Hà Nội: Giữ gìn, phát triển sản phẩm truyền thống qua Hội thi sản phẩm làng nghề

Từ tháng 8 – 10/2023, Sở NN&PTNT Hà Nội chủ trì tổ chức Hội thi sản phẩm làng nghề thành phố Hà Nội năm 2023.

Giữ gìn, phát triển sản phẩm truyền thống qua Hội thi sản phẩm làng nghề - Ảnh 1.

Nón chuông là một trong những sản phẩm làng nghề nổi tiếng của Hà Nội. Ảnh: VGP/Thiện Tâm

Theo đó, Hội thi được tổ chức nhằm góp phần vào việc bảo tồn và phát triển nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, nâng cao năng lực cạnh tranh thị trường trong và ngoài nước. Đồng thời tạo sân chơi để các tác giả, giao lưu, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, nâng cao giá trị sản phẩm, mở rộng thị trường tiến tới xuất khẩu.

Đối tượng dự thi là các tổ chức, cá nhân (tác giả, nhóm tác giả) trên địa bàn thành phố Hà Nội không phân biệt nghề nghiệp, tuổi tác, giới tính; có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; có khả năng chế tác, sản xuất sản phẩm thủ công mỹ nghệ.

Sản phẩm dự thi là sản phẩm thủ công mỹ nghệ thuộc 5 nhóm: Mây, tre lá tự nhiên; Sơn mài, khảm trai, gỗ mỹ nghệ; Gốm sứ và thủy tinh; Dệt, may, thêu đan, móc; Nhóm khác như sừng, trai ốc, chạm khắc đá, kim khí, da, tranh,…

Ban Tổ chức yêu cầu, sản phẩm dự thi là sản phẩm mới do chính tác giả, nhóm tác giả sáng tác và tạo mẫu, không phải là sản phẩm sao chép. Mỗi tác giả, nhóm tác giả có sản phẩm làng nghề có thể gửi 01, hoặc nhiều sản phẩm, bộ sản phẩm dự thi. Sản phẩm chưa đạt giải tại các hội thi khác (cấp thành phố, trung ương) ở trong và ngoài nước. Các tác giả, nhóm tác giả tự chịu trách nhiệm về quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến sản phẩm dự thi,… Đối với sản phẩm của nhóm tác giả, hồ sơ dự thi phải kèm theo văn bản thỏa thuận cuả tập thể các tác giả ủy quyền cho một tác giả là người đại diện tham gia dự thi.

Hồ sơ dự thi bao gồm: Bản đăng ký dự thi; Bản mô tả sản phẩm; Bản phô tô căn cước công dân (cá nhân), giấy đăng ký kinh doanh (nếu là tổ chức); Sản phẩm dự thi kèm 3 ảnh màu chụp các góc độ của sản phẩm, kích cỡ  15x20cm, kèm 1 video (nếu có) và 1 ảnh màu tác giả kích cỡ 4x6cm; Văn bản thỏa thuận của tập thể các tác giả ủy quyền cho một, hoặc nhóm tác giả đứng ra dự thi.

Sau khi có kết quả chấm thi, Ban Tổ chức quyết định và trao giải cho 56 sản phẩm tham dự thuộc 5 nhóm ngành nêu trên. Trong đó có, 01 giải đặc biệt, 05 giải Nhất, 10 giải Nhì, 15 giải Ba, 25 giải Khuyến khích.

Thời gian tiếp nhận hồ sơ từ ngày 07/8/2023 – 20/9/2023 theo dấu bưu điện, hoặc nộp trực tiếp tại Thường trực Ban Tổ chức Hội thi – Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội, số 73 Lê Hồng Phong, phường Nguyễn Trãi, quận Hà Đông, Hà Nội.

Thiện Tâm

Cổng TTĐT Chính phủ/Trang Thủ đô Hà Nội – thanglong.chinhphu.vn