Kết nối cung cầu
Ngày 23 và 24/01 vừa qua, UBND xã Chư Răng tổ chức Hội chợ nông sản, thực phẩm an toàn với sự tham gia của 13 gian hàng. Ngoài 2 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP gồm yến sào Sơn Đông và yến sào An Tuệ, các chủ thể mang đến hội chợ nhiều sản phẩm đặc trưng của địa phương như: đông trùng hạ thảo, rượu cần, rượu nếp, trứng gia cầm, trái cây qua sơ chế, tinh bột nghệ, muối kiến, muối cỏ thơm, rau củ quả các loại và một số thực phẩm mang hương vị Tết như bánh chưng, bánh tét, mứt…
Chị Nguyễn Thị Hảo (thôn Bình Tây) cho hay: Cách đây 5 năm, nhận thấy địa phương có nguồn nguyên liệu dồi dào nên chị bắt tay sản xuất tinh bột nghệ, dầu mè, dầu dừa, chuối sấy vừa phục vụ nhu cầu gia đình, vừa cung cấp ra thị trường.
“Đây là lần đầu tiên tôi tham gia hội chợ. Tôi hy vọng quảng bá được sản phẩm tới đông đảo người tiêu dùng, từ đó tạo điều kiện để gia đình mở rộng sản xuất” – chị Hảo kỳ vọng.
Người dân tham quan, mua sắm tại Hội chợ nông sản, thực phẩm an toàn xã Chư Răng. Ảnh: V.C
Trong khi đó, sau hơn 2 năm đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh, sản phẩm yến sào Sơn Đông đã được đông đảo người tiêu dùng biết đến. Với khoảng 3 kg tổ yến/tháng thu hoạch được, cơ sở thu về hơn 50 triệu đồng.
Chị Hà Thị Đông-Chủ cơ sở-chia sẻ: “Mỗi khi địa phương tổ chức các phiên chợ nông sản an toàn hay chương trình xúc tiến thương mại, tôi đều đăng ký tham gia. Với tôi, đây là cách giới thiệu hiệu quả nhất các sản phẩm đến với người tiêu dùng”.
Đến với Hội chợ nông sản, thực phẩm an toàn xã Chư Răng, chị Nguyễn Thị Lý (thôn Bình Hòa) bộc bạch: “Không chỉ được xem văn nghệ, tham quan mà tôi còn mua được nhiều loại thực phẩm sạch với giá ưu đãi do chính người dân địa phương làm ra. Hy vọng những chương trình như thế này sẽ được tổ chức thường xuyên hơn”.
Trước đó, vào cuối tháng 12-2023, UBND xã Pờ Tó cũng tổ chức Hội chợ nông sản, thực phẩm an toàn. Tham gia hội chợ có 8 gian hàng, trong đó, các sản phẩm trái cây của địa phương chiếm ưu thế, được người tiêu dùng đánh giá cao.
Anh Nguyễn Văn Thích (thôn 5) bộc bạch: “Gia đình trồng 5 ha cây ăn quả, chủ yếu là xoài cát Hòa Lộc. Để đảm bảo nguồn trái cây sạch cung cấp cho thị trường, gia đình sử dụng phân bón hữu cơ và các chế phẩm sinh học. Vườn cây đã cho thu hoạch 2 năm nay, mang lại lợi nhuận 500-700 triệu đồng/năm.
Dịp Tết này, gia đình ước thu hoạch khoảng 15-20 tấn xoài. Đến với hội chợ, tôi mong muốn mở rộng thị trường tiêu thụ, tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm trái cây sạch”.
Thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội địa phương
Là vùng đất giàu tiềm năng để phát triển sản xuất nông nghiệp, tuy nhiên, các sản phẩm đặc trưng mang thương hiệu Ia Pa hiện chưa nhiều. Toàn huyện mới chỉ có 5 sản phẩm OCOP gồm yến sào Sơn Đông, yến sào An Tuệ (xã Chư Răng), gạo TBR97, bưởi da xanh Hoan Bình (xã Pờ Tó) và ổi lê Hải Hưng (xã Ia Ma Rơn).
Với mục đích quảng bá nông sản sạch của địa phương đến với người tiêu dùng, qua đó, thúc đẩy Chương trình OCOP phát triển, thời gian qua, các xã tích cực tổ chức hội chợ nông sản, thực phẩm an toàn. Hội chợ đã thu hút sự tham gia của các chủ thể và được người tiêu dùng quan tâm.
Ông Đặng Xuân Cường-Chủ tịch UBND xã Pờ Tó-cho biết: Với 830 ha lúa và 218 ha cây ăn quả, xã hiện có 2 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh.
Thời gian tới, xã tiếp tục tuyên truyền, khuyến khích người dân sản xuất nông sản sạch, liên kết theo hướng sản xuất hàng hóa, tạo bước đi vững chắc cho nông sản địa phương. Dự kiến năm 2024, xã đăng ký tham gia Chương trình OCOP với sản phẩm yến sào và các loại trái cây khác.
Các đại biểu cắt băng khai mạc Hội chợ nông sản, thực phẩm an toàn xã Chư Răng năm 2024. Ảnh: Vũ Chi
Ông Ksor Suy-Phó Chủ tịch UBND huyện Ia Pa-thông tin: Song song với các phiên chợ nông sản do huyện tổ chức hay chương trình xúc tiến thương mại của tỉnh, hội chợ nông sản, thực phẩm an toàn được tổ chức tại các xã là hoạt động rất thiết thực, đánh thức tiềm năng, lợi thế trong phát triển nông nghiệp, nông thôn của địa phương.
Hy vọng khi tổ chức các hội chợ nông sản, thực phẩm an toàn, các địa phương sẽ liên kết với nhau, tăng thêm gian hàng của các xã lân cận cũng như tuyên truyền, hướng dẫn người dân mở rộng kênh bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội.
Việc này tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hợp tác xã cũng như bà con trên địa bàn quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm đặc trưng, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội địa phương.
Vũ Chi
Báo Gia Lai – baogialai.com.vn