Gia Lai: Đưa rượu cần Jrai vươn xa

Rượu cần của đồng bào Jrai đã trở thành nét văn hóa đặc trưng và không thể thiếu trong các lễ hội của buôn làng. Với mong muốn đưa rượu cần Jrai vươn xa hơn, chị Nay H’Tó (buôn Phu Ama Miơng, xã Ia Rtô, thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) đã nỗ lực tìm tòi, sáng tạo để làm ra những bình rượu cần thơm ngon, được người tiêu dùng đón nhận. Sản phẩm “Rượu cần Jrai” của chị đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao năm 2023.

 

Theo chị H’Tó, để có được 1 bình rượu cần ngon thì khâu chuẩn bị và sơ chế nguyên liệu là hết sức quan trọng. Men ủ rượu được lấy từ các loại rễ cây trong rừng, gạo nếp được nấu kỹ để nguội sau đó đem trộn với men tự nhiên theo tỷ lệ phù hợp, bỏ vào ché đậy kín để lên men trong khoảng 20-30 ngày là sử dụng được.

Cũng theo chị HTó, mỗi vùng miền đều có cách làm rượu cần với hương vị đặc trưng. Rượu cần do chị làm ra có vị ngọt, đắng nhẹ, cả nam và nữ đều có thể sử dụng được. “Hầu hết các gia đình Jrai đều có rượu cần. Đã là phụ nữ Jrai thì ai cũng phải biết nấu rượu cần”-chị HTó chia sẻ.

Ngoài rượu cần, chị Nay HT'ó (bìa trái) còn làm thêm muối kiến vàng, thịt heo gác bếp để bán. Ảnh: N.S

Ngoài rượu cần, chị Nay HT’ó (bìa trái) còn làm thêm muối kiến vàng, thịt heo gác bếp để bán.Ảnh: N.S

Để đáp ứng nhu cầu thị trường, ngoài chú trọng về chất lượng, chị HTó cũng rất quan tâm đến mẫu mã; từ ché rượu, bao bì, nhãn mác đến cần vít rượu đều gần gũi với thiên nhiên, thân thiện với môi trường, mang đậm nét văn hóa Tây Nguyên. Trên sản phẩm còn có mã QR để truy xuất nguồn gốc, các chứng nhận về an toàn vệ sinh thực phẩm. Từ việc chỉ nấu rượu cung cấp cho các buôn làng mỗi khi có lễ hội, hiện nay, sản phẩm rượu cần của chị HTó đã được nhiều người từ các vùng miền khác nhau biết đến. Để quảng bá sản phẩm, ngoài bán hàng theo phương thức truyền thống, chị HTó còn lập Fanpage “Rượu Cần Jrai AyunPa” để đưa sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng.

Chị H’Tó cho biết thêm: “Mình lập các trang Facebook, Zalo và Fanpage “Rượu Cần Jrai AyunPa” để bán hàng. Ngày nào mình cũng đăng bài, cũng có khi livestream quá trình làm rượu cần để khách hàng hiểu rõ hơn về sản phẩm. Đặc biệt, từ khi đạt chứng nhận OCOP 3 sao, người tiêu dùng càng tin dùng hơn, nhiều người ở Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh cũng liên hệ đặt hàng”.

Để đa dạng sản phẩm, ngoài rượu cần, chị còn làm thêm thịt heo gác bếp, muối kiến vàng bán kèm theo. Đặc biệt, trên mỗi sản phẩm đều có hướng dẫn cách sử dụng. Không chỉ vậy, chị còn nhiệt tình giải đáp mọi thắc mắc của khách hàng. Mỗi tháng, chị HTó bán khoảng 200-300 ché rượu cần. Nhằm giúp sản phẩm “Rượu cần Jrai” ngày càng phát triển và được nhiều người biết đến, chính quyền địa phương cũng đã quan tâm tạo điều kiện để chị đưa sản phẩm tham gia tại các hội chợ, triển lãm.

Ông Lê Ngọc Long-Chủ tịch UBND xã Ia Rtô-cho biết: “Rượu cần Jrai là sản phẩm OCOP đầu tiên của xã. Không chỉ góp phần giữ gìn nghề truyền thống của dân tộc, “Rượu cần Jrai” còn giúp cho hộ dân phát triển kinh tế. Hy vọng sản phẩm này sẽ được người tiêu dùng biết đến ngày một nhiều hơn”.