Trước đây, Hà Nội chỉ có Sóc Sơn là vùng bán sơn địa với những dãy núi, đồi đất thấp thì sau khi mở rộng địa giới hành chính, thành phố có một vùng ngoại thành rộng, có cảnh quan đẹp tại các huyện như: Mỹ Đức, Thạch Thất, Ba Vì. Cách trung tâm Thủ đô khoảng 50 km, Mỹ Đức là vùng bán sơn địa, có dãy núi đá vôi đan xen với sông, hồ tạo nên nhiều danh thắng hấp dẫn như: Thắng cảnh Hương Sơn, hồ Quan Sơn, hồ Tuy Lai… Trong đó, hồ Tuy Lai (xã Tuy Lai) có diện tích 2.650 ha, được bao bọc bởi dãy núi đá vôi, các hang động và thung lũng tạo thành một vùng sơn thủy hữu tình. Không những thế, nơi đây còn có 10 di tích lịch sử-văn hóa gồm các đình, đền, chùa. Ngoài ra, Mỹ Đức còn có đầm sen An Phú có diện tích lên tới 200 ha. Tuy nhiên, khu vực có cảnh quan hùng vĩ nhất là núi Ba Vì. Ngọn núi Ba Vì cao gần 1.300m, là “nóc nhà” của Hà Nội. Bao quanh Ba Vì là những khu du lịch sinh thái có thác, có suối, có rừng nguyên sinh đẹp và thơ mộng như: Ao Vua, Thiên Sơn-Suối Ngà, Khoang Xanh-Suối Tiên… Nơi đây còn có những di tích văn hóa-lịch sử như đền thờ Bác Hồ, đền Thượng, đền Trung… rất thuận lợi cho việc phát triển du lịch văn hóa tâm linh. Ba Vì còn có khu du lịch quốc gia hồ Suối Hai, nước khoáng nóng Thuần Mỹ… Trong Quy hoạch phát triển du lịch thành phố, du lịch sinh thái được xác định là một trong bảy sản phẩm chính của Hà Nội. Loại hình du lịch này dựa vào môi trường tự nhiên và văn hóa bản địa, là xu hướng phát triển nhanh trên thế giới và ở Việt Nam.
Du lịch sinh thái ở các khu vực ngoại thành Hà Nội đã có bước phát triển khá mạnh mẽ trong thời gian qua. Hiện có tám khu, điểm du lịch sinh thái được thành phố công nhận, chưa kể nhiều sản phẩm du lịch sinh thái khác đang được khai thác. Có những sản phẩm du lịch thu được kết quả bất ngờ ngoài dự kiến như ngắm hoa dã quỳ tại Vườn quốc gia Ba Vì. Tháng 11, khi vào cao điểm mùa hoa dã quỳ, có những ngày đường lên Vườn quốc gia Ba Vì ùn tắc vì đông khách. Điều đó cho thấy nhu cầu của du khách rất lớn và du lịch sinh thái còn nhiều dư địa để phát triển.
Mặc dù vậy, để lĩnh vực du lịch sinh thái có thể trở thành nhóm sản phẩm chính của du lịch Hà Nội, còn nhiều việc phải làm. Theo nhiều chuyên gia, các sản phẩm du lịch sinh thái phải có sự gắn kết hơn nữa với các loại hình du lịch khác để tăng tính trải nghiệm cho khách hàng; nếu không, các sản phẩm du lịch sinh thái sẽ chủ yếu là những chuyến dã ngoại đơn giản. Một trong những yếu tố được nhiều chuyên gia khuyến khích là tăng các trải nghiệm văn hóa cộng đồng, gắn du lịch sinh thái với du lịch nông thôn, du lịch làng nghề. Điển hình như về Ba Vì, việc tham gia các hoạt động du lịch sinh thái nên được gắn với nét đẹp văn hóa, ẩm thực của đồng bào Mường, đồng bào Dao… Để làm được điều này, Tiến sĩ Ngô Kiều Oanh – chuyên gia du lịch cho rằng: Các làng quê phải phân chia rõ được các không gian cụ thể: Không gian dân cư, không gian sinh thái, không gian cộng đồng… Các không gian này bảo đảm để du khách đến với mỗi miền quê như là sự trở về nhà, được chào đón, được sống và trải nghiệm trong sự tử tế, thân thiện, mến khách từ chính người nông dân trên miền quê đó.
Một vấn đề khác cần được quan tâm là phát triển du lịch sinh thái hướng tới sự bền vững. Hiện nay, không ít khu du lịch, sinh thái, nghỉ dưỡng đang gặp phải những rắc rối pháp lý liên quan đến sử dụng đất rừng. Thậm chí, một số khu nghỉ dưỡng được xây dựng trên đất lấn chiếm, đất rừng. Bài toán này chỉ có thể được giải khi có quy hoạch sử dụng đất và quản lý quy hoạch một cách hợp lý. Điều cần bảo đảm nữa là phải hài hòa giữa bảo vệ thiên nhiên và khai thác thiên nhiên trong phát triển du lịch sinh thái.
Mới đây, thành phố đã tổ chức Lễ hội du lịch sinh thái Hà Nội 2023 để quảng bá, giới thiệu thế mạnh du lịch sinh thái Thủ đô. Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang chia sẻ: “Thành phố luôn ý thức việc triển khai các biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp như: Xây dựng và triển khai cơ chế, chính sách, kế hoạch quản lý và phát triển hoạt động du lịch xanh…; nghiên cứu, tham mưu các cấp có thẩm quyền đầu tư, hỗ trợ các đơn vị, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch xanh; chú trọng đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng kỹ thuật, giao thông kết nối, dịch vụ du lịch, khu vực xử lý chất thải…; kiên quyết xử lý các trường hợp làm du lịch tự phát, trái các quy định của pháp luật, xây dựng không phép, ảnh hưởng đến cảnh quan tự nhiên. Để phát triển du lịch sinh thái một cách bền vững, các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn Thủ đô cần mở rộng mạng lưới kết nối, hợp tác chặt chẽ với nhau, xây dựng sản phẩm du lịch xanh đồng bộ, khép kín, thân thiện với môi trường” ■
Bài và ảnh: Giang Nam
Báo Nhân dân – nhandan.vn