Đồng Tháp: Chương trình OCOP đánh thức tiềm năng bản địa huyện Châu Thành

Qua 5 năm triển khai thực hiện, Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) góp phần đánh thức tiềm năng lợi thế, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo của các địa phương trên địa bàn huyện Châu Thành (tỉnh Đồng Tháp). Hiện, huyện Châu Thành có 38 sản phẩm OCOP, trong đó có 1 sản phẩm 5 sao, 14 sản phẩm đạt 4 sao và 23 sản phẩm đạt 3 sao. Các sản phẩm này có mặt hầu hết trên thị trường các tỉnh, thành phố trên cả nước.


Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa (bìa phải) tham quan các gian hàng sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP của huyện Châu Thành tại Ngày hội nông sản huyện Châu Thành lần thứ I năm 2024

CÂU CHUYỆN XÂY DỰNG VÀ TƯ DUY LÀM THƯƠNG HIỆU

Những năm gần đây, sản phẩm hạt sen sấy của Công ty TNHH MTV Nam Huy Đồng Tháp (xã Hòa Tân, huyện Châu Thành) không chỉ là mặt hàng quen thuộc trong các giỏ quà tặng của huyện, tỉnh mà còn được nhiều khách hàng cả nước biết đến, tin dùng.

Kết quả này là một hành trình đầy nỗ lực của doanh nghiệp trong phát triển sản phẩm. Anh Huỳnh Văn Hiệp – Giám đốc Công ty TNHH MTV Nam Huy Đồng Tháp chia sẻ, gắn bó với cây sen gần 20 năm, từng kinh qua việc trồng, bán, chế biến sen, tôi nhận ra để nâng cao giá trị cho cây sen thì việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, xây dựng sản phẩm theo Chương trình OCOP là hướng đi cần thiết nhằm tạo niềm tin cho người tiêu dùng.

Hành trình đưa sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP không đơn giản. Thế nhưng, với tầm nhìn và chiến lược kinh doanh đột phá, cùng quy trình sản xuất bài bản, Công ty TNHH MTV Nam Huy Đồng Tháp nỗ lực để hoàn thiện về chất lượng và mẫu mã sản phẩm. Đến nay, doanh nghiệp có 9 sản phẩm OCOP. Trong đó, năm 2023, sản phẩm “Hạt sen sấy” của đơn vị được công nhận là Sản phẩm OCOP 5 sao cấp Quốc gia. Đây được xem là thành công rất lớn để sản phẩm tiếp cận nhiều hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại cùng các thị trường khó tính. “Sản phẩm được cấp chứng nhận OCOP đã tạo thêm sự tin tưởng đối với khách hàng. Nhờ đó, thương hiệu của doanh nghiệp ngày càng được khách hàng quốc tế tìm đến. Hiện, công ty đã xây dựng được hệ thống bán hàng với hơn 50 nhà phân phối trải dài khắp đất nước. Riêng sản phẩm “Hạt sen sấy” đã xuất khẩu sang các thị trường: Hàn Quốc, Malaysia, Thái Lan, Singapore… Hướng tới mục tiêu bền vững, công ty luôn đặt vấn đề chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm lên hàng đầu. Trong đó, chú trọng liên kết với người dân trồng nông sản tại các địa phương để xây dựng vùng nguyên liệu sạch, phục vụ việc sản xuất ổn định”, anh Hiệp cho biết.


Sản phẩm “Hạt sen sấy” của Công ty TNHH Nam Huy Đồng Tháp đạt chứng nhận OCOP 5 sao

Câu chuyện xây dựng thương hiệu, đưa sản phẩm đến gần hơn với khách hàng thông qua Chương trình OCOP của Công ty TNHH MTV Nam Huy Đồng Tháp được xem như đòn bẩy đánh thức tiềm năng, khơi gợi tinh thần đổi mới, sáng tạo sản xuất bền vững ngày càng mạnh mẽ trong Nhân dân, doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn huyện. Từ đó, số lượng chủ thể tham gia theo Chương trình OCOP ngày càng đông.

Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành, qua 5 năm triển khai, với sự hưởng ứng tích cực của người dân, doanh nghiệp, làng nghề… số lượng, chất lượng sản phẩm OCOP trên địa bàn ngày càng tăng. Đến cuối năm 2023, Châu Thành có 38 sản phẩm đạt chuẩn OCOP, trong đó có 1 sản phẩm OCOP 5 sao; 14 sản phẩm đạt 4 sao và 23 sản phẩm đạt 3 sao. Các sản phẩm OCOP của huyện có mặt hầu hết thị trường các tỉnh, thành phố trong cả nước.


Sản phẩm nhãn Châu Thành của Hợp tác xã Nông sản an toàn An Hòa (xã An Nhơn, huyện Châu Thành) đạt chứng nhận OCOP 3 sao

NÂNG CAO GIÁ TRỊ SẢN PHẨM NÔNG NGHIỆP

Theo ông Phan Thanh Dũng – Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành, thời gian qua, Chương trình OCOP thực sự đi vào cuộc sống, được cả hệ thống chính trị, người dân, các chủ thể hưởng ứng tham gia. Chương trình giúp người dân nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy về phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa, tham gia vào chuỗi giá trị, tập trung nuôi trồng theo định hướng, kế hoạch, thiết kế vùng sản xuất nhằm tạo sức bật cho nông nghiệp nông thôn và nông dân.

Thực tế chứng minh, việc các sản phẩm làng nghề, nông sản trên địa bàn huyện được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP mở ra cơ hội mới trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của các chủ thể, phát triển kinh tế nông thôn. “Chương trình OCOP đóng góp rất quan trọng đối với quá trình giải quyết đầu ra nông sản, đặc biệt là nông sản loại 2, loại 3 chưa đủ tiêu chuẩn xuất khẩu được đưa vào chế biến, tạo thêm việc làm cho người dân, doanh nghiệp phát triển thêm ngành hàng mới phục vụ người tiêu dùng”, ông Phan Thanh Dũng chia sẻ.

Để các sản phẩm OCOP tìm đầu ra, kết nối với thị trường tiêu thụ, địa phương tạo điều kiện, hỗ trợ các chủ thể OCOP tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu do huyện, tỉnh tổ chức; giới thiệu, hỗ trợ đăng ký sản phẩm tham gia các sàn thương mại điện tử Voso.vn, Postmart… Đặc biệt, thông qua các Ngày hội nông sản do huyện tổ chức, nhiều chủ thể OCOP đã ký kết hợp đồng với các siêu thị, doanh nghiệp, tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành, địa phương hiện còn rất nhiều sản phẩm tiềm năng để phát triển lên OCOP 5 sao như: mít sấy, chuối sấy, bánh phồng tôm… Huyện đang đặt mục tiêu trong năm 2024 sẽ nâng cấp, hoàn thiện các sản phẩm thế mạnh, các ngành hàng nông nghiệp chủ lực, tiểu thủ công nghiệp hiện có. Trong đó, huyện phấn đấu có thêm ít nhất 5 sản phẩm đạt OCOP 5 sao và tăng thêm số lượng sản phẩm tiềm năng từ 3 sao lên 4 sao. “Định hướng của huyện là tiếp tục xây dựng Chương trình OCOP theo chiều sâu, trong đó tập trung vào những sản phẩm có lợi thế, sức cạnh tranh. Để đạt được mục tiêu này, ngoài hỗ trợ của các chủ thể để từng bước nâng chất sản phẩm, huyện sẽ chú trọng tổ chức trưng bày, quảng bá, xúc tiến thương mại cho các sản phẩm đạt OCOP… đưa nông sản Châu Thành đến với khách hàng, nhà đầu tư trong và ngoài nước”, ông Phan Thanh Dũng – Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành chia sẻ thêm.

Mỹ Nhân
Báo Đồng Tháp – baodongthap.vn