Công nhân tại Cơ sở nem Hoàng Khánh, xã Tân Thành thực hiện công đoạn gói nem (Ảnh: Mỹ Lý)
Để hoàn thiện các mục tiêu đề ra, UBND huyện Lai Vung sẽ tổ chức tuyên truyền, giới thiệu hình ảnh các làng nghề, làng nghề truyền thống thông qua các phương tiện thông tin đại chúng về ý nghĩa, giá trị văn hóa và sự cần thiết bảo tồn, gìn giữ các nghề, làng nghề, làng nghề truyền thống của địa phương; giới thiệu, phổ biến các cơ sở, tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp làng nghề điển hình hoạt động có hiệu quả, phát triển mạnh và phổ biến kịp thời các cơ chế, chính sách về phát triển ngành nghề nông thôn. Đồng thời tổ chức các lớp tập huấn, truyền nghề cho lao động nông thôn, đặc biệt là lao động trên địa bàn làng nghề để nâng cao tay nghề, nhân rộng mô hình và tạo việc làm tại chỗ.
UBND huyện cùng các ngành, địa phương triển khai việc hướng dẫn, tư vấn hỗ trợ các cơ sở làm nghề tại các làng nghề chủ động, tích cực liên kết hợp tác, tham gia thành lập hợp tác xã, tổ hợp tác để thúc đẩy phát triển các hình thức tổ chức có tư cách pháp nhân tại các làng nghề; hỗ trợ xây dựng liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị ngành hàng cho các sản phẩm của làng nghề, trong đó chú trọng, ưu tiên sự tham gia của các chủ thể sản xuất là các cơ sở làm nghề tại các làng nghề.
Huyện có giải pháp phát triển sản phẩm tiêu biểu gắn với phát triển sản phẩm OCOP, du lịch trong xây dựng nông thôn mới. Trong đó, khuyến khích phát triển ý tưởng sản phẩm mới, dự án khởi nghiệp để phát triển các sản phẩm nghề truyền thống thông qua chương trình khởi nghiệp của thanh niên, sinh viên, học sinh; ưu tiên, lồng ghép đầu tư, nâng cấp giao thông nội bộ làng nghề và kết nối giao thông giữa làng nghề với các trung tâm đô thị, kết nối các điểm du lịch gắn với làng nghề trong vùng, trong tỉnh; khuyến khích, hỗ trợ, động viên và tạo điều kiện cho cơ sở tiên phong trong việc ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại vào sản xuất, hỗ trợ các hộ làm nghề đổi mới công nghệ, áp dụng khoa học kỹ thuật…
Trang Huỳnh
Báo Đồng Tháp – baodongthap.vn