Xà Phìn là thôn vùng cao của xã Phương Tiến, nằm lưng chừng trên dãy núi cao Tây Côn Lĩnh. Đây là dãy núi nằm ở phía Tây Hà Giang, trải dài trên hai huyện Hoàng Su Phì và Vị Xuyên. Với độ cao 2.427 m, Tây Côn Lĩnh là một trong những ngọn núi cao nhất Việt Nam, là nóc nhà của núi rừng Đông Bắc. Nơi đây có thảm thực vật phong phú và là đỉnh cao có tiềm năng thế mạnh bậc nhất đối với du lịch trải nghiệm cùng với phát triển một số loại cây thảo dược quý. Dù vậy, Xà Phìn vẫn được người dân ví như “ốc đảo” giữa núi rừng khi giữa trùng điệp núi rừng xuất hiện một bản làng của người Dao với cảnh đẹp nên thơ, mang đủ các đặc trưng của vùng cao Hà Giang. Giữa muôn trùng màu xanh của núi rừng là trập trùng ruộng bậc thang.
Một ngày đầu tháng Bảy, khi trời còn chưa sáng tỏ, sương mù vẫn vương vấn dưới những tán cây gia. Theo lịch hẹn đã hẹn, tôi cùng vị Phó Chủ tịch UBND xã Phương Tiến – Cấn Văn Hiển tham gia một cuộc chinh phục nhỏ dãy Tây Côn Lĩnh mà đích đến hôm nay là thôn Xà Phìn. Người “bạn đồng hành“ cùng tuổi với tôi – Cấn Văn Hiển là người tôi có cơ duyên quen trước đó từ khi anh còn làm công chức ở phòng văn hóa huyện Vị Xuyên. Anh được điều về xã Phương Tiến công tác, tuổi trẻ, nhiệt tình và đặc biệt có đam mê về mảng văn hóa và du lịch.
Trò chuyện trên đường đi, vị Phó Chủ tịch UBND xã cười nói: Xã Phương Tiến nằm cách thành phồ Hà Giang hơn 12km, từ trung tâm xã lên với thôn vùng cao Xà Phìn mất tầm khoàng gần 10km đường núi nữa. Trước đây đường lên thôn khá khó đi, theo chương trình xây dựng nông thôn mới, nhà nước và nhân dân cùng nhau làm đường bê tông nên hiện tại đường lên Xà Phìn thuận lợi cho người dân và khách du lịch đi lại, khám phá.
Tuy đã làm đường bê tông như con đường lên với Xà Phìn vẫn quanh co, khúc khuỷu tạo ấn tượng cho du khách bởi “dốc và dốc”. “Con ngựa sắt” chở chúng tôi gầm gừ vượt dốc, lên tới thôn dường như đã thấm mệt. Ở thành phố Hà Giang nắng nóng là thế mà lên đến Xà Phìn không khí lại trong lành và dịu mát lạ thường. Những thửa ruộng bậc thang uốn lượn quanh những nếp nhà truyền thống luôn là điểm đến không thể bỏ qua trong hành trình khám phá mảnh đất này.
Người dân canh tác trên ruộng bậc thang
Thời điểm chúng tôi lên thăm, đúng và mùa cấy của bà con nơi đây. Toàn xã Phương Tiến có hơn 170 ha lúa, trong đó 4 thôn vùng cao, gồm Xà Phìn, Mào Phìn, Nà Màu và Nặm Tẹ với hơn 79 ha ruộng bậc thang. Ai cũng phải công nhận, Xà Phìn đẹp nhất trong năm vào hai dịp là mùa lúa dát vàng khắp các bậc ruộng màu mỡ và khi những thửa ruộng vào mùa nước đổ. Du khách đến với Xà Phìn mùa nước đổ sẽ cảm nhận thật hơn mùi đồng ruộng, được hít hà mùi xanh cỏ non và cảm nhận vẻ đẹp bình dị của cuộc sống. Ruộng bậc thang là sự kết hợp hoàn hảo giữa vẻ hùng vĩ của núi rừng cùng vẻ đẹp của lao động sáng tạo, trải qua bao đời, bao thế hệ. Sau mỗi mùa nước đổ, người dân lại hối hả chuẩn bị cho một mùa lúa mới, hứa hẹn những cung ruộng bậc thang óng ả mùa vàng.
Xà Phìn hiện 53 hộ sinh sống, 100% là đồng bào dân tộc Dao. Trước đây đường đi khó nên hoạt động giao lưu văn hóa của người dân rất hạn chế, sản phẩm từ nông nghiệp và vật nuôi của bà con làm ra cũng rất khó tiêu thụ, chủ yếu là tự sản, tự tiêu. Nay cuộc sống đã dần đổi thay. Đến với Xà Phìn, du khách cũng sẽ không khỏi ngỡ ngàng trước những ngôi nhà cổ của người Dao và những vườn đào, vườn mận do người dân nơi đây trồng.
Đặc biệt, không thể không nhắc đến những cây chè Shan tuyết cổ thụ được người dân nơi đây nâng niu, chăm sóc. Nơi đây được thiên nhiên ưu đãi, điều kiện điều kiện thổ nhưỡng tốt, khí hậu mát mẻ nên rất thuận lợi để phát triển cây chè, cũng có thể vì vậy mà chè ở đây ngon hơn các nơi khác. Chè Shan tuyết là giống chè quý hiếm, chỉ trồng được ở vùng cao, cây chè cao tới vài mét, có cây tuổi hàng trăm năm. Chè có búp to màu trắng xám, dưới lá có phủ một lớp lông tơ mịn, trắng nên người dân gọi là chè tuyết. Chè Shan tuyết có mùi thơm dịu, nước vàng sánh màu mật ong, rất tốt cho sức khỏe, được coi là đặc sản của tỉnh Hà Giang.
Ở đây người dân trồng chè đều trồng phân tán và xen kẽ giữa các tán rừng cùng với các cây trồng khác chứ không trồng thành vườn, thành lô như ở những vùng chè khác. Chưa ai thống kê cụ thể số lượng diện tích chè Shan tuyết tại Xà Phìn chỉ biết rằng tất cả các hộ người Dao tại đây đều trồng chè Shan tuyết. Nhà ít thì chục cây, nhà nhiều thì vài chục cây lớn bé. Người Xà Phìn trước đây trồng chè chủ yếu để uống, giờ chè Shan tuyết có thương hiệu, được khách hàng ưa chuộng vì chất lượng chè tốt và an toàn do không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Hiện, vùng chè Shan tuyết Xà Phìn đã góp phần giảm nghèo, nâng cao đời sống đồng bào và bên cạnh đó còn mở ra cơ hội phát triển du lịch cho bà con nơi đây.
Tuy là đang mùa hè nhưng ở nơi núi cao này ngày dường như ngắn lại, trời tối nhanh nên chúng tôi phải rời thôn xuống núi. Chiều tà, Xà Phìn lại khoác lên mình một vẻ đẹp khác, mái nhà sàn lợp tranh, khói từ khu bếp của các hộ dân đang chuẩn bị cho bữa cơm tối. Nhắc vậy để biết, dù cuộc sống có nhiều đổi thay nhưng bản sắc văn hóa dân tộc ở vùng đất này vẫn được gìn giữ, phát huy qua nhiều thế hệ. Lớp nền bản sắc sẵn có là tiền đề để chính quyền và người dân địa phương khai thác làm du lịch, bởi xét cho cùng thì du lịch là chuyến hành trình mà mỗi du khách đều mong muốn biết tới và trải nghiệm về bản sắc của một vùng đất, một dân tộc.
Trên hành trình rời Xà Phìn về với thành phố, vị Phó Chủ tịch UBND xã Phương Tiến tâm sự: Xà Phìn hôm nay vẫn giữ được những nét đẹp mộc mạc của một rẻo cao với những cánh rừng bao bọc, dưới lòng thung lũng là những chân ruộng mênh mang ngát hương vào mùa gặt, những ngôi nhà người Dao cổ đơn sơ, mộc mạc… Nếu tiềm năng, thế mạnh về mảnh đất và con người được đánh thức, tin rằng ngay giữa lòng thành phố sầm uất, nhộn nhịp vẫn có một chốn bình yên để du khách ghé thăm. Đó cũng là nền tảng để xã Phương Tiến đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái gắn với xây dựng làng văn hóa du lịch cộng đồng tại thôn Xà Phìn trong thời gian sắp tới.
Lê Hoàn