Du lịch Ninh Bình – Điểm đến an toàn và hấp dẫn

Ninh Bình là tỉnh có tài nguyên thiên nhiên phong phú với hệ thống núi đá vôi hùng vĩ, hang động kỳ thú, rừng nguyên sinh Cúc Phương, khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long cùng hàng nghìn di tích lịch sử, văn hoá nổi tiếng… thuận lợi cho việc phát triển du lịch.

 

Những năm gần đây, du lịch Ninh Bình phát triển mạnh với hai loại hình nổi trội là du lịch sinh thái, du lịch văn hóa – tâm linh, tiêu biểu là khu du lịch sinh thái Tràng An, khu du lịch núi chùa Bái Đính, khu du lịch Tam Cốc – Bích Động… Lượng du khách đến với Ninh Bình tăng nhanh, năm 2011, toàn tỉnh đã đón hơn 3,6 triệu lượt khách, tăng gấp 46 lần so với năm 1992, du khách chủ yếu đến từ Bắc Mỹ, Úc, Newzealand, Đông Bắc Á, Pháp và Tây Âu. Năm 2011, tổng doanh thu du lịch đạt 655,2 tỷ đồng, tăng gấp 415 lần so với năm 1992. Đây là những con số ấn tượng, ghi nhận sự phát triển mạnh mẽ của ngành Du lịch Ninh Bình sau 20 năm tái lập tỉnh.

Để có được kết quả đó, trong những năm gần đây, Ninh Bình đã có nhiều cơ chế, chính sách nhằm thu hút, huy động các nguồn lực đầu tư vào du lịch, đặc biệt Nghị quyết 15-NQ/TU ngày 13-9-2009 về phát triển du lịch đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, đã tạo động lực thúc đẩy du lịch Ninh Bình phát triển. Qua đó, công tác lập quy hoạch tổng thể, quy hoạch chi tiết phát triển du lịch; thu hút đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng, công tác quản lý Nhà nước, đào tạo nguồn nhân lực, xúc tiến, quảng bá… được các cấp, ngành, địa phương quan tâm, chú trọng thực hiện.

Trong công tác quy hoạch, tỉnh đã xác định một số khu du lịch chính: khu du lịch Tam Cốc – Bích Động – Tràng An – Cố đô Hoa Lư; khu du lịch trung tâm thành phố Ninh Bình; khu du lịch Cúc Phương – Kỳ Phú – hồ Đồng Chương… Ngành Du lịch đã thu hút được nhiều dự án lớn vào đầu tư và khai thác. Cơ sở hạ tầng du lịch không ngừng được đầu tư, nâng cấp, tôn tạo, nhất là ở các khu du lịch trọng điểm. Các khu, điểm du lịch đi vào tour, tuyến với đa dạng các loại hình du lịch đặc sắc như: du lịch sinh thái, du lịch văn hóa – tâm linh, lịch sử, du lịch thể thao, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch homestay… Khu di tích Cố đô Hoa Lư có ý nghĩa rất lớn về mặt lịch sử; khu du lịch tâm linh núi chùa Bái Đính – ngôi chùa lớn nhất Việt Nam, với rất nhiều kỷ lục đã được trung tâm sách kỷ lục Việt Nam xác lập; nhà thờ đá Phát Diệm, quần thể thánh đường độc nhất vô nhị trên vùng đất sa bồi Kim Sơn; khu danh thắng Tràng An đang tiến tới đề nghị UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới… đã thu hút được một lượng lớn khách du lịch đến tham quan, chiêm bái.

Du khách đến Ninh Bình không chỉ được tham quan, thưởng ngoạn những quần thể danh lam thắng cảnh đẹp kết hợp với các di tích lịch sử có ý nghĩa sâu sắc, mà còn được cung cấp đầy đủ các dịch vụ như lưu trú, nghỉ ngơi, ăn uống, vui chơi, giải trí… Trong những năm gần đây, cơ sở vật chất phục vụ du lịch ngày càng được đầu tư khang trang, hiện đại, phong cách phục vụ ngày càng chuyên nghiệp. Hệ thống cơ sở lưu trú trên địa bàn tỉnh tăng về số lượng và nâng cao về chất lượng. Nếu như năm đầu tái lập tỉnh, số cơ sở để khách lưu trú rất hạn chế, toàn tỉnh chỉ có 2 cơ sở lưu trú du lịch với 58 buồng ngủ, thì đến nay, toàn tỉnh đã có 224 cơ sở lưu trú du lịch với 3.564 phòng nghỉ, trong đó có 1 khách sạn 4 sao, 31 khách sạn từ 1 đến 2 sao và 4 khách sạn dự kiến tiêu chuẩn từ 3 đến 5 sao đang hoàn thiện và chuẩn bị đưa vào hoạt động. Hệ thống nhà hàng phục vụ ăn uống phát triển mạnh, đáp ứng kịp thời nhu cầu của khách du lịch. Toàn tỉnh có khoảng 800 nhà hàng phục vụ du khách với nhiều món ẩm thực mang hương vị đặc trưng riêng của vùng đất Ninh Bình như: tái dê, cơm cháy, miến lươn, nem chua Yên Mạc, rượu Lai Thành, mắm tép Gia Viễn… Cùng với trên 20.000 cơ sở kinh doanh thương mại, hơn 200 điểm kinh doanh dịch vụ vui chơi, giải trí … sẽ đáp ứng đầy đủ nhu cầu của du khách khi đến tham quan, nghỉ dưỡng tại Ninh Bình.

Tại các khu, điểm du lịch, công tác tổ chức quản lý và hoạt động đi vào nề nếp, khoa học, do đó đã hấp dẫn nhiều du khách trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, chất lượng nguồn nhân lực luôn được tỉnh quan tâm, thông qua các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về du lịch cộng đồng, giao tiếp bằng ngoại ngữ, các hội thi hướng dẫn viên, thuyết minh viên du lịch… đã làm cho đội ngũ cán bộ quản lý, nhân viên phục vụ chuyên nghiệp hơn, chất lượng phục vụ được nâng cao, đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ hội nhập.

Nhờ có những cơ chế, chính sách phù hợp, du lịch Ninh Bình đang phát triển mạnh và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp tích cực vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động tại địa phương.

Để du lịch Ninh Bình phát triển bền vững, xứng tầm với du lịch trong nước và quốc tế, trong định hướng phát triển du lịch của tỉnh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, về công tác quy hoạch phát triển du lịch, tỉnh đã xác định phát triển du lịch sinh thái, tâm linh, gắn với quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam, quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh; tập trung hoàn thành, nâng cấp các khu du lịch trọng điểm của tỉnh như: khu danh thắng Tràng An tiến tới đề nghị UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới; khu bảo tồn đất ngập nước Vân Long; khu Kênh Gà – Vân Trình; khu du lịch sinh thái hồ Đồng Chương; xây dựng và đưa vào hoạt động hệ thống cơ sở lưu trú đạt chất lượng từ 3 đến 5 sao; tăng cường công tác quản lý Nhà nước về du lịch, xây dựng cơ chế quản lý và mô hình quản lý các khu du lịch lớn như: Tam Cốc – Bích Động, cố đô Hoa Lư, Vân Long, Linh Cốc – Hải Nham, danh thắng Tràng An…; tập trung khai thác 2 loại hình du lịch chính là du lịch sinh thái và du lịch văn hóa – tâm linh; đồng thời, tiếp tục đầu tư phát triển mạnh các loại hình du lịch có thế mạnh như: du lịch nghỉ dưỡng cuối tuần, du lịch hồ ven núi, du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo…