Gỡ khó để du lịch nông nghiệp Bạc Liêu phát triển

Theo lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu, ngành Du lịch là một trong 5 trụ cột phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Hiện nay, loại hình du lịch nông nghiệp, nông thôn, hướng đến thiên nhiên, trải nghiệm văn hóa bản địa được du khách ưu tiên lựa chọn để tham tham quan. Tuy nhiên, loại hình này còn trùng lắp, đơn điệu và manh mún… cần gỡ khó để phát triển.

Doanh thu khoảng 3.850 tỷ đồng

Bạc Liêu là một trong những tỉnh có tiềm năng, lợi thế về phát triển du lịch. Hiện nay, tỉnh có 11/43 điểm du lịch tiêu biểu được Hiệp hội Du lịch Đồng bằng Sông Cửu Long công nhận (nhiều nhất so với các tỉnh, thành phố trong khu vực ĐBSCL). Trong đó, có 9 điểm du lịch trên địa bàn TP. Bạc Liêu. Tỉnh có nhiều sản phẩm du lịch nổi tiếng như: sản phẩm du lịch văn hóa gắn với giá trị đặc sắc của Bản Dạ cổ hoài lang; nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ; sản phẩm du lịch gắn liền với thương hiệu Công tử Bạc Liêu; sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh…


Chùa Xiêm Cán được công nhận là điểm du lịch tiêu biểu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Hiện nay, loại hình du lịch nông nghiệp – nông thôn, hướng đến thiên nhiên, trải nghiệm văn hóa bản địa nơi đến đang là xu thế tìm kiếm hàng đầu của du khách. Vì thế, các sản phẩm du lịch nông nghiệp truyền thống, du lịch sinh thái vườn, du lịch cộng đồng thông qua sự cộng hưởng, giao thoa về văn hóa, kiến trúc, tín ngưỡng và lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc đang được ngành tỉnh chú trọng xây dựng và phát triển.

Bên cạnh đó, với 56km đường bờ biển trải dài từ địa bàn giáp ranh với tỉnh Sóc Trăng đến cửa biển Gành Hào, huyện Đông Hải với hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển vô cùng đa dạng, đặc sắc, mang nét đặc trưng riêng của địa phương nên Bạc Liêu hội đủ điều kiện, tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái gắn với các sản phẩm du lịch nông nghiệp hấp dẫn.

Đáng chú ý, Bạc Liêu đã triển khai thực hiện hoàn thành giai đoạn I của Đề án bảo tồn nhãn cổ gắn với phát triển du lịch với tổng số 1.110 gốc nhãn thuộc sở hữu của 48 hộ dân trên địa bàn xã Hiệp Thành và xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu, với diện tích trên 50 ha. Điểm nổi bật ở nơi đây là những vườn nhãn với nhiều gốc nhãn cổ thụ, có cây lên đến hàng trăm năm tuổi. Thêm vào đó là một khung cảnh đồng quê đặc trưng cho nông thôn vùng ĐBSCL tạo thành một không gian sinh thái nông nghiệp hấp dẫn có thể tổ chức các hoạt động du lịch đa dạng như nghỉ cuối tuần, văn hóa, sinh thái, ẩm thực…

Hàng năm, lượng du khách tăng trung bình khoảng 15%, tổng doanh thu từ loại hình kinh doanh này tăng trung bình khoảng 20% mỗi năm. Dịch vụ du lịch ngày càng phong phú, đa dạng hơn, tạo ra nhiều sản phẩm du lịch có thương hiệu trong khu vực và cả nước. Riêng năm 2023, du lịch Bạc Liêu đón tiếp khoảng 4,2 triệu lượt khách, với tổng doanh thu khoảng 3.850 tỷ đồng, xếp thứ 4 trong vùng ĐBSCL. Du lịch phát triển đã góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thu hút đầu tư, giải quyết việc làm và cải thiện đời sống người dân. Địa phương có tiềm năng rất lớn trong phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn.

Ông Phan Thanh Duy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết, hiện nay, loại hình du lịch nông nghiệp, nông thôn, hướng đến thiên nhiên, trải nghiệm văn hóa bản địa đang là xu thế tìm kiếm hàng đầu của du khách. Vì thế, các sản phẩm du lịch nông nghiệp truyền thống, du lịch sinh thái vườn, du lịch cộng đồng thông qua sự cộng hưởng, giao thoa về văn hóa, kiến trúc, tín ngưỡng và lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc để du khách tham quan, trải nghiệm, đang được ngành du lịch Bạc Liêu chú trọng xây dựng và phát triển. Tuy nhiên, loại hình này đa phần chỉ dừng lại ở mức độ tự phát nên các sản phẩm còn trùng lắp, đơn điệu và manh mún…


Du lịch nông nghiệp, nông thôn ở Bạc Liêu phát triển phong phú và đa dạng.

Về vấn đề này, bà Trần Thị Lan Phương, Giám Đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu cho biết, hiện nay, du lịch nông thôn của tỉnh còn nhiều khó khăn, hạ tầng kinh tế chưa phát triển tương xứng, nhận thức của người dân còn hạn chế. Tại Hội thảo “Định hướng phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới tỉnh Bạc Liêu”, mong muốn các đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi, bàn bạc và đưa ra nhiều giải pháp hay, hữu hiệu nhằm định hướng phát triển du lịch nông thôn của tỉnh Bạc Liêu trong thời gian tới. Đồng thời, các chuyên gia du lịch cũng khẳng định tiềm năng phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh rất phong phú và đa dạng. Đây là những định hướng quan trọng để Bạc Liêu xây dựng kế hoạch khai thác tiềm năng và phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thời gian tới.

Triển khai các giải pháp

Tiến sỹ Trương Thu Trang, Phó Trưởng phòng Quản lý khoa học và Hợp tác quốc tế, Trường Đại học Bạc Liêu đánh giá, Bạc Liêu có tiềm năng lớn về du lịch nông nghiệp, nông thôn. Để phát huy tiềm năng này, nguồn nhân lực du lịch có vai trò quan trọng, quyết định lớn đến sự thành công trong xây dựng và phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn. Tại Bạc Liêu, một số lãnh đạo quản lý từ tỉnh đến các địa phương, xã phường tuy hiểu về du lịch nhưng vẫn cần bồi dưỡng thêm về du lịch nông thôn để chỉ đạo, điều hành được sâu sát, hiệu quả hơn.

Thêm vào đó, một số giám đốc công ty du lịch, kể cả một số công ty làm lữ hành cũng chưa được đào tạo qua về du lịch. Do đó, Bạc Liêu muốn phát triển du lịch theo hướng bền vững cần đầu tư, chuyên môn hóa đội ngũ quản lý từ cấp tỉnh đến phường, xã. Khi cơ cấu, thay thế các chức danh quản lý trong chuyên ngành này cần chọn người giỏi về chuyên môn; nếu chưa có chuyên môn cần được bồi dưỡng, bổ sung kiến thức và thực tiễn chuyên ngành.


Làng nghề đan đát tại huyện Hồng Dân vừa tạo ra sản phẩm OCOP vừa mang tính văn hóa cộng đồng và trở thành điểm du lịch của tỉnh Bạc Liêu.

Theo lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu, hiện tỉnh có 11 điểm du lịch tiêu biểu được Hiệp hội Du lịch ĐBSCL công nhận. Địa phương đang tập trung nghiên cứu, phát triển thêm các loại hình du lịch nông nghiệp – nông thôn, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng thông qua sự cộng hưởng, giao thoa về văn hóa, kiến trúc, tín ngưỡng và lễ hội truyền thống cộng đồng giữa 3 dân tộc Kinh – Hoa – Khmer, từ đó tạo ra sự đa dạng về sản phẩm du lịch, ngày càng thu hút nhiều hơn du khách đến Bạc Liêu tham quan, trải nghiệm.

Bên cạnh những tiềm năng và thế mạnh về du lịch, các sản phẩm OCOP phục vụ cho nhu cầu mua sắm làm quà tặng là yếu tố quan trọng trong việc thúc đẩy du lịch phát triển. Toàn tỉnh Bạc Liêu hiện có 131 sản phẩm OCOP (có 33 sản phẩm đạt hạng 4 sao và 98 sản phẩm đạt hạng 3 sao) được các chủ thể không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng, tạo mẫu mã đa dạng, kịp thời đáp ứng các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng tốt hơn về yêu cầu và thị hiếu của du khách.

Theo Sở Văn hóa, thể thao và du lịch, việc tổ chức không gian trình diễn các làng nghề truyền thống chính là cơ hội cho các địa phương trong tỉnh giao lưu học tập, trao đổi kinh nghiệm để thực hiện hiệu quả công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa mà Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Những đặc sản từ nét đẹp các làng nghề, những màn trình diễn nghệ thuật truyền thống, những sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu mà mỗi huyện, thị xã, thành phố mang đến còn có ý nghĩa đặc biệt trong nhiệm vụ gắn việc phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể với phát triển du lịch, thúc đẩy liên kết vùng trong hợp tác phát triển du lịch.


Một điểm du lịch sinh thái ở thành phố Bạc Liêu.

Bên cạnh đó, hội thi ẩm thực về đặc sản nông nghiệp sẽ giới thiệu với du khách trong và ngoài tỉnh nét văn hóa ẩm thực đa dạng phong phú của tỉnh với các món ăn đặc sắc, độc đáo, mang đậm hương vị của vùng đất Bạc Liêu. Đây cũng là dịp để các nghệ nhân trao đổi kinh nghiệm và nâng cao nhận thức đối với các đơn vị kinh doanh và dịch vụ ăn uống, nhằm đảm bảo chất lượng dịch vụ và hiệu quả kinh doanh.

Đặc biệt, để phát triển có hiệu quả du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, kiến thức, hành động cho cấp ủy, chính quyền, cán bộ; tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch, người dân, cộng đồng và khách du lịch. Trong đó, chú trọng quy hoạch phát triển du lịch nông nghiệp gắn với chính sách xây dựng nông thôn mới trên cơ sở khảo sát toàn diện thực trạng phát triển các mô hình du lịch nông thôn hiện có, xây dựng bản đồ du lịch với các tour, tuyến, điểm du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa và bảo vệ môi trường nông thôn, các đơn vị, doanh nghiệp, làng nghề sản xuất sản phẩm OCOP tiêu biểu.

Tổ chức các sự kiện, lễ hội, diễn đàn giới thiệu và kết nối du lịch nông thôn, nông nghiệp; lồng ghép giới thiệu sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn tại các sự kiện quảng bá du lịch, các chương trình kết nối nông sản và chương trình OCOP.

Ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết, thời gian tới, Bạc Liêu đã xác định du lịch là một trong 5 trụ cột phát triển kinh tế – xã hội, hướng đến mục tiêu trở thành một trong những trung tâm du lịch của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, đồng thời, quyết tâm xây dựng thành phố Bạc Liêu trở thành khu du lịch quốc gia, thành phố xanh, sạch, đẹp, văn minh. Bên cạnh những tiềm năng và thế mạnh về du lịch, thì các sản phẩm OCOP phục vụ cho nhu cầu mua sắm làm quà tặng của du khách cũng là yếu tố quan trọng thúc đẩy du lịch phát triển.

Hoàng Văn (tổng hợp)
Tạp chí Kinh tế Nông thôn – kinhtenongthon.vn