Du lịch nông thôn kích thích tăng trưởng kinh tế địa phương

Tổ chức Du lịch Liên Hợp Quốc (UN Tourism) nhận định: “Du lịch nông thôn có tiềm năng và vai trò rất lớn trong việc kích thích tăng trưởng kinh tế địa phương và thay đổi xã hội, đóng góp vào GDP và tạo việc làm, cũng như khả năng thúc đẩy phát triển đồng đều (chống tính thời vụ) và trên diện rộng”.

 Ở Việt Nam, du lịch nông thôn cũng là một trong những nội dung quan trọng trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở nhiều địa phương.

Tăng cường các chính sách du lịch bền vững và toàn diện

Tổ chức này cho rằng, du lịch nông thôn là “một loại hình hoạt động du lịch trong đó trải nghiệm của du khách liên quan đến nhiều sản phẩm thường gắn liền với các hoạt động dựa trên thiên nhiên, nông nghiệp, lối sống và văn hóa nông thôn”. Hoạt động du lịch nông thôn thường diễn ra ở những vùng có mật độ dân số thấp; cảnh quan vùng thôn quê và sử dụng chủ yếu đất nông nghiệp và lâm nghiệp; cơ cấu xã hội và lối sống truyền thống.

Nhiều năm nay, với tầm nhìn biến du lịch thành động lực tích cực cho sự chuyển đổi, phát triển nông thôn và phúc lợi cộng đồng, UN Tourism đã phát động sáng kiến lựa chọn và công bố “Những làng du lịch tốt nhất thế giới”. Dự án này đã thúc đẩy vai trò của du lịch trong việc đánh giá và bảo vệ các làng quê cùng với cảnh quan, hệ thống kiến thức, sự đa dạng sinh học và văn hóa bản địa.

Nghiên cứu hơn 200 làng du lịch tốt nhất thế giới, UN Tourism đã đưa ra các bài học về phát triển du lịch nông thôn, nhận định những thách thức trên thực tế và các giải pháp để phát triển bền vững. Nghiên cứu cho thấy, các vấn đề chủ yếu bao gồm việc bảo tồn tài nguyên văn hóa và thiên nhiên, thiếu hụt cơ sở hạ tầng và nhu cầu về các chương trình phát triển kỹ năng nâng cao và quản lý xung đột. Báo cáo này của UN Tourism cũng giới thiệu nhiều ví dụ sáng tạo về cách các làng giải quyết những thách thức đó. Các giải pháp bao gồm cải thiện chính sách, đổi mới sản phẩm du lịch, đào tạo nguồn nhân lực… Các phương pháp tiếp cận để tăng cường cơ hội như tạo việc làm, tăng trưởng kinh doanh và gắn kết cộng đồng, đặc biệt là với phụ nữ, thanh niên; cũng như thúc đẩy, bảo tồn các giá trị thiên nhiên và văn hóa.

UN Tourism cũng công bố một báo cáo mới để xác định tình trạng du lịch nông thôn tại các quốc gia thành viên và xác định những thách thức, cơ hội chính của du lịch như một động lực thúc đẩy phát triển nông thôn. Báo cáo này là tài liệu cơ sở đầu tiên của UN Tourism về du lịch và phát triển nông thôn với sự tham gia của các quốc gia thành viên trên toàn thế giới. Báo cáo nhấn mạnh tầm quan trọng của du lịch nông thôn, với hơn một nửa các quốc gia thành viên ưu tiên phát triển du lịch nông thôn. Hầu như tất cả các quốc gia thành viên đều lạc quan về tương lai của du lịch nông thôn. Các cơ hội chính được xác định bao gồm tạo việc làm, cải thiện sinh kế và bảo tồn văn hóa và môi trường. Báo cáo cũng tập trung vào việc phân tích, nâng cao nhận thức văn hóa và trao quyền cho cộng đồng.

Liên Hợp Quốc cũng khuyến nghị các quốc gia trên toàn thế giới về du lịch và phát triển nông thôn. Trong đó, tổ chức này nhấn mạnh tính bền vững của du lịch ở các vùng nông thôn chỉ có thể thành công nếu có chiến lược, kế hoạch triển khai toàn diện, bao trùm với sự tham gia của nhiều bên liên quan. Các khuyến nghị của Liên Hợp Quốc về du lịch và phát triển nông thôn đã được thông qua tại kỳ họp thứ 24 của Đại hội đồng du lịch Liên Hợp Quốc. Từ đó, hỗ trợ các Chính phủ ở nhiều cấp độ, cũng như khu vực tư nhân và cộng đồng quốc tế trong việc phát triển du lịch ở các vùng nông thôn theo cách góp phần vào sự phát triển toàn diện, bền vững và phục hồi.

Phát triển theo hướng bền vững và bao trùm

Nếu được Chính phủ đồng ý, Bộ VHTTDL sẽ phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam đăng cai tổ chức Hội nghị quốc tế về du lịch nông thôn của UN Tourism “Phát triển du lịch nông thôn theo hướng bền vững và bao trùm” và Lễ trao giải Làng du lịch tốt nhất năm 2024 của UN Tourism tại Việt Nam.

Đầu tháng 6/2024, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng và Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đã ký kết Chương trình Phối hợp trong phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn hiệu quả và bền vững giai đoạn 2024-2030. Chương trình nhằm tăng cường phối hợp giữa Bộ VHTTDL và Bộ NN&PTNT để phát huy tối đa nguồn lực, tiềm năng của hai ngành, nhằm phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn theo hướng bao trùm, đa giá trị, hiệu quả và bền vững. Đồng thời, phù hợp với nhu cầu thị trường trên cơ sở sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên về nông nghiệp, làng nghề, môi trường sinh thái, cảnh quan nông thôn và các giá trị văn hóa đặc trưng vùng, miền.

Hiện nay, ở Việt Nam, du lịch nông thôn đã chính thức trở thành nội dung quan trọng trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 ở nhiều địa phương. Trong đó, Quảng Nam là một ví dụ điển hình. Có thể khẳng định, với các tiềm năng, lợi thế sẵn có, nguồn tài nguyên tự nhiên phong phú, Quảng Nam có nhiều dư địa phát triển du lịch nông thôn. Nhiều điểm du lịch cộng đồng nông thôn ở Quảng Nam đã được đầu tư, đi vào hoạt động ổn định. Từ vùng ven biển đến miền núi của Quảng Nam đều có những điểm đến hấp dẫn, là nơi check in của khách du lịch, được tín đồ du lịch trong nước và thế giới ưa chuộng. Xu hướng phát triển du lịch nông thôn ở Quảng Nam được cho là phù hợp với nhu cầu của du khách sau dịch Covid-19 khi nhiều người muốn hòa mình vào thiên nhiên, thưởng ngoạn cảnh quan vùng quê thôn dã, ăn các món ăn địa phương và tìm hiểu văn hoá bản địa.

Tuy nhiên, du lịch nông thôn vẫn đóng góp chưa nhiều trong việc tăng thu nhập cho người dân địa phương và có tỉ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế nông thôn, thiếu các nhà đầu tư có năng lực. Các doanh nghiệp du lịch, người dân tham gia phát triển du lịch ở Quảng Nam cũng đang nỗ lực cải thiện chất lượng dịch vụ, sản phẩm du lịch nông thôn, hình thành những tour, tuyến du lịch hấp dẫn, lưu trú tại vùng nông thôn, tiêu thụ sản phẩm OCOP, đặc sản địa phương…

Nguyễn Anh

Báo Văn hóa – baovanhoa.vn