Hà Nội: Đưa các sản phẩm OCOP gắn với phát triển kinh tế du lịch

Đưa sản phẩm thuộc chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP) vào chuỗi cung ứng kinh tế du lịch không chỉ góp phần tạo đầu ra bền vững cho sản phẩm Việt mà còn tạo nhiều trải nghiệm đậm bản sắc văn hóa địa phương cho du khách.

 

Đưa các sản phẩm OCOP gắn với phát triển kinh tế du lịch- Ảnh 1.

Các sản phẩm được chủ thể OCOP trên địa bàn huyện Thường Tín trưng bày giới thiệu. Ảnh: VGP/DA

Đến thời điểm này, Hà Nội có hơn 2.700 sản phẩm thuộc chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP) từ 3 đến 5 sao; trong đó, nhiều sản phẩm thuộc nhóm ngành ẩm thực, đồ lưu niệm… Trên thực tế, nhiều ngành, nhiều địa phương đã đưa sản phẩm OCOP vào hoạt động du lịch, điển hình như các quận, huyện, thị xã: Gia Lâm, Hoàn Kiếm, Sơn Tây, Chương Mỹ, Phú Xuyên, Thường Tín, Thanh Trì…

Các sản phẩm về đồ lưu niệm như: Gốm sứ, mây tre đan, khảm trai… hay nhóm sản phẩm liên quan ẩm thực như: Trà sen, bánh cuốn, giò chả… vừa tăng sức hấp dẫn cho các tour du lịch, vừa thúc đẩy sản xuất tại địa phương.

Đặc biệt, điểm dịch vụ du lịch làng quê Hồng Vân (Thường Tín) và Khu sinh thái Phù Đổng Green Park (Gia Lâm) sau khi được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao đã trở thành điểm du lịch thu hút du khách.

Ông Mai Văn Ngần, Phó Chủ tịch xã Hồng Vân cho hay, với mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, Hồng Vân là điểm đến hấp dẫn trong hành trình du lịch của du khách trong và ngoài Thành phố; đưa kinh tế thương mại, dịch vụ, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của xã. Xã cũng tiếp tục phát huy các thế mạnh, tập trung chỉ đạo phát triển kinh tế thương mại, du lịch, dịch vụ, làng nghề.

“Trên cơ sở nghiên cứu, đánh giá, xã đã xác định phát triển kinh tế du lịch là hướng đi đúng đắn, tất yếu để kinh tế của xã phát triển ổn định, bền vững, thân thiện. Qua đó góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp và các ngành thương mại dịch vụ, khai thác và phát huy tiềm năng, thế mạnh du lịch của xã để nâng cao thu nhập, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân”, ông Ngần cho biết.

So với nhiều địa phương khác, quận Tây Hồ không phải địa bàn có số sản phẩm OCOP lớn, nhưng quận Tây Hồ lại là điển hình của phát triển du lịch gắn với sản phẩm OCOP. Hiện nay trên địa bàn có hơn 40 sản phẩm OCOP được Thành phố đánh giá, công nhận. Nhưng điều đặc biệt là hầu hết sản phẩm được đưa vào khai thác trong hoạt động du lịch.

Điển hình như các loại bánh truyền thống đặc trưng của quận (bánh nướng, bánh dẻo, bánh chả, bánh cốm…) hay sản phẩm trà sen Tây Hồ; sản phẩm của làng xôi Phú Thượng từ lâu được biết đến với tư cách sản phẩm OCOP 4 sao…

Hiện tại, ngoài phát triển sản phẩm nói chung, quận Tây Hồ ưu tiên phát triển sản phẩm OCOP theo nhóm dịch vụ du lịch cộng đồng để tạo thành sản phẩm “Dịch vụ du lịch OCOP Tây Hồ”…

Còn tại quận Ba Đình, quận xác định đẩy mạnh phát triển các sản phẩm OCOP là một trong những chương trình trọng tâm mang lại hiệu quả cao trong phát triển kinh tế – xã hội. Vì vậy, hiện nay, quận đang chú trọng xây dựng phương án phát triển sản phẩm OCOP và xây dựng trung tâm giới thiệu quảng bá các sản phẩm OCOP.

Đến quý I/2024, quận Ba Đình đã có 16 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên, trong đó 7 sản phẩm hàng thủ công mỹ nghệ được phân hạng 4 sao, 3 sản phẩm truyền thống (cốm xào, bánh cốm, bánh xu xê Hàng Than) và 6 sản phẩm thực phẩm khác đạt 3 sao.

Đưa các sản phẩm OCOP gắn với phát triển kinh tế du lịch- Ảnh 2.

Các sản phẩm gốm sứ Bát Tràng (Gia Lâm). Ảnh: VGP/DA

Ngoài các sản phẩm đã đạt OCOP, quận Ba Đình còn rất nhiều sản phẩm tiềm năng, đặc biệt là về ẩm thực như: Trà, bánh mì, phở, các loại bánh dân tộc truyền thống…

Thời gian tới, bên cạnh việc bổ sung các dự án chỉnh trang đô thị, quận Ba Đình sẽ tăng cường các giải pháp phát triển du lịch, gắn với Đề án phát triển các sản phẩm du lịch quận Ba Đình.

Trong đó, hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh xây dựng mới các sản phẩm OCOP, phấn đấu đạt từ 3 sao trở lên; vận động các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư phát triển sản phẩm du lịch và Trung tâm giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP. Phối hợp với các trung tâm quảng bá sản phẩm OCOP, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh đưa các sản phẩm làng nghề, sản phẩm OCOP của các địa phương trên cả nước về giới thiệu và tiêu thụ trên địa bàn quận.

Để phát triển sản phẩm OCOP gắn với kinh tế du lịch, Hà Nội đang triển khai xây dựng hàng chục trung tâm thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch như Trung tâm Thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch tại Bát Tràng (Gia Lâm); xã Chuyên Mỹ (huyện Phú Xuyên); xã Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ);…

Mục tiêu của các trung tâm này là nâng cao giá trị sản phẩm thủ công mỹ nghệ, OCOP, làng nghề, xây dựng chuỗi liên kết từ thiết kế sáng tạo, sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các làng nghề gắn với hoạt động du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, nông thôn trong kinh tế tuần hoàn.

Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, việc thành lập các Trung tâm thiết kế, sáng tạo, giới thiệu quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch sẽ giúp kiến tạo môi trường triển khai các hoạt động hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn, chủ thể sản xuất kinh doanh làng nghề hình thành và phát triển hoạt động thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với phát triển các hình thức du lịch trải nghiệm góp phần tái cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn trên địa bàn Thành phố.

Bên cạnh đó, sẽ nâng cao giá trị sản phẩm thủ công mỹ nghệ, OCOP, làng nghề, xây dựng chuỗi liên kết từ thiết kế sáng tạo, sản xuất – chế biến, tiêu thụ sản phẩm trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các làng nghề gắn với hoạt động du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, nông thôn trong kinh tế tuần hoàn, góp phần xây dựng thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

Diệu Anh

Cổng TTĐT Chính phủ/Trang Thủ Đô Hà Nội – thanglong.chinhphu.vn