Phát biểu khai mạc buổi lễ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết, với bề dày lịch sử nghìn năm văn hiến, Hà Nội có 5.922 di tích lịch sử; 1.793 di sản văn hóa phi vật thể; 1.350 làng nghề và làng có nghề.
Phát huy lợi thế, Hà Nội đã khai thác tốt tiềm năng du lịch. Năm 2023, thành phố đã đón 24,72 triệu lượt khách du lịch, tăng 30,2% so với năm 2022 (tăng 11,7% so với kế hoạch).
Ông Nguyễn Xuân Đại nhấn mạnh, Hà Nội là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học của đất nước. Để đáp ứng nhu cầu phát triển của Thủ đô, thời gian qua, nhiều làng nghề phải thu hẹp diện tích sản xuất để nhường cho phát triển công nghiệp, đô thị.
Theo xu thế, diện tích trồng đào và quất của quận Tây Hồ cũng bị thu hẹp. Đào Nhật Tân và quất Tứ Liên là niềm tự hào của Hà Nội mỗi dịp Tết đến, xuân về. Để bảo tồn, phát triển nghề trồng hoa đào và quất cảnh, thời gian qua, lãnh đạo thành phố Hà Nội, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân quận Tây Hồ rất quan tâm hỗ trợ phát triển làng nghề; kết nối với các chuỗi du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh để đón khách tham quan, trải nghiệm.
Năm 2024, lần đầu tiên Hà Nội tổ chức Lễ hội hoa đào, quất cảnh và sản phẩm OCOP các vùng miền nhân dịp Xuân Giáp Thìn. Để chuẩn bị cho lễ hội, trước đó, Hà Nội đã tổ chức hai hội thi hoa đào và quất cảnh thành phố Hà Nội trên địa bàn quận Tây Hồ, nhằm tôn vinh các nghệ nhân, thợ giỏi…
Kết quả, Ban Tổ chức đã chọn 55 tác phẩm hoa đào (của 28 tác giả) và 68 tác phẩm quất cảnh (của 31 tác giả) để vinh danh hai tác phẩm giải nhất, bốn tác phẩm giải nhì, 10 tác phẩm giải ba và 20 tác phẩm giải khuyến khích để tôn vinh trong buổi tối 26/1.
Bên cạnh việc tôn vinh các nghệ nhân và làng nghề truyền thống hoa đào và quất cảnh, khi đến với lễ hội, du khách còn được thưởng thức các sản phẩm OCOP, đặc sản vùng miền mang đặc trưng hương vị ngày Tết với quy mô hơn 100 gian hàng; khu triển lãm Bonsai Tre nghệ thuật “Vũ điệu Rồng Tre” do câu lạc bộ Bonsai Tre Việt thực hiện với diện tích hơn 3.000m2.
Cùng với đó là Khu trưng bày tái hiện không gian Tết Việt và trò chơi dân gian trong ngày Tết cổ truyền như: Trải nghiệm nghề giã giò, chả; nghề làm nón làng Chuông; trải nghiệm nghề gốm Bát Tràng; trải nghiệm nghề gói bánh chưng làng nghề Tranh Khúc; trưng bày sản phẩm làng nghề đồ thờ Sơn Đồng, trải nghiệm nghệ thuật Tranh Kim Hoàng; trải nghiệm nghề may áo dài Trạch Xá; làng nghề chuồn chuồn tre Thạch Xá; nghề giấy dó phường Bưởi…
Lễ hội hoa đào, quất cảnh và sản phẩm OCOP các vùng miền Xuân Giáp Thìn 2024 sẽ diễn ra trong 7 ngày, từ 26/01 đến ngày 01/02/2024.
Mạnh Hà
Báo Nhân dân -nhandan.vn