Hà Giang: Đẩy mạnh “Phát triển du lịch, nông nghiệp đặc trưng hàng hóa chất lượng cao theo chuỗi giá trị”

Đột phá “Phát triển du lịch, nông nghiệp đặc trưng hàng hóa chất lượng cao theo chuỗi giá trị”là 1 trong 3 khâu đột phá chiến lược được Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ 17 xác định và thông qua để tập trung phát triển trong nhiệm kỳ 2020 - 2025. Qua hơn nửa nhiệm kỳ triển khai thực hiện, mặc dù trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức, nhất là giai đoạn ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự tin tưởng, tham gia tích cực của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, ngành du lịch, nông nghiệp tỉnh nhà đã đạt những kết quả đáng khích lệ, luôn khẳng định là bệ đỡ của nền kinh tế, đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội (KT - XH) địa phương.

​ Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ 17, nhiệm kỳ 2020 – 2025

Góp phần triển khai tổ chức thực hiện một cách quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả Nghị quyết 17 Đảng bộ tỉnh; xác định, sự gắn kết giữa du lịch với nông nghiệp là hướng phát triển bền vững, đồng thời khẳng định, đây là hướng đi đúng đắn trong chiến lược phát triển KT – XH của tỉnh giai đoạn tới. Tỉnh Hà Giang đã hiện thực hóa khâu đột phá chiến lược “Phát triển du lịch, nông nghiệp đặc trưng hàng hóa chất lượng cao theo chuỗi giá trị” thông qua việc ban hành nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ phát triển du lịch, nông nghiệp đi vào cuộc sống, như: Nghị quyết số 05 của BCH Đảng bộ tỉnh về “Phát triến kinh tế vườn hộ để tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021 – 2025”; Nghị quyết số 58 của HĐND tỉnh về “Chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế vườn hộ và phát triển bền vững cây cam sành trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2025”; Nghị quyết 17 của BCH Đảng bộ tỉnh về “Phát triển nông nghiệp đặc trưng hàng hóa chất lượng cao theo chuỗi giá trị trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2025”; Nghị quyết số 10 của HĐND tỉnh quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch đến năm 2028 trên địa bàn tỉnh…Cùng với đó, Hà Giang có tiềm năng thế mạnh về điều kiện tự nhiên, khí hậu, thổ nhưỡng, cảnh quan thiên nhiên; bản sắc văn hóa; địa chất, địa mạo, đặc biệt là Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng từng bước được quan tâm đầu tư xây dựng; môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện. Do đó, ngành du lịch có nhiều khởi sắc và tăng trưởng mạnh, ngành nông nghiệp cũng đạt được những thành tựu quan trọng mang tính đột phá, đóng góp vào phát triển KT – XH địa phương.

Du khách cùng Sắc hoa đào muộn trên biên giới Cao Mã Pờ,Quản Bạ, Hà Giang

Công tác truyền thông, xúc tiến, quảng bá giới thiệu văn hóa, các sản phẩm du lịch đặc trưng Hà Giang được đẩy mạnh; Chương trình kích cầu du lịch tỉnh Hà Giang với chủ đề “Hà Giang – An toàn, bản sắc và thân thiện” được triển khai tích cực; Hội nghị gặp mặt các doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch; Chương trình đón những vị khách đầu tiên đến Hà Giang được tổ chức hàng năm; Các sự kiện văn hoá, du lịch thu hút sự quan tâm của nhân dân và du khách trong và ngoài nước như: Lễ hội Văn hóa ẩm thực ba miền Bắc – Trung – Nam; Festival Khèn Mông tỉnh Hà Giang; Đêm Gala “Tinh hoa cực Bắc – Hà Giang chào đón”; Lễ hội Chợ Phong lưu Khâu Vai… Qua đó, lượng khách du lịch đến tỉnh tăng trưởng liên tục qua các năm. Hiện nay, Hà Giang được xếp hạng danh sách các điểm đến du lịch trên các tạp chí và giải thưởng uy tín, trở thành điểm đến thứ 25 trong 52 điểm đến hấp dẫn nhất thế giới do Tạp chí New York Times (Mỹ) bình chọn. Đặc biệt, mới đây du lịch tỉnh Hà Giang được vinh danh điểm đến du lịch mới nổi hàng đầu châu Á (Giải thưởng Du lịch thế giới 2023 (World Travel Awards 2023) khu vực châu Á – châu Đại Dương)

Mặc dù ảnh hưởng của dịch bệnh Covid – 19 trong năm 2020, du lịch vẫn cán đích 1,5 triệu lượt khách, đạt mục tiêu Nghị quyết. Tăng trưởng du lịch bình quân đạt 16%/năm; khách du lịch tăng bình quân 15%/năm; năm 2022, lượng khách du lịch đến với Hà Giang đạt 2.268.000 lượt, trong đó 70% lượt khách du lịch đến với CVĐC, doanh thu du lịch dịch vụ đạt 4.536 tỷ đồng; chỉ riêng 8 tháng đầu năm 2023, Hà Giang đã đón 1.901.700 lượt khách, trong đó có 1.713.620 lượt khách nội địa và 188.080 lượt khách quốc tế. Tổng doanh thu du lịch ước đạt 3.908 tỷ đồng. Ước thực hiện giai đoạn 2021-2023, Hà Giang đón 3 triệu lượt khách du lịch, tăng 140% so với năm 2020, đạt 100% kế hoạch, tổng doanh thu du lịch đạt 4.536 tỷ đồng. Kết quả đạt được là sự ghi nhận những nỗ lực của tỉnh nhà trong việc xây dựng hình ảnh, thương hiệu, phát triển đúng hướng, bền vững. Đồng thời là động lực để tỉnh tiếp tục phát huy tiềm năng, thế mạnh, danh hiệu, thành quả đạt được, từng bước nâng tầm, khẳng định vị trí của địa phương trên bản đồ du lịch khu vực và quốc tế.

Mật ong bạc hà – sản phẩm OCOP, sản vật Cao nguyên đá Hà Giang

Ngành nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò là trụ đỡ cho nền kinh tế, đóng góp 32% cơ cấu kinh tế của tỉnh. Đặc biệt, đến nay toàn tỉnh đã có 270 sản phẩm được cấp Giấy chứng nhận, trong đó có 229 sản phẩm 3 sao, 39 sản phẩm 4 sao và 02 sản phẩm 5 sao cấp quốc gia; nhiều sản phẩm đặc trưng có giá trị như: Cam sành Hà Giang, Mật ong Bạc Hà và Trà Shan tuyết cổ thụ,…được đánh giá 5 sao Quốc gia, đạt giải Vàng Cuộc thi Trà quốc tế, có mặt trong chuỗi siêu thị Vinmart; 4 đặc sản Hà Giang lọt Top 100 món ăn đặc sản và top 100 quà tặng Việt Nam gồm: Mật ong Bạc Hà, Chè Shan Tuyết, Cháo Ấu tẩu và Mèn mén. Chương trình OCOP đã tạo tín hiệu tích cực, trở thành động lực để phát triển kinh tế vùng nông thôn, tạo ra những sản phẩm theo chuỗi giá trị, góp nâng cao thu nhập, phục vụ hiệu quả cho Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Có thể khẳng định, trong những năm qua, ngành du lịch, nông nghiệp đã có đóng góp rất lớn cho nền kinh tế của tỉnh. Tuy nhiên, kết quả đạt được chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Do đó, để hoàn thành thắng lợi mục tiêu đột phá chiến lược “Phát triển du lịch, nông nghiệp đặc trưng hàng hóa chất lượng cao theo chuỗi giá trị” theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 17 đã đề ra, phát triển nông nghiệp “Nông nghiệp phát triển – Nông dân giàu có – Nông thôn văn minh”. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất ngành nông lâm nghiệp, thủy sản bình quân 5,5%/năm. Xác định đến năm 2025, du lịch trở thành ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh, đóng góp 10,34 giá trị du lịch vào tổng sản phẩm trên địa bàn, phấn đấu đến năm 2030 thu hút 5 triệu lượt khách, tổng thu ước đạt trên 20 nghìn tỷ đồng.

Tỉnh Hà Giang tiếp tục giữ vững quan điểm, phát triển các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng chất lượng cao theo chuỗi giá trị, nâng cao tính cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước, hướng tới các thị trường xuất khẩu. Xác định phát triển du lịch là nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá, phấn đấu đưa ngành du lịch, nông nghiệp phát triển bền vững, góp phần đưa tỉnh Hà Giang trở thành tỉnh có nền KT – XH phát triển khá trong khu vực miền núi phía bắc.

Để đạt được mục tiêu đề ra, thời gian nửa nhiệm kỳ còn lại, tỉnh Hà Giang tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phát triển du lịch cho tổ chức, cá nhân, cán bộ Đảng viên, các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp và cộng đồng; nâng cao ý thức bảo vệ cảnh quan môi trường thiên nhiên xanh – sạch – đẹp, văn minh, thân thiện, an toàn tại các khu, điểm du lịch. Phát triển sản phẩm du lịch phong phú, đa dạng có tính cạnh tranh cao dựa trên tiềm năng, lợi thế của địa phương, đặc biệt là những sản phẩm đặc trưng riêng có của Hà Giang. Đẩy mạnh phát triển các loại hình du lịch như: Du lịch Sinh thái, Lễ hội, Ẩm thực, chú trọng phát triển loại hình du lịch nông nghiệp.Nghiên cứu xây dựng thêm cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển du lịch, nâng cao chất lượng hoạt động xúc tiến, đầu tư quảng bá du lịch. Tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt tập trung bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ, trình độ ngoại ngữ cho đội ngũ hướng dẫn viên du lịch, nhất là các địa bàn trọng điểm thu hút nhiều khách quốc tế. Quan tâm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, trùng tu các di tích lịch sử văn hóa địa phương. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, xúc tiến đầu tư, quảng bá tiềm năng du lịch. Phát huy hiệu quả của truyền thông, mạng xã hội để tăng cường quảng bá du lịch. Đẩy mạnh quảng bá, phát triển du lịch trên cơ sở chuyển đổi số. Tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng du lịch đồng bộ tại các vùng trọng điểm như: Công viên ĐCTCCNĐ Đồng Văn, di tích Quốc gia ruộng bậc thang Hoàng Su Phì, một số điểm du lịch tâm linh, lịch sử Nghĩa Trang Liệt sĩ Quốc gia huyện Vị Xuyên, Căng Bắc Mê…Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vì xác định giao thông là “huyết mạch” của nền kinh tế. Ngoài ra, tỉnh Hà Giang cũng tập trung mời gọi, thu hút đầu tư phát triển hệ thống nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi giải trí cao cấp. Nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch…

Về phát triển nông nghiệp, tỉnh Hà Giang tập trung phát triển theo chuỗi giá trị đối với những nhóm sản phẩm nông nghiệp đặc trưng. Đẩy mạnh ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật từ khâu sản xuất đến tiêu thụ. Chú trọng xây dựng thương hiệu sản phẩm hướng tới các thị trường trong nước và các thị trường xuất khẩu. Hình thành các vùng liên kết sản xuất tập trung theo chuỗi giá trị. Tiếp tục tìm kiếm, quảng bá, xúc tiến, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm đặc trưng của tỉnh bằng nhiều kênh thông tin khác nhau, đặc biệt cần phát huy hiệu quả sàn giao dịch thương mại điện tử. Tiếp tục triển khai thực hiện cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân, doanh nghiệp biết tiếp cận như: Nghị quyết 58 của HĐND tỉnh về chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế vườn hộ ; Nghị quyết 05 về cải tạo vườn tạp của BCH Đảng bộ tỉnh…

Tin tưởng, với sự thống nhất thông suốt từ tư tưởng đến hành động; sự quyết tâm vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, người dân, doanh nghiệp, ngành du lịch, nông nghiệp sẽ phát triển bền vững, xứng tầm với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, góp phần hoàn thành thắng lợi mục tiêu đột phá chiến lược “Phát triển du lịch, nông nghiệp đặc trưng hàng hóa chất lượng cao theo chuỗi giá trị” theo tinh thần Nghị quyết 17 Đảng bộ tỉnh đề ra.​

Tác giả: Hồng Minh

Cổng thông tin điện tử tỉnh Hà Giang – hagiang.gov.vn