Cơ sở gỗ Âu Lạc có thể phát triển thành điểm du lịch thú vị. Ảnh: aulacgonghethuat
Từ cơ sở gỗ Âu Lạc
Du lịch vùng Gò Nổi là một tour lý thú. Tại đây đã có sẵn cơ sở nghề mộc xuất khẩu Âu Lạc với cơ ngơi vài hecta, gồm một khu sản xuất các tác phẩm bằng gỗ bán ra nước ngoài, một khu đất dọc bờ của nhánh sông cũ dài khoảng 500m.
Trên bờ là các công trình xây dựng bằng gỗ, một vườn thuốc nam nhỏ và các tác phẩm mỹ thuật khá đẹp, có ý nghĩa mô phỏng giáo lưu văn hóa Chăm – Việt.
Khách đến đây có thể được hướng dẫn nghề mộc bởi các nghệ nhân lành nghề hoặc tham gia luận đàm về triết học, thiền định và được mời bữa ăn trưa theo phong cách riêng của ông chủ Âu Lạc.
Anh Trần Thu, chủ cơ sở gỗ mỹ nghệ Âu Lạc cho hay, đã bán hàng trên mạng với một kênh YouTube nổi tiếng cho du khách nước ngoài. Riêng hoạt động du lịch thì còn nằm trên ý tưởng, thỉnh thoảng có vài nhóm du khách nhỏ lẻ từ Hội An, Đà Nẵng đến tham quan, tải nghiệm nghề mộc trong một ngày…
Âu Lạc có thế mạnh là hoạt động sản xuất nghề thủ công truyền thống, đã có nhiều khách hàng tìm đến. Đặc biệt, Âu Lạc nằm ngay trên tuyến giao thông chính lên vùng Gò Nổi, chỉ cách Hội An chừng 20km và cách dinh trấn Thanh Chiêm khoảng 5km, nằm cạnh chợ Phú Bông từng sầm uất từ 200 năm trước.
Đây là ngôi chợ mà Lê Quý Đôn từng viết là một trong hai đầu mối cũng cấp vải sợi xuất bán cho tàu nước ngoài ở Hội An. Tham vọng mở ra cánh cửa du lịch nông thôn của Âu Lạc là hoàn toàn đúng đắn và hợp lý.
Theo tôi, cánh cửa du lịch ấy cần được mở ra cho toàn vùng Gò Nổi, với lịch sử, văn hóa và nhân vật lịch sử ít nơi nào có được. Điển hình, vai trò của các nhà canh tân theo phái Duy Tân đầu thế kỷ 20 và là đất học trong thời phong kiến của cả Quảng Nam…
Các di tích văn hóa liên quan đến Văn thánh Gò Nổi, đến các danh nhân Hoàng Diệu, Phạm Phú Thứ, Phan Khôi, Phan Thanh, Lê Đình Lý, Nguyễn Thị Bình… là một kho tàng cho du khách trải nghiệm, khám phá một vùng đất. Đó chính là nguồn tài nguyên du lịch phong phú chưa được khai thác và khám phá.
Muốn vậy, hoạt động du lịch của Âu Lạc cần có sự đầu tư và chung tay cả các cộng đồng liên quan của cả vùng. Lúc đó, cơ sở hiện có của Âu Lạc sẽ là chỗ dừng chân, tham quan làng nghề, thậm chí là cơ sở lưu trú để khách có thể dừng chân lâu hơn thời gian một ngày.
Tour du lịch này còn có thể kết nối với khám phá dinh trấn Thanh Chiêm, làng đúc đồng và nhà thờ cổ vốn gắn liền với sự ra đời của chữ Quốc ngữ.
Điểm check-in thú vị
Một vùng nông thôn khác có thể xây dựng điểm đến là thôn Ngọc Kinh 2 thuộc xã Đại Hồng (Đại Lộc), nơi có những cánh đồng phù sa bên dòng Vu Gia. Đặc biệt tại đây còn có cây hoa gạo, mà theo những người cao tuổi của làng, đã hơn một trăm năm tuổi.
Giữa vùng đồng bằng vẫn tồn tại một cây cổ thụ như vậy là rất hiếm và thu hút các bạn trẻ. Tên gọi hoa gạo, hoa Pơ Lang hay mộc miên, dù tùy theo cách nói của mỗi vùng miền, đều gắn liền câu chuyện về cuộc tình thủy chung của đôi trai gái đầy xúc động. Điều muốn nói ở đây là trong mùa hoa gạo nở đỏ rực lại trùng với mùa thu hoạch bắp nếp nổi tiếng vùng phù sa dọc sông Vu Gia.
Trong khu vực khoảng non 1.000m2 quanh cây gạo, cùng với phong trào xây dựng nông thôn mới, nếu biến nơi đây thành một công viên, mở rộng con đường chỉ ba trăm mét từ làng ra chạy dọc những thửa ruộng bắp… ngào ngạt hương thơm, tôi nghĩ sẽ rất thu hút các bạn trẻ đến check-in. Một “lễ hội bắp” được tổ chức ngay tại đây, như lễ hội ở Cồn Bắp Cẩm Nam – Hội An nữa thì còn gì bằng.
Nhưng nếu đi từ Đà Nẵng đến Ngọc Kinh theo tuyến quốc lộ 14B cũng mất gần 70km, sẽ có thể làm nản lòng nhiều người. Vậy thì sau khi thăm cây gạo nở hoa, dự lễ hội bắp, các nhà làm tour có thể tang thêm độ hấp dẫn là đưa du khách đến vùng B Đại Lộc, thăm địa đạo, viếng hồ thủy lợi Khe Tân, thăm làng làm trống hát bội Lâm Yên, làng chè An Bàng ở Đại Thạnh rồi quay về dạo chợ Quảng Huế…
Một tuyến du lịch nông thôn, trước hết cần các nhà tổ chức hết sức cụ thể và chu đáo, biết kết hợp với từng địa phương trong việc vận chuyển, ăn ở, thuyết minh, mua sắm… Đó là yếu tố quyết định thành bại.
Trong nỗ lực làm du lịch xanh và phục hồi du lịch hiện nay, xu thế hướng đến khách nội địa đi về các địa điểm mới như trên cũng hết sức cần thiết. Sự lan tỏa của du khách nước ngoài sẽ từ đó mà ra, nếu việc quảng bá được quan tâm.
Tôi có người bạn cùng quê là anh Nguyễn Bá Phong, quê ở khối Thanh Quýt 5, phường Điện Thắng Trung, thị xã Điện Bàn. Quanh năm anh chỉ đưa du khách nước ngoài đi thăm các làng nghề, các đình làng, chùa cổ mà như anh nói, cũng không hết việc. Du khách đến Hội An, từng nhóm nhỏ chỉ 7 – 10 người vẫn tìm đến anh vì sự tận tụy và am hiểu văn hóa bản địa. Du lịch nông thôn rất cần những cá nhân như vậy.
Trương Điện Thắng
Báo Quảng Nam – baoquangnam.vn