Gia Lai đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng

Gần đây, Gia Lai nổi lên là một trong những điểm đến du lịch mới, hấp dẫn hàng đầu tại khu vực Tây Nguyên. Trong 6 tháng đầu năm 2024, Gia Lai đón khoảng 765.000 lượt khách, tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 58% kế hoạch cả năm; trong đó có 758.600 lượt khách nội địa và 6.400 lượt khách quốc tế; tổng thu từ hoạt động du lịch khoảng 465 tỷ đồng.
Người Ba Na thị trấn Kbang giữ gìn nghề đan truyền thống.

Hướng đến mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế xanh, bền vững, đưa Gia Lai trở thành điểm đến hấp dẫn của Tây Nguyên, tỉnh Gia Lai đã ban hành kế hoạch phát triển du lịch cộng đồng đến năm 2030, với mục tiêu đề ra là: Phát triển du lịch cộng đồng dựa trên cơ sở vận dụng, khai thác, phát huy tối đa và có hiệu quả về lợi thế từ nguồn tài nguyên thiên nhiên bản địa, nét văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số tại Gia Lai, tiêu biểu là dân tộc Ba Na và Gia Rai; kết hợp khai thác môi trường cảnh quan của khu vực nông thôn, tạo thành sản phẩm, dịch vụ du lịch phục vụ và thu hút du khách trong và ngoài nước đến Gia Lai ngày càng nhiều hơn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, hỗ trợ sinh kế cho người dân ở khu vực nông thôn.

Tiềm năng phong phú

Thiên nhiên đã ưu đãi cho mảnh đất Gia Lai tiềm năng du lịch sinh thái phong phú đầy hấp dẫn với cảnh quan thiên nhiên quyến rũ, những khu rừng nguyên sinh với hệ động thực vật đa dạng, những ngọn thác hùng vĩ, những dòng sông quanh co chảy xiết và những hồ nước mênh mông phẳng lặng. Gia Lai còn là cái nôi của nhiều nền văn hóa lâu đời như Ba Na và Gia Rai thể hiện qua các di chỉ khảo cổ, qua văn hóa nhà rông, nhà sàn, nhà mồ, tượng nhà mồ và các lễ hội truyền thống cồng chiêng, đâm trâu… được bảo tồn đậm đà bản sắc cho đến ngày nay.

Tỉnh Gia Lai xác định, thực hiện tốt công tác quy hoạch, định hướng phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh, huy động mọi nguồn lực đầu tư cho phát triển du lịch, trong đó phát huy vai trò cộng đồng địa phương trong phát triển du lịch bền vững; tăng cường sự tương tác trải nghiệm, tìm hiểu về văn hóa, phong tục, tập quán, sinh hoạt của người dân đối với Tây Nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng.

Lựa chọn một số làng đồng bào dân tộc thiểu số bảo đảm các điều kiện phát triển du lịch cộng đồng về hiện trạng sẵn có như: Nhà rông, nhà sàn, các lễ hội, ngành nghề truyền thống, ẩm thực, đặc sản địa phương. Trước mắt hoàn thành xây dựng các hạng mục và vận hành “Mô hình phát triển sản phẩm OCOP về du lịch cộng đồng làng Mơ Hra, xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang” đến hết năm 2025; tiếp tục hỗ trợ đầu tư cho “Mô hình du lịch nông thôn Làng STơr, xã Tơ Tung, huyện Kbang” đến năm 2025 và những năm tiếp theo. Đồng thời, phát triển mô hình, điểm du lịch nông thôn bền vững đối với các điểm du lịch đang khai thác nhưng chưa hoàn thiện dịch vụ ở một số làng trọng điểm của các địa phương gồm, thành phố Pleiku: Làng Ốp (phường Hoa Lư), làng Ia Nueng (xã Biển Hồ), làng Wâu (xã Chư Á), làng Teng 1 (xã Tân Sơn); huyện Chư Păh: Làng Kép, làng Al (xã Ia Mơ Nông), làng Ia Gri (xã Chư Đang Ya); huyện Mang Yang: Làng Đê Kjêng (xã Ayun), làng Pyầu (xã Lơ Pang), làng Đê Kôn (xã Hra).

Đòn bẩy phát triển du lịch cộng đồng

Phục dựng lễ hội được ngành văn hóa tỉnh Gia Lai xác định là yếu tố quan trọng để định hình các sản phẩm du lịch, là “đòn bẩy” để phát triển du lịch cộng đồng. Với ý nghĩa đó, hoạt động phục dựng được ngành văn hóa Gia Lai thực hiện trong 5 năm qua đã hồi sinh hàng chục lễ hội đặc sắc trước nguy cơ mai một, biến mất trong đời sống cộng đồng.

Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San đã phục dựng hàng chục lễ hội khác nhau của người Ba Na, Gia Rai ở nhiều địa phương trong tỉnh. Những lễ hội đã được Nhà hát phục dựng như: Lễ cúng bến nước, lễ cúng giọt nước, lễ cúng cầu mưa, lễ mừng lúa mới (của người Ba Na, Jrai), lễ cúng nhà rông mới, lễ cúng năm mới của đồng bào Ba Na, lễ bơ jrao (nghi lễ nông nghiệp diệt sâu bệnh cho mùa màng bội thu) của người Jrai. Một số địa phương trong tỉnh cũng dành nguồn lực cho hoạt động phục dựng, khuyến khích cộng đồng bảo tồn di sản cha ông như các huyện: Đak Đoa, Đak Pơ, Kbang…

Trong đó, huyện Đak Đoa tổ chức phục dựng nhiều nghi lễ đặc trưng của dân tộc Ba Na và Gia Rai sinh sống trên địa bàn như: lễ mừng lúa mới của người Ba Na ở làng Đak Mong (xã Đak Krong), làng TulĐoa (xã Đak Sơ Mei); lễ cúng giọt nước của người Gia Rai làng Bông (xã Hà Bầu). Gần đây nhất, huyện tổ chức phục dựng lễ cầu mưa của người Ba Na ở làng Hnap, xã Kdang.

Cùng với việc phục dựng các lễ hội của các dân tộc tại chỗ, đầu năm 2024, huyện Đak Pơ còn tổ chức phục dựng lễ hội Gầu Tào (lễ hội mùa xuân) của người H’Mông (xã Ya Hội). Sau gần 40 năm định cư trên vùng đất mới, lễ hội truyền thống của cộng đồng dân tộc H’Mông được tái hiện, góp phần làm phong phú thêm hệ thống lễ hội gắn với các dân tộc thiểu số trên vùng đất Gia Lai.

Những tín hiệu tích cực

Mới đây, lần đầu tiên Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Gia Lai phối hợp với Trường cao đẳng Gia Lai tổ chức Hội thi hướng dẫn viên du lịch dành cho người dân tộc thiểu số năm 2024. Từ những nghệ nhân trước đây chỉ biết đan lát, dệt vải, những người nông dân chân chất, thật thà, họ đã được hướng dẫn, đào tạo trở thành hướng dẫn viên có thể thuyết minh trước du khách bằng niềm tự hào dân tộc, bằng tình yêu tha thiết với buôn làng, yêu văn hóa bản địa.

17 thí sinh đến từ các làng Ba Na, Gia Rai nằm trong kế hoạch phát triển du lịch cộng đồng của tỉnh đã mang đến hội thi những màn trình diễn thú vị. Họ giới thiệu di tích văn hóa-lịch sử, di sản thiên nhiên nơi mình sinh sống như: Danh thắng Biển Hồ, Vườn quốc gia Kon Ka Kinh, làng kháng chiến Stơr… Những giá trị của di sản văn hóa thế giới “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”, nghề dệt thổ cẩm, đan lát truyền thống, nét đẹp kiến trúc nhà rông, nét đẹp người phụ nữ Gia Rai, tục cưới xin, lễ bỏ mả… được chắt lọc, giới thiệu bằng tất cả niềm tự hào và tình yêu văn hóa dân tộc… Đây là bước chuẩn bị nguồn nhân lực, là nhân tố quan trọng để làm nên thành công cho loại hình du lịch mới mẻ này.

Từ khi được tỉnh chọn làm điểm phát triển du lịch cộng đồng, làng Mơ Hra-Đáp (xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang) luôn rộn rã tiếng cồng chiêng để chuẩn bị đón những đoàn du khách phương xa ghé thăm. Các điểm du lịch nơi đây thu hút được nhiều khách thập phương đến trải nghiệm với các loại hình du lịch như: trekking khám phá thiên nhiên với những cánh rừng già ở Kon Ka Kinh và Kon Chư Răng; hay du lịch cộng đồng, giúp du khách có những trải nghiệm mới mẻ, có sự tương tác giữa cộng đồng dân tộc bản địa nhằm bảo tồn và phát huy các thực thể văn hóa của các dân tộc ở địa phương. Làng đã hình thành được các tổ nhóm hướng dẫn và phục vụ du khách, mỗi tháng cho thu nhập từ 4 đến 5 triệu đồng. Tiêu biểu như anh Anh Đinh Văn Ngưi (dân tộc Ba Na, làng Kgiang, xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) đã thành lập Công ty trách nhiệm hữu hạn Dịch vụ du lịch A Ngưi, khai thác các thế mạnh văn hóa bản địa để làm du lịch cộng đồng.

Những năm qua, anh đã tạo việc làm, thu nhập ổn định cho 15 người và gần 40 người khác làm việc bán thời gian, họ đều là người dân tộc thiểu số. Đây là những tín hiệu vui để du lịch cộng đồng Gia Lai khởi sắc, hướng đến mục tiêu đưa du lịch trở thành kinh tế xanh, bền vững, đưa Gia Lai trở thành điểm đến hấp dẫn của khu vực Tây Nguyên.

Bài và ảnh: Đinh Sỹ Tạo
Báo Nhân Dân – nhandan.vn