Du lịch Quảng Nam sẽ tập trung vào hiệu quả nguồn thu hơn là tăng số lượng khách.
Nghịch lý
Tồn tại của du lịch Quảng Nam nhiều năm qua chính là sản phẩm dịch vụ hạn chế; thiếu nguồn nhân lực; quy mô doanh nghiệp nhỏ, sức cạnh tranh kém; môi trường xuống cấp… Đặc biệt, công tác quản lý nhà nước tại một số điểm, địa phương hiện chưa theo kịp tốc độ phát triển du lịch, thể hiện rõ nhất ở đầu tư hạ tầng và nguồn nhân lực quản lý.
Đến nay, mặc dù nhiều huyện, thị, thành phố trong tỉnh đã xây dựng đề án phát triển du lịch, nhưng nội dung các đề án chủ yếu tập trung vào phân vùng, đánh giá tiềm năng, quy hoạch tour tuyến, xây dựng sản phẩm, phân kỳ kinh phí…, vấn đề nhân lực quản lý hầu như ít được quan tâm, mặc dù đây được xem là yếu tố quan trọng nhằm hiện thực hóa các nội dung của đề án. Hiện tại, đa số cán bộ làm công tác quản lý du lịch các địa phương kiêm nhiệm, trực thuộc phòng VH-TT. Điều đó phần nào lý giải nguyên nhân du lịch một số nơi như Điện Bàn, Tam Kỳ, Duy Xuyên, Núi Thành… vẫn “ì ạch” suốt nhiều năm qua, dù được kỳ vọng rất lớn.
Với TP. Hội An, nỗi lo nằm ở hạ tầng. Mặc dù tốc độ phát triển du lịch bình quân khoảng 12%/năm, ngược lại cơ sở hạ tầng tăng khá chậm. Tình trạng thiếu nhà vệ sinh công cộng; kẹt xe do đường nhỏ hẹp, do thiếu bãi đổ xe… vẫn là câu chuyện dài chưa có hồi kết. Ông Trần Lực – Phó Giám đốc Saigontourist chi nhánh Đà Nẵng chia sẻ, đơn vị ông chuyên đón khách tàu biển nên số lượng rất đông, mỗi đoàn vào tham quan phố cổ có khi lên đến hàng nghìn người, những lúc đó vấn đề lo nhất chính là nhà vệ sinh công cộng.
“Tuy đây chỉ là chuyện nhỏ nhặt nhưng nó cũng bộc lộ những bất cập trong phát triển du lịch của Hội An khi chúng ta chỉ tập trung quan tâm vào chuyện thu hút thật nhiều khách mà quên mất việc phát triển các dịch vụ, hạ tầng tương ứng. Do đó, đã đến lúc việc xây dựng mục tiêu phát triển du lịch cũng nên gắn kết đồng bộ với việc hoàn thiện hạ tầng bổ trợ, khi đó du lịch mới phát triển chuyên nghiệp và bền vững được” – ông Lực nói.
Phát triển theo chiều sâu
Năm 2020, Quảng Nam đặt mục tiêu đón 8,1 triệu lượt khách (bao gồm 5,7 triệu lượt khách du lịch đến Hội An). Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, đã đến lúc bỏ qua những con số tăng trưởng khách năm sau cao hơn năm trước, nên chăng tập trung vào chất lượng khách, đặc biệt là doanh thu du lịch mang lại.
Thực tế, việc thay đổi quan điểm phát triển du lịch dựa trên chất lượng, doanh thu thay vì số khách tăng trưởng không phải điều mới mẻ mà đã được một số tỉnh như Khánh Hòa thực hiện từ vài năm trước… Đây được xem là hướng đi phù hợp hiện nay khi mà các nguồn tài nguyên đang dần cạn kiệt, môi trường bị ảnh hưởng do những tác động từ sự quá tải của du lịch gây ra.
Theo ông Nguyễn Văn Sơn – Phó Chủ tịch UBND TP. Hội An, điều này cũng đã được thành phố tính tới, mặc dù tăng trưởng khách vẫn là mục tiêu, nhưng không phải bằng mọi giá, đặc biệt khi phố cổ đã trở nên quá chật chội. Thay vào đó, Hội An sẽ tập trung nâng cao chất lượng điểm đến để giữ chân khách lưu lại nhiều ngày, chi tiêu nhiều hơn.
Ông Lê Ngọc Tường – Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL khẳng định, phát triển bền vững, đồng bộ giữa các vùng miền chính là mục tiêu của ngành du lịch Quảng Nam năm 2020 nhằm xây dựng điểm đến đa dạng hơn. Vì vậy, bên cạnh tiếp tục phát triển du lịch nông thôn, tạo ra các giá trị mới như du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn, làng nghề…, ngành du lịch cũng sẽ tập trung vào các nhóm nội dung chính như thúc đẩy các điểm du lịch phía nam và phía tây; hoàn thiện, nâng cao chất lượng sản phẩm hiện có. Đặc biệt, tập trung nâng cao chuỗi giá trị du lịch dựa trên chất lượng khách và doanh thu dựa trên những lợi thế tại chỗ.
“Theo nghị quyết của Tỉnh ủy, năm 2020 Quảng Nam sẽ đón 8 triệu khách, nhưng theo dự báo của ngành chúng ta có thể đạt hơn con số đó. Tất nhiên, mức tăng trưởng này còn phụ thuộc vào đối thủ cạnh tranh lân cận như TP. Đà Nẵng, nhất là trong tình hình khách châu Á, Đông Bắc Á tăng nhanh, nhưng khách châu Âu có dấu hiệu chững lại như hiện nay. Do đó, thay vì cạnh tranh về số lượng và dịch vụ lưu trú với Đà Nẵng thì Quảng Nam sẽ tập trung vào các dịch vụ phụ trợ để nâng cao chuỗi giá trị và nguồn thu phục vụ dòng khách Á, bởi đây là thị trường đang tăng trưởng rất tốt nên nếu chúng ta làm tốt về sản phẩm sẽ vẫn đảm bảo về nguồn thu như mục tiêu đề ra” – ông Tường phân tích.
Khánh Linh