Năm 2022, sản phẩm khăn lụa thêu tay cao cấp của Hợp tác xã (HTX) Du lịch sinh thái dệt lụa Hồng Tiến Nha Xá trở thành sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) 4 sao cấp tỉnh. Đây cũng là sản phẩm đầu tiên của làng nghề truyền thống dệt lụa Nha Xá tham gia chương trình OCOP, mở ra hướng phát triển mới cho dòng sản phẩm khăn lụa cao cấp thêu tay. Được công nhận OCOP, sản phẩm có điều kiện tham gia chương trình quảng bá tại các hội chợ, triển lãm, trưng bày, giới thiệu sản phẩm. Đồng thời, có mặt trên sàn giao dịch thương mại điện tử uy tín dành cho các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP.
Cùng với sản phẩm khăn lụa thêu tay cao cấp được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh, HTX Du lịch sinh thái dệt lụa Hồng Tiến Nha Xá đã đầu tư cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm. Hiện, các thành viên trong HTX đang sản xuất hơn 20 dòng sản phẩm các loại từ lụa tơ tằm, như: khăn lụa, áo dài, đèn lồng, tràng hạt, nón lụa, khẩu trang, túi đựng điện thoại, chăn, gối… Các sản phẩm đã có mặt ở thị trường trong cả nước, được người dùng đón nhận. Sản lượng sản phẩm lụa của HTX xuất ra thị trường hiện tăng gấp trên 2 lần so với cách đây hơn 2 năm.
Ông Nguyễn Hồng Tiến, Giám đốc HTX Du lịch sinh thái dệt lụa Hồng Tiến Nha Xá cho biết: Đa dạng mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm là yêu cầu và đòi hỏi tất yếu để phát triển thị trường, đáp ứng thị hiếu khách hàng đối với làng nghề. HTX tiếp tục đăng ký ý tưởng tham gia chương trình OCOP thêm một số sản phẩm chủ lực (đèn lồng lụa, chăn lụa tơ tằm cao cấp, vải lụa hoa cao cấp, khăn lụa tơ tằm buộc thủ công, khăn nhuộm loang 100% tơ tằm). Tham gia chương trình OCOP là hướng đi giúp sản phẩm từ lụa tơ tằm của HTX tạo thêm uy tín, có điều kiện tiếp cận tốt hơn với thị trường.
Làng nghề truyền thống dệt lụa Nha Xá được đánh giá đang có sự phát triển mạnh mẽ, hiệu quả nhất trong 10 năm trở lại đây. Thể hiện rõ nét, các cơ sở sản xuất đã đầu tư nâng cấp hệ thống máy dệt hiện đại. Chỉ trong vài năm, làng nghề đã có hơn 20 máy dệt kiếm, cho ra khổ vải rộng 2,3 m. Vải lụa được dệt từ máy dệt kiếm mịn và đẹp hơn, đáp ứng yêu cầu sản xuất các mặt hàng xuất khẩu. Sản phẩm lụa khi dệt đã được tạo mẫu trên máy vi tính, đa dạng hoa văn, màu sắc… Ngay việc xử lý ô nhiễm môi trường tại làng nghề cũng được quan tâm triển khai hiệu quả. Các cơ sở tẩy nhuộm của làng nghề ký hợp đồng với doanh nghiệp tại Hà Nội thực hiện quy trình xử lý tại chỗ và đưa một phần đi xử lý tại nhà máy…
Về sản lượng vải lụa của cả làng nghề hiện nay lên đến 80 nghìn m dài/tháng, tăng hơn 30% so với 2 năm trước. Từ việc cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm, nhiều nhà thiết kế thời trang, cơ sở may mặc, người tiêu dùng đã lựa chọn lụa tơ tằm Nha Xá. Được biết, lượng đèn lồng được làm bán tại phố cổ Hội An (Quảng Nam) chủ yếu được làm bằng lụa Nha Xá. Tại làng nghề đang có cả trăm mẫu của hàng chục loại sản phẩm được làm từ lụa tơ tằm phục vụ nhu cầu đa dạng của khách hàng. Đặc biệt, sản phẩm được làm từ lụa tơ tằm của làng nghề đã được xuất khẩu đem lại giá trị cao, như: chăn, gối, túi ngủ…
Tìm hiểu tại cơ sở lụa tơ tằm Thực Liên, làng nghề dệt lụa Nha Xá, hoạt động sản xuất, kinh doanh đang phát triển tốt. Mỗi tháng cơ sở tiêu thụ khoảng 1.000 m vải lụa tơ tằm, tăng gấp đôi so với trước năm 2020. Các sản phẩm từ khăn lụa, áo dài, áo thời trang, đến nón, túi, khẩu trang, vòng… làm ra “cung không đủ cầu”. Cơ sở sản xuất và xuất khẩu 4.000 – 5.000 túi ngủ/năm sang thị trường châu Âu. Theo chị Phạm Thị Ngọc Liên, chủ cơ sở lụa tơ tằm Thực Liên, sản phẩm lụa tơ tằm của làng dệt truyền thống Nha Xá đã khẳng định và đứng vững trên thị trường. Đã có cả khu đô thị cao cấp mới tới cơ sở tham quan, tìm hiểu hướng tới đặt cửa hàng bán sản phẩm từ lụa tơ tằm của làng nghề. Triển vọng nghề dệt lụa truyền thống Nha Xá sẽ tiếp tục vươn xa, sánh ngang với các làng nghề nổi tiếng khác trong nước…
Làng dệt lụa truyền thống Nha Xá hiện duy trì 150 hộ, cơ sở, doanh nghiệp tham gia làm nghề. Có hơn 400 lao động tham gia làm nghề thường xuyên, khoảng 300 – 400 lao động thời vụ. Thu nhập bình quân đem lại từ làng nghề đạt 5 – 7 triệu đồng/người/tháng. Từ việc nâng tầm sản phẩm lụa tơ tằm, làng nghề dệt truyền thống Nha Xá đang được định hướng phát triển gắn với du lịch sinh thái, đồng thời tạo thành tour du lịch gắn kết làng nghề với đền Lảnh Giang trên địa bàn.
Mạnh Hùng
Báo Hà Nam – baohanam.com.vn