Du lịch Điện Biên cần sự đột phá để “cất cánh”

Với tiềm năng của một quần thể di tích lịch sử nổi tiếng, nếu khai thác và phát huy hợp lý, Điện Biên sẽ trở thành một điểm du lịch lịch sử - văn hóa- sinh thái đặc sắc và hấp dẫn ở khu vực Tây Bắc. Nhưng, điều này cũng cần những chính sách và cơ chế mang tính đột phá.

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ tạo nên sự ngưỡng mộ sâu sắc về một dân tộc Anh hùng đã đánh bại chủ nghĩa thực dân trong thế kỷ 20. Việc kết hợp giá trị lịch sử của quần thể các di tích chiến trường xưa với tiềm năng tự nhiên và nhân văn đầy sức hấp dẫn của vùng Tây Bắc, nơi sinh sống của cộng đồng 21 dân tộc cùng bản sắc văn hóa độc đáo, là điều kiện để Điện Biên trở thành một trung tâm du lịch lịch sử – văn hóa – sinh thái nổi bật của khu vực.

Nhìn lại chặng đường phát triển du lịch của Điện Biên có thể thấy, cho dù đã có những bước chuyển mình đáng khích lệ với việc định hình được nền tảng bước đầu, nhưng xét về tiềm năng và thế mạnh, sự phát triển của du lịch tỉnh chưa thật sự tương xứng và có phần chậm chạp so với một số địa phương trong khu vực. Hiện tại, Điện Biên vẫn là một tỉnh nghèo với hệ thống cơ sở giao thông, hạ tầng yếu kém, chưa thật sự đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch. Cả tỉnh có khoảng 100 cơ sở lưu trú với hơn 1.300 phòng nhưng chỉ có dưới 10 khách sạn đạt tiêu chuẩn từ một đến ba sao (trong đó chỉ có một khách sạn ba sao) với khoảng hơn 400 phòng. Phần lớn cơ sở lưu trú chỉ đủ tiêu chuẩn quy định và chưa đạt mức xếp hạng.

Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Điện Biên đã được tỉnh phê duyệt từ năm 2008, nhưng quy hoạch chi tiết các khu, điểm du lịch lại chậm được triển khai. Cơ chế chính sách thu hút đầu tư du lịch trên địa bàn cũng chưa rõ ràng và không khuyến khích được nhà đầu tư. Tỉnh hiện chưa có dự án đầu tư nước ngoài nào vào lĩnh vực du lịch, trong khi đầu tư từ trong nước còn ít. Tính chuyên nghiệp trong việc cung cấp dịch vụ không cao; xúc tiến quảng bá du lịch điểm đến yếu kém so với một số địa phương trong khu vực như Lào Cai, Sơn La. Thông tin và hình ảnh du lịch Điện Biên hết sức hạn chế mặc dù tầm ảnh hưởng lịch sử của điểm đến rất lớn. Công tác quy hoạch, đầu tư còn nhiều vấn đề, sản phẩm đã có đơn điệu hoặc ít được đổi mới, không đủ sức hấp dẫn, chủ yếu mới khai thác các sản phẩm du lịch gắn với di tích lịch sử Điện Biên Phủ mà chưa khai thác được những thế mạnh về tự nhiên và văn hóa. Đây cũng là nguyên nhân khiến thời gian lưu trú của du khách rất ngắn và là trở ngại đòi hỏi ngành du lịch Điện Biên phải khắc phục nếu muốn cất cánh và phát triển bền vững.

Từ thực tế nêu trên, để tạo cú huých cho du lịch phát triển, Điện Biên cần có những chính sách nhằm huy động nguồn lực, hỗ trợ phát triển du lịch. Trước hết, tỉnh cần tập trung đầu tư, hoàn thiện công tác quy hoạch du lịch, nhất là quy hoạch chi tiết các khu, điểm du lịch đã được xác định trong quy hoạch tổng thể và những khu, điểm phát hiện mới, có nhiều tiềm năng để sớm bổ sung vào quy hoạch tổng thể. Có thể hình thành cơ chế thuê chuyên gia nước ngoài thực hiện quy hoạch du lịch Điện Biên. Làm tốt công tác quy hoạch sẽ tạo cơ sở cho việc đầu tư phát triển du lịch một cách đồng bộ, bài bản và chuyên nghiệp, tạo được sức hấp dẫn chung cho điểm đến. Một yếu tố quan trọng là cần hình thành cơ chế, chính sách thu hút đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông các tuyến đường kết nối TP Điện Biên Phủ với các điểm du lịch của tỉnh. Sự phát triển của hạ tầng giao thông đóng vai trò hàng đầu để tiếp cận điểm đến.

Bên cạnh nguồn vốn của Nhà nước đầu tư cho cơ sở hạ tầng và giao thông, Điện Biên cũng nên áp dụng nhiều chính sách linh hoạt có tính khích lệ, chẳng hạn chính sách miễn giảm thuế, chính sách thuê đất, chính sách cho vay lãi suất thấp… để huy động nguồn vốn xã hội hóa dưới hình thức BOT, BT tham gia vào đầu tư hạ tầng kết nối các điểm du lịch và hạ tầng của điểm đến, nhất là đầu tư cho sân bay Điện Biên và cửa khẩu Tây Trang, từ đó hình thành tuyến du lịch đường không và đường bộ với các địa phương trong nước và các nước trong khu vực như: Lào, Thái-lan, Mi-an-ma. Thời gian tới, các cấp trung ương và tỉnh nên sớm có kế hoạch nâng cấp cửa khẩu A Pa Chải thành cửa khẩu quốc gia để thúc đẩy dòng khách du lịch Trung Quốc qua đây.

Điện Biên cũng cần có chính sách ưu đãi thu hút đầu tư của các doanh nghiệp vào việc xây mới cơ sở vật chất kỹ thuật, lưu trú phục vụ du lịch tại TP Điện Biên Phủ và các khu, điểm du lịch như hồ Pa Khoang, Tuần Giáo,… áp dụng chính sách ưu đãi và có cơ chế chọn lựa nhà đầu tư đủ năng lực tài chính để thực hiện các dự án du lịch; có chính sách khuyến khích người dân tại các bản làng tham gia đón du khách với việc lựa chọn đầu tư, nâng cấp nhà ở của họ để cung cấp dịch vụ lưu trú (homestay). Việc đầu tư phải dựa trên kết quả nghiên cứu thị trường với những dự báo khoa học về nhu cầu của du khách để định hướng thu hút các dự án phù hợp yêu cầu thực tế.

Theo Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Điện Biên giai đoạn đến năm 2020 đã được UBND tỉnh Điện Biên phê duyệt, tỉnh sẽ tập trung phát triển sản phẩm du lịch dựa trên loại hình du lịch văn hóa – lịch sử, du lịch sinh thái, du lịch thương mại công vụ. Điều này cho thấy, tỉnh nên triển khai dự án xây dựng công viên lịch sử Điện Biên Phủ mang tầm vóc quốc gia và quốc tế. Việc hình thành công viên sẽ giúp nâng cao hình ảnh, khẳng định giá trị của thương hiệu điểm đến với sự khác biệt, độc đáo, hấp dẫn du khách. Tuy nhiên, việc đầu tư khai thác các giá trị của quần thể di tích lịch sử chỉ có hiệu quả khi biết kết hợp các nguồn lực phát triển du lịch sinh thái, văn hóa; thúc đẩy liên kết các địa phương như chương trình hợp tác phát triển du lịch tám tỉnh Tây Bắc mở rộng, kể cả với các địa phương của nước bạn láng giềng: Lào, Trung Quốc, qua đó xây dựng các sản phẩm du lịch liên vùng, liên quốc gia.

Một trong các vấn đề cần quan tâm của du lịch Điện Biên là công tác đào tạo nguồn nhân lực. Bên cạnh sự hỗ trợ của trung ương, ngành du lịch Điện Biên nên tranh thủ sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế (SNV, Dự án EU, các tổ chức phi chính phủ khác) trong việc xây dựng đội ngũ những người làm du lịch địa phương, nhất là hỗ trợ đào tạo người dân, giới trẻ ở các bản làng trong phát triển du lịch cộng đồng, đào tạo các thuyết minh viên và hướng dẫn viên là cư dân bản địa ở các điểm di tích văn hóa, lịch sử.

Với những nỗ lực và chủ động của lãnh đạo tỉnh và ngành du lịch Điện Biên, sự hỗ trợ tích cực của các cơ quan quản lý cũng như của các nhà đầu tư, các doanh nghiệp, trên cơ sở chính sách huy động nguồn lực cởi mở, thông thoáng và hiệu quả, Điện Biên sẽ sớm trở thành điểm đến hấp dẫn, là trung tâm du lịch thu hút khách của vùng Tây Bắc.

TS Nguyễn Anh Tuấn – Phó Vụ trưởng Lữ hành, TCDL Việt Nam