Đồng Tháp: Phát triển du lịch nông thôn hiệu quả, bền vững

Tỉnh Đồng Tháp đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ phát triển, chuẩn hóa các điểm đến và sản phẩm du lịch nông thôn; mỗi huyện, thành phố phấn đấu có ít nhất 1 điểm du lịch nông thôn được công nhận gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề hoặc môi trường sinh thái của địa phương; 30% cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch nông thôn được công nhận đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch.

Doanh thu hàng trăm tỷ đồng nhờ du lịch nông nghiệp

Triển khai Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021 – 2025, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã đặt ra yêu cầu đối với các địa phương xác định đây là một trong những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm nhằm phát triển kinh tế nông thôn, gắn với xây dựng NTM.


Sen là sản phẩm tạo dựng thương hiệu du lịch Đồng Tháp, góp phần thu hút hàng triệu khách du lịch. Nguồn: ITN

Tại Đồng Tháp – một tỉnh nông nghiệp có hơn 70% dân số sinh sống bằng nghề nông, việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang thương mại và dịch vụ là yêu cầu tất yếu. Trong khi các sản phẩm nông nghiệp thuần túy có giá trị kinh tế thấp, thì du lịch nông nghiệp mang lại nhiều lợi ích phát triển kinh tế như gia tăng giá trị nông sản thông qua xuất khẩu tại chỗ, giải quyết được lực lượng lao động nhàn rỗi, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và cải thiện đời sống cho người dân.

Năm 2016, loại hình du lịch sinh thái nông nghiệp bắt đầu phát triển và nhanh chóng trở thành điểm đến lý tưởng của du khách trong và ngoài tỉnh khi sở hữu thương hiệu du lịch Ðồng Tháp – Ðất Sen hồng. Thời điểm ban đầu là phát triển tự phát, 5 hộ dân trồng sen ở huyện Tháp Mười tiên phong khai thác loại hình du lịch trải nghiệm chèo xuồng ngắm đầm sen, câu cá, thưởng thức ẩm thực đồng quê với nhiều món ăn chế biến từ sen. Tiếp đến, các hộ dân vườn cam, quýt ở huyện Lai Vung đã mạnh dạn mở cửa vườn đón khách du lịch đến tham quan. Hiện nay, các huyện như Tháp Mười, Cao Lãnh, TP. Sa Ðéc… đang tận dụng tối đa không gian mênh mông sông nước cùng những cánh đồng lúa, đồng sen trải dài, những vườn xoài xanh mát phục vụ du lịch một cách hiệu quả.

Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp cho biết, trong những năm trở lại đây du lịch nông nghiệp tại Đồng Tháp hình thành và phát triển, bước đầu đã góp phần đa dạng hóa, làm phong phú sản phẩm, tăng thêm sự lựa chọn cho du khách khi tìm hiểu, trải nghiệm kinh tế – xã hội, khám phá vẻ đẹp của quê hương – con người – văn hóa Đồng Tháp.

Tính đến thời điểm hiện tại, Đồng Tháp đã phát triển được 65 điểm tham quan du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng đi vào hoạt động phục vụ khách tham quan trải nghiệm khá hiệu quả. Trong đó, có 8 Homestay; 2 Farmstay, 55 điểm tham quan du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, trải nghiệm làng nghề, hơn 40 điểm du lịch cộng đồng đang tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất để có thể hoàn thành, đưa vào khai thác trong thời gian tới. Thống kê cho thấy, từ năm 2016 – 2022, các điểm du lịch cộng đồng đã tổ chức đón tiếp và phục vụ trên 4,3 triệu lượt khách, tổng doanh thu từ du lịch đạt 519 tỷ đồng.

Phát triển, chuẩn hóa các điểm đến và sản phẩm du lịch nông thôn

Năm 2022, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình Phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025 trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Chương trình hướng tới đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái của các địa phương nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị, bao trùm và phát triển bền vững.


Tỉnh Đồng Tháp đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ phát triển, chuẩn hoá các điểm đến và sản phẩm du lịch nông thôn. Nguồn: ITN

Mục tiêu cụ thể đến năm 2025, Đồng Tháp sẽ phát triển, chuẩn hóa các điểm đến và sản phẩm du lịch nông thôn; mỗi huyện, thành phố phấn đấu có ít nhất 1 điểm du lịch nông thôn được công nhận gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề hoặc môi trường sinh thái của địa phương; 30% cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch nông thôn được công nhận đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch.

Thời gian tới, tỉnh Đồng Tháp sẽ tiếp tục chú trọng tăng cường năng lực quản lý các điểm du lịch nông nghiệp tại nông hộ một cách đồng bộ, chuyên nghiệp, hiệu quả để thúc đẩy phát triển du lịch bền vững; bên cạnh đó tiếp tục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, tăng cường công tác quảng bá xúc tiến và thu hút nhà đầu tư chiến lược đầu tư vào lĩnh vực du lịch.

Thảo Anh
Báo Đại biểu Nhân dân – daibieunhandan.vn