Để thúc đẩy chương trình OCOP, những năm qua, thị xã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, khuyến khích và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức kinh tế, cơ sở sản xuất đầu tư phát triển sản phẩm. Tích cực phối hợp với các cấp, ngành tập huấn kỹ thuật, ứng dụng chuyển đổi số, quảng bá và phát triển sản phẩm OCOP. Năm 2023, thị xã đã phối hợp với Trung tâm tin học và công nghệ số – Cục thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) hỗ trợ 5.000 tem truy xuất hàng chính hãng cho sản phẩm tiêu biểu của địa phương. Tập huấn kỹ năng về giải pháp hệ thống xác thực thông qua mã QR code mang tên Truyxuat.gov.vn nhằm giúp doanh nghiệp, cơ sở sản xuất bảo vệ uy tín, thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm. Đồng thời, giúp cơ quan quản lý nhà nước có dữ liệu giải quyết tranh chấp và bảo vệ người tiêu dùng sử dụng đúng sản phẩm có thương hiệu, nhãn hiệu. Phối hợp với Chi cục quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tập huấn, phổ biến quy định phương thức quản lý, điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản cho 50 người. Phối hợp với các cơ quan chuyên môn của tỉnh đăng ký tham gia các sàn thương mại điện tử như: PostMart.vn, VoSo.vn và Santhuongmaihanam.com.vn để kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, mở rộng thêm các kênh phân phối mới, thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản của địa phương. Lựa chọn các sản phẩm tiêu biểu đặc trưng tham gia triển lãm, giới thiệu sản phẩm tại các gian hàng hội chợ trong và ngoài tỉnh; trưng bày, giới thiệu tại Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn,… Năm 2023, tổng kinh phí từ ngân sách thị xã đầu tư cho các hoạt động của Chương trình OCOP trên địa bàn là 430 triệu đồng.
Theo đánh giá của Phòng Kinh tế thị xã, từ năm 2019 đến năm 2023 số lao động làm việc tại cơ sở sản xuất được công nhận sản phẩm OCOP ở Duy Tiên mỗi năm tăng khoảng 10%, doanh thu tăng từ 10% – 30%. Nhiều sản phẩm OCOP của thị xã được khách hàng ưa chuộng như: sữa tươi thanh trùng, sữa chua, sữa chua nếp cẩm của Công ty cổ phần sữa Hà Nam (Hanamilk) xã Mộc Nam; sữa tươi thanh trùng, sữa chua của trang trại Mục Đồng xã Trác Văn; sữa tươi thanh trùng, sữa chua nếp cẩm của Công ty cổ phần sữa và giống bò sữa Mộc Bắc. Các sản phẩm sữa đáp ứng đầy đủ số lượng cung cấp cho các cửa hàng, hệ thống siêu thị trên toàn quốc như: BigC, Lan Chi, Coopmart, Coopfood, Sevenfood… Tại các trang trại chăn nuôi bò sữa ở Duy Tiên hiện tại đều cam kết thực hiện nghiêm túc “6 không” (không sử dụng cám công nghiệp, không hoocmon tăng trưởng, không thức ăn biến đổi gen, không tồn dư kháng sinh, không thuốc diệt cỏ trong quá trình canh tác, không chất bảo quản và hương liệu).
Cùng với đó, các sản phẩm chế biến từ nông sản như: kẹo sìu châu; ngô nếp tươi; sấu chua ngọt, mứt táo xanh của Chi nhánh Công ty cổ phần thực phẩm Mai Chi (Mộc Nam) luôn đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Ông Phạm Văn Thắng, Giám đốc Chi nhánh Công ty cổ phần thực phẩm Mai Chi cho biết: Hằng năm, đơn vị đều được ngành chức năng của thị xã hỗ trợ, tập huấn kỹ thuật và quảng bá sản phẩm đã giúp cơ sở đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh. Các sản phẩm hiện nay được tiêu thụ ở hệ thống các siêu thị Big C, Lan Chi trên toàn quốc. Mỗi năm cơ sở có thêm từ 2 – 3 sản phẩm đạt hạng từ 3- 4 sao. Quá trình sản xuất đơn vị nghiêm túc thực hiện tốt các quy trình và bảo đảm an toàn thực phẩm từ khâu chế biến đến phân phối, tiêu thụ sản phẩm. Những năm qua, đơn vị duy trì việc làm cho hơn 10 lao động ở địa phương với mức lương bình quân từ 5 – 12 triệu đồng/người/tháng.
Bên cạnh kết quả đạt được, qua đánh giá của ngành chức năng, việc thực hiện chương trình OCOP ở thị xã Duy Tiên hiện còn những hạn chế nhất định. Trước hết, phần lớn nông sản của địa phương là sản phẩm thô, chưa qua sơ chế, quy mô nhỏ, lẻ, manh mún, chưa có đủ thương hiệu, nhãn mác… Thêm nữa, hầu hết các hợp tác xã có quy mô sản xuất nhỏ, phục vụ các khâu dịch vụ nông nghiệp là chủ yếu, chưa có sản phẩm hàng hóa đáp ứng yêu cầu. Đây là chương trình mới, cán bộ làm công tác OCOP các cấp còn thiếu kinh nghiệm, kiến thức dẫn đến lúng túng trong hướng dẫn tổ chức, cá nhân tham gia.
Mặt khác, bộ tiêu chí đánh giá sản phẩm tương đối cao, các chủ thể còn vướng ở khâu làm hồ sơ công nhận, thiếu vốn vay ưu đãi để sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, một số chủ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình chưa quan tâm nhiều đến chương trình, có sản phẩm hết hạn công nhận OCOP nhưng không hoàn thiện hồ sơ đề nghị đánh giá công nhận lại sản phẩm. Do đó, ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện Chương trình OCOP ở mỗi địa phương.
Ông Nguyễn Quý Hùng, Phó Chủ tịch UBND thị xã Duy Tiên cho biết: Khắc phục những hạn chế, thiếu sót, tới đây thị xã tiếp tục tăng cường phối hợp tổ chức các hội nghị, hội thảo, trao đổi kinh nghiệm cho đối tượng là cán bộ quản lý các cấp và chủ thể có sản phẩm tiềm năng, gắn Chương trình OCOP với xây dựng nông thôn mới nâng cao. Thường xuyên rà soát, đánh giá sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp để xây dựng cơ sở dữ liệu, làm nền tảng phát triển sản phẩm OCOP.
Nâng cấp, hoàn thiện sản phẩm được đánh giá cấp 3 sao trở lên để nâng cấp thành sản phẩm OCOP cấp 4-5 sao. Bổ sung tem truy xuất nguồn gốc, xuất xứ, chú trọng cải tiến mẫu mã, chất lượng hàng hóa… Mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng. Hướng dẫn các tổ chức, cá nhân có sản phẩm OCOP được UBND tỉnh đánh giá phân hạng sản phẩm đã hết hiệu lực sớm hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ để trình các cấp đánh giá, phân hạng lại sản phẩm. Năm 2024 thị xã Duy Tiên phấn đấu có thêm từ 5-10 sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao trở lên.
Phùng Thống