Bộ NN&PTNT đã đưa mô hình du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn văn hóa và cây trồng bản địa theo hướng phát triển xanh, bền vững tại thôn Làng Chè, xã Sơn Kim 2, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) vào danh mục thí điểm thuộc chương trình phát triển du lịch nông thôn, giai đoạn 2021-2025. Đây là 1 trong 6 mô hình điểm của Bộ NN-PTNT, với tổng kinh phí dự kiến 14,6 tỉ đồng.
Du lịch xanh,bền vững
Phát triển du lịch nông thôn hiệu quả sẽ góp phần thực hiện đồng thời hai mục tiêu, là đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và xây dựng nông thôn mới bền vững. Thực tiễn cho thấy, chương trình xây dựng nông thôn mới đóng vai trò hỗ trợ tích cực cho phát triển du lịch nông thôn trong việc nâng cấp, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng, bảo đảm vệ sinh môi trường, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa, làng nghề truyền thống… Ngược lại, du lịch nông thôn góp phần nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới bền vững thông qua việc nâng cao thu nhập, tạo sinh kế cho người dân ở nông thôn, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm đặc sản…
Tại Hà Tĩnh, vai trò của du lịch nông thôn thể hiện trên các khía cạnh, đó là: Góp phần đưa giá trị của nông nghiệp và nông thôn lên cao; phát triển ngành nghề nông thôn bằng các sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm); phát huy giá trị văn hóa của các vùng, miền.
Trên cơ sở kết quả khảo sát, phát triển mô hình du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 – 2025 phối hợp với Viện Kinh tế Du lịch – Nông nghiệp thực hiện và đề xuất của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch. UBND tỉnh Hà Tĩnh đã lựa chọn xã Sơn Kim 2 (Hương Sơn) là điểm để đề xuất Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn xây dựng mô hình phát triển chuỗi du lịch nông nghiệp, nông thôn liên kết các điểm đến, hình thành các tour du lịch gắn với sản xuất nông nghiệp, làng nghề, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa và bảo vệ môi trường tại Hà Tĩnh.
Đồng thời lựa chọn, thôn Hoa Thị, xã Thọ Điền (huyện Vũ Quang), bản Phú Lâm, xã Phú Gia (huyện Hương Khê) là 2 điểm để xây dựng 2 mô hình du lịch cộng đồng của tỉnh theo hướng du lịch xanh, có trách nhiệm và bền vững trên địa bàn tỉnh để tổng kết, đánh giá nhân rộng ra toàn tỉnh.
Những đồi chè tại xã Sơn Kim 2 – điểm du lịch sinh thái cộng đồng của địa phương
Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu UBND huyện Hương Sơn phối hợp với Sở NN&PTNT và Bộ NN&PTNT xây dựng mô hình phát triển chuỗi du lịch nông nghiệp, nông thôn liên kết các điểm đến, hình thành các tour du lịch gắn với sản xuất nông nghiệp, làng nghề, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa và bảo vệ môi trường tại xã Sơn Kim theo hướng dẫn của Bộ NN&PTNT.
Ông Nguyễn Kiều Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) cho biết, xây dựng mô hình phát triển chuỗi du lịch nông nghiệp, nông thôn thu hút khách du lịch đến các điểm Du lịch như: Đồi chè Sơn Kim, khu du lịch sinh thái nghỉ mát Nước Sốt, bãi tắm Rào Àn, Thác Xai Phố, cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, khu du lịch tâm linh di tích Hải Thượng Lãn Ông. Kết hợp quảng bá các sản phẩm nông nghiệp đến với du khách. Hiện nay, huyện Hương Sơn có 28 cơ sở sản xuất, 49 sản phẩm đã chất lượng OCOP. Thúc đẩy kinh tế phát triển góp phần thực hiện mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới bền vững và huyện Hương Sơn đã về đích nông thôn mới năm 2022.
UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng giao cho UBND huyện Vũ Quang và UBND huyện Hương Khê chủ trì xây dựng Đề án thí điểm mô hình du lịch cộng đồng theo hướng du lịch xanh, có trách nhiệm và bền vững trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 – 2025 tại thôn Hoa Thị (xã Thọ Điền, huyện Vũ Quang) và bản Phú Lâm (xã Phú Gia, huyện Hương Khê).
Tăng trải nghiệm cho du khách
Sau gần bốn năm triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm, tỉnh Hà Tĩnh đã có 237 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP; trong đó có 11 sản phẩm 4 sao, 226 sản phẩm 3 sao. Các sản phẩm sau khi đạt chuẩn đều được kiểm soát chặt chẽ, nhất là về vệ sinh an toàn thực phẩm.Nhìn chung các sản phẩm OCOP được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn; các chủ cơ sở đã từng bước nâng cao nhận thức, nhiều cơ sở đã được chỉnh trang nâng cấp, đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật phát triển sản xuất đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm. Công tác vệ sinh môi trường; bao bì nhãn mác, quy cách đóng gói ngày càng hoàn thiện, phù hợp thị hiếu người tiêu dùng; công tác xúc tiến thương mại được chú trọng.
Chính vì thế, việc quảng bá, kết nối sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch đã được Hà Tĩnh xác định là hướng đi cần thiết và quan trọng, vừa góp phần đa dạng hóa các loại hình du lịch, mang lại nhiều trải nghiệm hấp dẫn cho du khách, vừa phát triển kinh tế, quảng bá sản phẩm địa phương. Bên cạnh các loại hình du lịch truyền thống như du lịch biển đảo, nghỉ dưỡng, tâm linh… nhiều điểm du lịch sinh thái, trải nghiệm trên địa bàn tỉnh cũng thu hút đông du khách. Trong đó, loại hình du lịch sinh thái gắn với tham quan, tìm hiểu, mua sắm các sản phẩm OCOP đang tạo được ấn tượng với du khách trong và ngoài tỉnh.
Ông Nguyễn Văn Việt, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Hà Tĩnh thông tin: Hà Tĩnh phấn đấu đến năm 2025, có tối thiểu 300 sản phẩm, dịch vụ được chứng nhận đạt chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên; tập trung phát triển, nâng hạng các sản phẩm OCOP, phấn đấu có tối thiểu 20% số sản phẩm đạt chuẩn OCOP 4 sao, 5% số sản phẩm đạt chuẩn OCOP 5 sao. “Mục tiêu phấn đấu của tỉnh Hà Tĩnh đặt ra cho thời gian tới là tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình OCOP để nâng cao chất lượng các sản phẩm, khơi dậy tiềm năng, đồng hành với phát triển du lịch nông thôn, nhằm tiếp tục nâng cao đời sống vật chất và tinh thần người dân trên địa bàn tỉnh; đồng thời bảo tồn các giá trị văn hóa, bảo vệ cảnh quan môi trường tại nông thôn”, ông Việt nói.
Du lịch cộng đồng gắn với Chương trình OCOP giúp quảng bá hình ảnh về đất nước, con người một cách gần gũi và chân thật nhất, tạo môi trường thuận lợi để phát triển ngôn ngữ, kỹ năng giao tiếp, mở rộng kiến thức về các nền văn hóa khác nhau trong và ngoài nước. Xây dựng mô hình du lịch cộng đồng gắn với Chương trình OCOP hướng đến giá trị xanh: Môi trường xanh, văn hóa xanh góp phần nâng cao năng lực cộng đồng tạo thêm các giá trị kinh tế cho sản phẩm địa phương.
Sản phẩm OCOP Hà Tĩnh
Trong thời gian tới, tỉnh Hà Tĩnh cần tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng để du khách hiểu được về du lịch cộng đồng và chương trình OCOP trên địa bản tỉnh. Từ đó, mỗi thành viên là một sứ giả cho sự phát triển thương hiệu du lịch tại địa phương. Đồng thời, địa phương và các doanh nghiệp cũng cần chú trọng xây dựng sản phẩm du lịch cộng đồng gắn với phát triển nông thôn mới và chương trình OCOP. Trong đó, đẩy mạnh xúc tiến quảng bá sản phẩm du lịch cộng đồng và sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề, lễ hội văn hóa gắn với hình ảnh du lịch địa phương để tạo điểm nhấn thu hút du khách. Ông Hoàng Văn Việt chia sẻ thêm.
Phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch đang thực sự phát huy hiệu quả, giúp quảng bá sâu rộng sản phẩm OCOP của Hà Tĩnh đến người dân cả nước, tạo dựng thương hiệu cho hàng hóa của tỉnh, đồng thời phục vụ phát triển du lịch bền vững.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện cả nước có hơn 1.300 khu, điểm du lịch thuộc các địa phương quản lý; trong đó, có khoảng 70% là các điểm du lịch thuộc khu vực nông thôn. Đây được xem là nguồn lực quan trọng để đẩy mạnh phát triển nông thôn, đem lại việc làm, thu nhập cho người dân, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, đồng thời bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, bảo vệ môi trường…
* Trang thông tin có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương
Đan Bảo
Báo Văn hóa Điện tử – baovanhoa.vn