Du lịch nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long đang “chuyển mình thức giấc”

Đồng bằng sông Cửu Long là đồng bằng đẹp hàng đầu châu Á, khí hậu tốt 4 mùa dễ chịu, đồng lúa, vườn cây, làng xóm đẹp, có nhiều sông rạch, rừng ngập mặn và nhiều khu bảo tồn, dồi dào thực phẩm tươi ngon, có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn.

Du lịch nông nghiệp trong tiếng Anh có nhiều cách gọi khác nhau như agritourism, agricultural tourism, agro-tourism, entertainment agriculture,… nhưng theo các nhà nghiên cứu, chuyên gia du lịch có thể hiểu du lịch nông nghiệp là hoạt động thương mại tại các trang trại hoặc nơi sản xuất nông nghiệp hướng đến việc đáp ứng nhu cầu hưởng thụ cho du khách và tạo thêm thu nhập cho chủ sở hữu. Du lịch nông nghiệp trên thế giới đã phát triển từ lâu, là điểm đến hấp dẫn du khách tham quan trải nghiệm.


Cồn Chim – Điểm du lịch nông nghiệp thuận thiên nổi tiếng của tỉnh Trà Vinh.

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) – vùng nông nghiệp lớn nhất nước cũng đang “chuyển mình thức giấc” khi có nhiều tài nguyên quý giá du lịch nông nghiệp. Nhiều năm nay, du lịch nông nghiệp ĐBSCL đã được khai thác nhưng vẫn còn là sản phẩm thô chưa thật sự hấp dẫn. Các chuyên gia du lịch ví du lịch nông nghiệp ĐBSCL như viên ngọc chưa được gọt dũa. Nếu chắt chiu trau chuốt, du lịch nông nghiệp ĐBSCL sẽ ngời sáng.


Du lịch sinh thái Mỹ Phước Thành – Cao Lãnh – Đồng Tháp.

Từ lâu nay, du lịch nông nghiệp ĐBSCL vẫn là tự phát, nông dân tận dụng ruộng vườn của mình để làm điểm tham quan, homestay… kiếm thêm thu nhập, cải thiện đời sống nên thiếu kiến thức du lịch và chiến lược phát triển nông nghiệp. Khi có Quyết định số 922/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025, du lịch nông nghiệp ở ĐBSCL mới thật sự được quan tâm, phát triển.

Theo đó, cần phát triển, chuẩn hoá các điểm đến và sản phẩm du lịch nông thôn; mỗi tỉnh, thành phố phấn đấu có ít nhất 01 điểm du lịch nông thôn được công nhận gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề hoặc môi trường sinh thái của địa phương; 50% cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch nông thôn được công nhận đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch; Đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với quá trình chuyển đổi số, ít nhất 50% điểm du lịch nông thôn được công nhận được số hóa và kết nối trên trang quảng bá, xúc tiến du lịch bằng công nghệ số. Phấn đấu 100% điểm du lịch nông thôn được giới thiệu, quảng bá; 50% điểm du lịch nông thôn ứng dụng các giao dịch điện tử trong hoạt động du lịch. Phấn đấu mỗi huyện nông thôn mới có tiềm năng du lịch xây dựng ít nhất 01 mô hình chuỗi liên kết du lịch nông nghiệp nông thôn đặc thù. Ít nhất 70% chủ cơ sở du lịch nông thôn được đào tạo, tập huấn về nghiệp vụ quản lý du lịch; 80% lao động du lịch nông thôn được bồi dưỡng, tập huấn và nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng phục vụ khách du lịch, trong đó ít nhất 50% là lao động nữ; mỗi điểm du lịch có ít nhất 01 nhân viên thành thạo ngoại ngữ. Xây dựng cơ sở dữ liệu và bản đồ số các điểm du lịch nông thôn trên toàn quốc.


Trải nghiệm chèo ghe tham quan nuôi cá tra ở Khu du lịch sinh thái Cồn Sơn – Miền Nam (TP. Cần Thơ).

Ở ĐBSCL, Đồng Tháp được mệnh danh là “đất sen hồng”, thời gian gần đây tỉnh tập trung đầu tư hạ tầng du lịch như giao thông, điểm đến tại nông thôn để khai thác du lịch nông nghiệp. Năm 2023, Đồng Tháp phát triển 01 điểm vườn cây ăn trái tại huyện Lấp Vò (Năm Tiệm), 01 điểm du lịch sinh thái tại huyện Tam Nông (Hoàng Hảo), 2 điểm vườn cây ăn trái tại huyện Cao Lãnh (Điểm tham quan Đồng Xanh và Điểm tham quan Màu Hồng). Đưa vào quy hoạch phát triển du lịch đối với 02 điểm Hoàng Hảo (Tam Nông) và Làng du lịch cộng đồng Tân Thuận Đông. Hoàn thiện chất lượng các chương trình tour: Tour dỡ chà đãi bạn TP. Cao Lãnh, Tour du lịch trải nghiệm nông nghiệp huyện Cao Lãnh, Tour Làng nghề chiếu Định Yên… Đồng Tháp đã đón được 4 triệu lượt du khách.

Ngành du lịch Đồng Tháp tiếp tục triển khai Dự án kết nối giao thông phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp và phát triển du lịch. Tập trung đầu tư nâng cấp các tuyến đường giao thông huyết mạch dẫn đến các khu di tích, điểm du lịch; Phát triển hệ thống quầy hàng lưu niệm, sản phẩm OCOP Đồng Tháp tại các khu di tích, điểm du lịch, điểm dừng chân và khu vệ sinh công cộng. Phát triển sản phẩm du lịch sinh thái – nghỉ dưỡng; du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với sản phẩm OCOP kết hợp trải nghiệm làng nghề; du lịch văn hóa lịch sử kết hợp lễ hội; Du lịch ẩm thực sen – sự kiện/MICE kết hợp mua sắm; Du lịch số; Du lịch chăm sóc sức khỏe; Nâng chất lượng các mô hình du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, nông thôn, homestay, farmstay, đồng thời hoàn thiện các tiêu chí sản phẩm OCOP hạng 3 sao – 4 sao.


Du khách trải nghiệm bắt cá, chèo ghe, phơi hủ tiếu… ở các khu du lịch sinh thái, làng nghề.

Ông Nguyễn Hữu Thọ, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, đánh giá cao tiềm năng lợi thế du lịch nông nghiệp ĐBSCL và cho rằng không có nơi nào được tài nguyên du lịch nông nghiệp quý giá như ĐBSCL. Ông đã ví du lịch nông nghiệp là “cổ máy đếm tiền” mà ĐBSCL là điểm đến đầy tiềm năng, là nơi nghỉ dưỡng lý tưởng cho du khách.

Theo ông, hầu hết các sản phẩm nông nghiệp có thể phát triển thành sản phẩm du lịch và phát triển du lịch nông nghiệp là con đường xóa đói giảm nghèo nhanh nhất cho người nông dân. Tuy nhiên, du lịch nông nghiệp Việt Nam phát triển không đồng đều và chất lượng chưa đáp ứng đủ nhu cầu của du khách trong và ngoài nước. Du lịch nông nghiệp chính là “át chủ bài” của Việt Nam, đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm, chống khuynh hướng ly nông, giao lưu văn hóa cộng đồng các dân tộc Việt Nam và giao lưu văn hóa với khu vực, quốc tế, thúc đẩy hội nhập văn hóa, kiến trúc, trau dồi ngoại ngữ cho nhà nông.

Nhiều chuyên gia du lịch cũng đánh giá ĐBSCL là đồng bằng đẹp hàng đầu châu Á, khí hậu tốt 4 mùa dễ chịu, đồng lúa, vườn cây, làng xóm đẹp, có nhiều sông rạch, rừng ngập mặn và nhiều khu bảo tồn, dồi dào thực phẩm tươi ngon. Tuy nhiên, hiện chỉ mới xây dựng được một số sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn đơn giản, dễ bị sao chép. Để loại hình du lịch này trở thành một trong những loại hình du lịch chính cần phải có chiến lược về phát triển sản phẩm. Tùy theo nhu cầu, sở thích của du khách để có sản phẩm mới, khác biệt, hoạt động phù hợp.


Du khách đạp xe giữa ruộng lúa tôm Cồn Chim.

Hy vọng, từ Quyết định của Thủ tướng Chính phủ Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025 được ban hành, cùng các quyết định của chính quyền các tỉnh, thành vùng ĐBSCL, du lịch nông nghiệp nông thôn sẽ là điểm tựa tạo sức bật cho du lịch ĐBSCL bứt phá, vươn lên xứng tầm lợi thế tiềm năng.

Huỳnh Biển
dulich.dongthap.gov.vn