Theo các chuyên gia kinh tế, các địa phương nên gắn du lịch với tiêu thụ sản phẩm OCOP để tạo ra được những nét riêng, độc đáo cho những điểm đến trên địa bàn. Đặc biệt, khoảng 4-5 năm trở lại đây, tại Đồng Nai, du lịch sinh thái vườn, rừng, hồ đang từng bước khởi sắc với nhiều điểm đến ở thành phố Long Khánh và các huyện: Vĩnh Cửu, Xuân Lộc, Tân Phú, Định Quán… Nếu có thể đưa các sản phẩm OCOP của tỉnh vào các điểm đến trên thì đây sẽ là kênh tiêu thụ, quảng bá sản phẩm khá tốt. Đồng thời, địa phương có thể gắn kết các điểm du lịch sinh thái vườn, rừng, hồ với những cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP gần đó, tạo thành tour tham quan thú vị. Tuy nhiên, các cơ sở sản xuất khi kết nối hình thành điểm đến tham quan phải xây dựng được những câu chuyện hấp dẫn về quá trình sản xuất, chế biến gắn với những đặc điểm riêng của địa phương. Như vậy, khách du lịch sẽ sẵn sàng chi tiền để mua các sản phẩm OCOP sử dụng và tặng người thân, bạn bè. Sản phẩm OCOP ngoài đảm bảo chất lượng, mẫu mã còn phải đa dạng, đẹp, tiện lợi trong sử dụng.
Kết nối tốt giữa các điểm du lịch và cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP sẽ đem lại lợi thế cho cả 2 ngành du lịch và nông nghiệp. Cụ thể, du lịch Đồng Nai có thêm những sản phẩm đặc sắc để giữ chân du khách và khách sẽ chi tiêu nhiều hơn, tăng doanh thu cho lĩnh vực du lịch. Ngành nông nghiệp sẽ có thêm kênh tiêu thụ, quảng bá nông sản.
Các điểm du lịch cũng nên kết nối với các làng nghề của Đồng Nai để đưa những sản phẩm đặc sắc đến với người tiêu dùng. Hàng năm, các điểm du lịch của Đồng Nai đón 3-4 triệu lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng. Trong số khách trên, nếu thu hút được hơn một nửa mua các sản phẩm OCOP, làng nghề của tỉnh thì sẽ đem lại nguồn thu không nhỏ.
Khánh Minh
Báo Đồng Nai – baodongnai.com.vn