Đồng Nai: Huyện Xuân Lộc làm OCOP cho du lịch cộng đồng

UBND huyện Xuân Lộc (tỉnh Đồng Nai) đang chú trọng phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng đạt chuẩn OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm) ở các cụm du lịch sinh thái vườn tại các xã Xuân Bắc và Lang Minh. Đây là những điểm du lịch mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân, nhằm nâng tầm giá trị cho sản phẩm của nhà nông.


Anh Văn Thành Toàn, Tổ trưởng Tổ hợp tác Du lịch sinh thái vườn cây ăn trái Xuân Bắc giới thiệu với du khách về vườn và các loại chôm chôm trong vườn

Để đạt được những tiêu chí trong hình thành sản phẩm du lịch OCOP, H.Xuân Lộc đang có nhiều chính sách hỗ trợ các hộ dân về kỹ năng làm du lịch, cách chế biến món ăn từ nông sản, kỹ năng giao tiếp, quảng bá sản phẩm, thế mạnh du lịch tại địa phương.

Làm du lịch trên nền nông thôn mới

Là huyện nổi tiếng cả nước về thành tích vượt trội trong xây dựng nông thôn mới (NTM), Xuân Lộc trở thành vùng quê đáng sống với nhiều khu vườn, nông trại đẹp, chất lượng bởi được đầu tư công nghệ cao, theo hướng hữu cơ… Ngoài ra, Xuân Lộc còn có những tuyến đường NTM khang trang, sạch đẹp, tạo nên một vùng quê có cảnh quan đẹp, môi trường trong lành.

Với những thành tích nổi bật đó, H.Xuân Lộc trở thành điểm đến của người dân nhiều tỉnh, thành trong cả nước để tham quan, học hỏi kinh nghiệm làm nông nghiệp cũng như chia sẻ về những kết quả trong xây dựng NTM.

Các hộ kinh doanh du lịch H.Xuân Lộc (Đồng Nai) mong muốn chính quyền các cấp có cơ chế hỗ trợ về vốn đối với việc đầu tư phát triển du lịch. Qua đó, góp phần khuyến khích, nhân rộng việc đầu tư của doanh nghiệp, người dân về du lịch.

Phó trưởng phòng NN-PTNT H.Xuân Lộc Lê Thị Xuân Trang cho biết, huyện đã rà soát, hướng dẫn các xã đăng ký mô hình vườn mẫu. Đến nay, có 48 hộ dân đăng ký xây dựng mô hình vườn mẫu, tập trung tại các xã: Xuân Bắc (7 vườn), Xuân Tâm (6 vườn), Suối Cát (3 vườn), Lang Minh (2 vườn)….

Theo bà Trang, mô hình vườn mẫu ngoài việc tạo được cảnh quan cho khu vườn thì các hộ dân còn có thể kết nối để phát triển du lịch sinh thái vườn khá hiệu quả. Thời gian qua, huyện đã rà soát, chọn lựa các vườn cây đẹp, hiệu quả, có hướng đi để vận động bà con làm du lịch sinh thái. Những vườn cây được chọn lựa sẽ được huyện hỗ trợ thực hiện truy xuất nguồn gốc, chứng nhận đạt chuẩn VietGAP, an toàn thực phẩm, xây dựng nhãn hiệu…

Phó trưởng phòng VH-TT H.Xuân Lộc Nguyễn Thị Hương cho biết, hiện đã có một số vườn khai thác, phát triển được mô hình du lịch sinh thái vườn như: cụm vườn cây, hoa ở xã Xuân Bắc (chủ đạo là điểm Vườn Hoa Bốn Mùa kết nối với một số vườn khác); vườn Hồng Lợi Thịnh, vườn ông Tám Sinh (xã Xuân Tâm); vườn ca cao (xã Suối Cát), vườn dừa dứa và The Lúa Camping (xã Lang Minh); vườn bơ sầu riêng ông Hoàng (xã Bảo Hòa)… Đặc biệt, huyện đang hướng dẫn thực hiện chương trình OCOP cho sản phẩm du lịch cộng đồng ở cụm Vườn Hoa Bốn Mùa và The Lúa Camping.

Khai thác lợi thế cộng đồng

Tổ hợp tác (THT) Du lịch sinh thái vườn cây ăn trái Xuân Bắc vừa chính thức ra mắt và khai trương sản phẩm du lịch cộng đồng gắn kết với vườn cây ăn trái. Đây là THT du lịch sinh thái đầu tiên của H.Xuân Lộc được hình thành với sự tham gia của 8 thành viên và sẽ là điểm đầu tiên hướng tới xây dựng sản phẩm du lịch OCOP cho Xuân Lộc.

Theo Phòng VH-TT H.Xuân Lộc (Đồng Nai), phát triển du lịch sinh thái vườn ở huyện còn gặp một số khó khăn liên quan đến các quy định đất đai, xây dựng. Do đó, nhiều hộ dân chưa mạnh dạn đầu tư hạ tầng, các hạng mục xây dựng cơ bản tại điểm tham quan.

Ông Văn Thành Toàn, Tổ trưởng THT Du lịch sinh thái đồng thời là chủ điểm du lịch Vườn Hoa Bốn Mùa chia sẻ, sản phẩm du lịch sinh thái cộng đồng gắn kết vườn cây ăn trái Xuân Bắc được kết nối với 8 hộ dân, có tổng diện tích trên 10ha là các vườn trái cây: măng cụt, bưởi da xanh, mít, chôm chôm, ổi…

Theo ông Toàn, mục tiêu của THT du lịch sinh thái là khai thác lợi thế từ cộng đồng để xây dựng một thương hiệu du lịch riêng, có bản sắc, được hình thành từ những tiềm năng sẵn có về nông nghiệp, nông thôn, đây cũng là kênh quảng bá, tiêu thụ nông sản cho người dân địa phương.

Cũng tâm huyết với việc phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng địa phương, anh Đặng Ngọc Huy, chủ điểm tham quan The Lúa Camping (xã Lang Minh) cho rằng, tại khu vực xã Lang Minh có nhiều vườn cây đẹp, nổi tiếng, đã và đang khai thác du lịch sinh thái vườn khá hiệu quả như: vườn dâu Ba Hương, vườn hoa Anh Tú, ao sen Lang Minh…, mỗi điểm đến đều có những nét riêng. Do đó, nếu các vườn có sự liên kết, khai thác du lịch thì sẽ hình thành thêm một sản phẩm du lịch cộng đồng, thu hút du khách.


Khách du lịch tham quan các điểm vườn trong chuỗi sản phẩm du lịch cộng đồng (xã Xuân Bắc, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai)

Anh Huy chia sẻ: “Để tránh tình trạng các hộ dân làm du lịch tự phát, thiếu sự liên kết, thiếu tính chuyên nghiệp, tôi cho rằng các nhà vườn cần liên kết để tạo thành chuỗi sản phẩm du lịch hoàn chỉnh. Khi sản phẩm du lịch hình thành và hoạt động có bài bản sẽ tạo được thương hiệu riêng cho từng sản phẩm du lịch với những nét đặc thù. Khi đó, giá trị nông nghiệp sẽ tăng vì người dân có thêm kênh tiêu thụ, quảng bá sản phẩm mình làm ra mà không phá vỡ không gian nông thôn”.

Ngọc Liên

Báo Đồng Nai điện tử – baodongnai.com.vn