các kênh thông tin báo chí có thể giới thiệu cho các hãng lữ hành và du khách biết được những điểm đến và sản phẩm mới của du lịch Hải Dương ngoài các sản phẩm du lịch truyền thống như Khu di tích danh thắng Côn Sơn – Kiếp Bạc, Chu Văn An tại Chí Linh.

Ở tuyến du lịch huyện Thanh Miện và Ninh Giang, lấy Khu Du lịch sinh thái Đảo Cò làm điểm nhấn. Tại Khu du lịch này tỉnh Hải Dương đã có quy hoạch từ năm 2009 và hiện tại chúng tôi đang bước đầu làm công việc đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch, xây dựng khu du lịch homestay…  Điểm thứ hai là phường rối nước Hồng Phong, 1 trong những loại hình nghệ thuật nổi tiếng của vùng Đồng bằng Bắc bộ đã được Bộ VHTTDL chứng nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2013. Điểm thứ  3 là làng nghề bánh gai Ninh Giang, một trong những đặc sản của tỉnh Hải Dương và là đặc sản của vùng Đồng bằng Bắc Bộ. Điểm thứ 4 là đền Khúc Thừa Dụ, người đặt cơ sở cho nền độc lập của dân tộc Việt Nam sau gần 1000 năm bị các triều đại Trung Hoa đô hộ. Và điểm cuối cùng của tuyến là Đền Quan lớn Tuần Tranh, là 1 trong những điểm du lịch tâm linh của tỉnh Hải Dương.

Với mục đích đó chúng tôi kết hợp những điểm nhấn này tạo thành một tuyến du lịch hoàn chỉnh để phục vụ du khách. Ở tuyến này, du khách có thể thưởng thức từ du lịch tâm linh đến sinh thái làng nghề cũng như các nét văn hóa nghệ thuật truyền thống của Hải Dương nói riêng và của vùng Đồng bằng Bắc bộ nói chung.

Tuyến thứ 2 là du lịch Thanh Hà, lấy cây vải tổ là điểm nhấn cho chuyến hành trình của du khách. Bên cạnh chương trình tham quan cây vải tổ, du khách còn được tham quan các điểm di tích nổi bật trên địa bàn. Đây là những di tích có nét đặc sắc riêng không trùng lặp như Chùa Đồng Ngọ, 1 trong nhũng ngôi chùa cổ nhất Hải Dương với tháp Cửu phẩm Liên hoa, Chùa Minh Khánh gắn với vua Trần Nhân Tông, Chùa Bạch Hào, ngôi chùa có phong cảnh sông nước hữu tình xếp vào hàng độc đáo nhất vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng. Bên cạnh đó du khách còn được thưởng thức nghệ thuật múa rối nước tại phường rối nước Thanh Hải, với những tích trò vô cùng đặc sắc

Ngoài ra sau khi thăm cây vải tổ, du khách sẽ được hòa mình trong khu vườn vải rộng 32ha của huyện Thanh Hà. Những vườn vải này được trồng theo tiêu chuẩn Vietgap đã được quy hoạch, tại đây du khách có thể tự thưởng thức những quả vải trên cây hoặc mua về làm quà cho gia đình và người thân.

PV: Thưa ông, từ trước đến nay, Hải Dương luôn là điểm trung chuyển, dừng chân của du khách trong hành trình khám phá tuyến Đông Bắc. Vậy, ngành Du lịch Hải Dương đã có kế hoạch gì để thay đổi quan niệm này và giữ chân du khách ở lại lâu hơn?

Ông Khổng Quốc Tuân: Đây là một trong những điều trăn trở của người làm du lịch nói riêng và của tỉnh Hải Dương nói chung. Trên cơ sở những điểm đến hấp dẫn của Hải Dương nói trên thì chúng tôi quy hoạch một số sản phẩm mang tính đặc thù cho du lịch Hải Dương như: Xây dưng Khu di tích danh thắng Côn Sơn – Kiếp Bạc trở thành khu du lịch quốc gia; kêu gọi đầu tư khu vui chơi giải trí cấp vùng tại thành phố Hải Dương và xây dựng khu du lịch làng quê Việt.

Bên cạnh đó, các vấn đề liên quan đến việc tuyên truyền quảng bá, tăng cường đầu tư vào các nhà hàng, khách sạn và phát triển nguồn nhân lực cũng được Trung tâm TT&XTDL Hải Dương chú trọng, củng cố nhằm nâng cao về chất lương dịch vụ để phục vụ được du khách tốt hơn. Chúng tôi cũng kỳ vọng, những sản phẩm du lịch trên sau khi được hoàn thành sẽ tạo thành điểm nhấn cho du lịch Hải Dương để Hải Dương có thể giữ chân du khách đến với Hải Dương nhiều hơn nữa.

PV: Tỉnh Hải Dương xác định Du lịch đứng ở vị trí nào trong phát triển kinh tế xã hội của tỉnh?

Ông Khổng Quốc Tuân: Du lịch được xác định là ngành kinh tế quan trọng của Hải Dương vì vậy tỉnh Hải Dương, đã có nhiều biện pháp để thúc đẩy du lịch. UBND tỉnh Hải Dương đã đánh giá lại 6 năm thực hiện quy hoạch tổng thể, rà soát bổ sung chỉnh sửa lại cho phù hợp với giai đoạn 2015 – 2020, định hướng đến năm 2030. Từ quy hoạch đó  UBND tỉnh đã giao cho Sở VHTTDL Hải Dương triển khai 5 chương trình, đề án cụ thể gồm: chương trình xúc tiến du lịch tỉnh Hải Dương; đề án phát triển nguồn nhân lực; xây dựng chương trình mô hình phát triển du lịch cộng đồng tại Đảo Cò Chi Lăng Nam; thành lập Trung tâm Thông tin – Xúc tiến du lịch Hải Dương; xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù cho tỉnh Hải Dương.

PV: Xin ông cho biết sản phẩm du lịch đặc thù đó được định hướng vào địa điểm cụ thể nào của Hải Dương?

Ông Khổng Quốc Tuân: Hải Dương hiện tại đã xây dựng được đề án phát triển sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh trong đó đánh giá lại toàn bộ các nguồn tài nguyên du lịch của tỉnh để định hướng phân loại và chọn ra nhưng sản phẩm đặc thù nhất của Hải Dương. Ngành du lịch Hải Dương xác định phát triển du lịch văn hóa tâm linh và sinh thái là chính vì vậy sẽ tập xây dựng khu du lịch Côn Sơn – Kiếp Bạc (Chí Linh) là điểm nhấn của du lịch Hải Dương và từ đó sẽ phát triển lan tỏa ra các vùng khác trong tỉnh. Ngoài khu di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc còn có điểm phụ trợ cho du lịch Hải Dương đó là trung tâm Tp. Hải Dương, khu phía Nam (Ninh Giang- Thanh Miện), khu Đông Nam (Thanh Hà -Kinh Môn), khu phía Tây (Bình Giag – Cẩm Giàng) và Gốm chu Đậu – Nam Sách.

Liên kết trong phát triển du lịch là không thể tách rời các trung tâm du lịch lớn của cả nước như Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh liên kết phát triển du lịch với các tỉnh xung quanh  để kết nối tạo thành tuyến du lịch liên tỉnh, liên vùng.

PV: Xin cảm ơn ông!

Hải Dương là một tỉnh nằm ở đồng bằng sông Hồng, thuộc Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Hải Dương vốn là vùng đất “địa linh nhân kiệt” gắn với nhiều tên tuổi của các vị anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa như: Khúc Thừa Dụ, Trần Hưng Đạo, Chu Văn An, Nguyễn Trãi…, cùng với trên 3000 di tích lịch sử và danh thắng, trong đó có 146 di tích được xếp hạng quốc gia, khu di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt. Nhiều danh lam thắng cảnh, hang động kỳ thú như núi Côn Sơn, núi Phượng Hoàng, núi An Phụ, núi Dương Nham, động Kính Chủ… và một số vùng sinh thái hấp dẫn như đảo Cò Chi Lăng Nam, sông Hương.

Hải Dương còn nổi tiếng với các làng nghề được trong và ngoài nước biết đến như: gốm Chu Đậu, gốm sứ Cậy, vàng bạc Châu Khê, chạm khắc gỗ Đông Giao, mộc Cúc Bồ…; các món ẩm thực đặc sắc như bánh đậu xanh, bánh cuốn chả Hàn Giang, bánh gai Ninh Giang, vải thiều Thanh Hà…; các loại hình nghệ thuật truyền thống mang đặc trưng văn hóa của vùng đồng bằng Bắc bộ như múa rối nước, hát ca trù, hát chèo…