Đồng Hới – Quảng Bình: Để sản phẩm OCOP tương xứng với tiềm năng

Sau hơn 4 năm triển khai Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), đến nay, TP. Đồng Hới (Quảng Bình) có 10 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm và thu nhập cho người dân.

Tuy nhiên, số lượng sản phẩm vẫn còn khá khiêm tốn, thể hiện sự chênh lệch so với tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Vì vậy, thành phố đang tích cực thực hiện nhiều giải pháp, thúc đẩy sự phát triển để có thêm nhiều sản phẩm chất lượng “mang tên” OCOP, đáp ứng nhu cầu thị trường…

Đa dạng tiềm năng “OCOP”

Từ thực tế chứng minh, qua thực hiện chương trình OCOP đã phát huy tính sáng tạo của các chủ thể OCOP trong việc nghiên cứu, thử nghiệm các sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của thị trường. Các chủ thể OCOP cũng đã nhận thức và quan tâm hơn đến việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp, nâng cao chất lượng sản phẩm, cải thiện chất lượng dịch vụ bán hàng, góp phần tạo ra nguồn sản phẩm phong phú, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động và góp phần thiết thực vào thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn.

Với 10 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 sao, 4 sao cấp tỉnh, Đồng Hới có thể giới thiệu với khách hàng về đặc sản của vùng đất hội tụ cả rừng và biển, như: Mực khô và nước mắm, cá chình tiến vua, cá chình thăng hoa, thịt chim trĩ và trứng chim trĩ…

Đồng Hới có nhiều tiềm năng phát triển “Mỗi xã một sản phẩm”

Tuy nhiên, so với tiềm năng, lợi thế của địa phương, số lượng sản phẩm OCOP của thành phố vẫn còn quá khiêm tốn. Nguyên nhân là do còn nhiều chủ thể dù đã có sản phẩm “đủ độ chín” nhưng chưa hiểu hết ý nghĩa, lợi ích của chương trình mang lại nên còn ngại về hoàn thiện thủ tục, có tâm lý trông chờ, ỷ lại sự hỗ trợ của địa phương. Ngoài ra, năng lực các chủ thể còn hạn chế nên khó khăn trong việc đầu tư hoàn thiện quy trình sản xuất để nâng cao chất lượng và quảng bá sản phẩm.

Hiện, Đồng Hới có 10 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 sao, 4 sao cấp tỉnh, gồm: Các sản phẩm rượu sim Hùng Nhung của cơ sở sản xuất Trần Thị Nhung (nay là Công ty TNHH SXTM và dịch vụ An Nhiên; khoai deo Linh Huệ của Công ty TNHH Linh Huệ ở phường Bắc Lý; 2 sản phẩm mực khô và nước mắm của Hợp tác xã Sản xuất kinh doanh dịch vụ chế biến thủy sản Long Tám, thôn Đồng Dương, xã Bảo Ninh; thịt chim trĩ và trứng chim trĩ của Trang trại chim trĩ Quảng Bình ở thôn 6, xã Lộc Ninh; cá chình tiến vua, cá chình thăng hoa của Công ty TNHH Mai Thịnh; rượu nếp của cơ sở rượu Trường Chinh; trứng vịt của cơ sở Hiền Anh tại xã Đức Ninh.

Vì vậy, hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất, kinh doanh nhằm xây dựng thêm nhiều hơn sản phẩm đạt tiêu chuẩn thương hiệu quốc gia là mục tiêu chính trong chương trình OCOP giai đoạn 2023-2025 của TP. Đồng Hới.

“Hiện, thành phố đã tiến hành khảo sát, đánh giá các sản phẩm thế mạnh có thể phát triển thành sản phẩm OCOP. Trong đó, có nhiều sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm, như: Thủy hải sản khô, rượu, trứng, các sản phẩm từ bột, ngũ cốc, bún bánh, nem chả, bánh bột lọc, gà thả vườn, tinh dầu… Trên cơ sở kế hoạch của thành phố, các địa phương cũng đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình”, Phó Chủ tịch UBND TP. Đồng Hới Nguyễn Đức Cường cho hay.

Bật “đèn xanh” cơ chế hỗ trợ

Phó Chủ tịch UBND phường Hải Thành Hồ Thị Lý cho biết: “Địa phương có khá nhiều sản phẩm tiềm năng, nhưng thực tế là nhiều người dân chưa mặn mà với việc tham gia đánh giá sản phẩm OCOP vì tâm lý ngại làm hồ sơ… Chúng tôi đang tích cực tuyên truyền, vận động để bà con hiểu được lợi ích của chương trình. Hiện tại, phường đã chọn được sản phẩm rượu Cao Hiền, đáp ứng khá đầy đủ các yêu cầu của chương trình OCOP. Phường đang cùng chủ thể tập trung thực hiện các bước theo đúng quy trình, phấn đấu đến cuối năm sẽ hoàn tất hồ sơ”.

Thực hiện chương trình OCOP gắn với chương trình xây dựng NTM nâng cao, xã Nghĩa Ninh đã chọn phát triển sản phẩm truyền thống là tinh dầu tràm, dầu sả. Xã đã vận động thành lập Tổ nghề nghiệp nấu tinh dầu sả, dầu tràm với 7 hộ thành viên tham gia, có tổng số vốn ban đầu là 400 triệu đồng. Tổ đã thực hiện trồng và thu hoạch cây dược liệu trên tổng diện tích 10ha, trung bình một năm sản xuất được khoảng 500 lít tinh dầu tràm, sả, cho doanh thu hơn 1 tỷ đồng, thu hút hàng chục lao động ở địa phương với mức thu nhập bình quân 5-7 triệu đồng/người/tháng.

Giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP là một trong những giải pháp thúc đẩy phát triển sản phẩm

“Trong phạm vi chức năng của mình, Hội Nông dân xã đang vận động bà con tiếp tục đầu tư mở rộng mô hình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, phấn đấu đạt tiêu chuẩn VietGAP, tiếp đó sẽ làm hồ sơ để công nhận sản phẩm OCOP”, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nghĩa Ninh Đào Thị Lài chia sẻ.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Đồng Hới Nguyễn Đức Cường, để từng bước phát triển sản phẩm OCOP theo chiều sâu, hiệu quả và bền vững, tạo nên sức bật mới để thực hiện thành công chương xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu giai đoạn 2023-2025, thành phố đã và đang khắc phục những khó khăn, vận dụng linh hoạt các chính sách để tiếp tục đồng hành, hỗ trợ các chủ thể hoàn thiện sản phẩm đúng quy định, lộ trình đề ra, phấn đấu mỗi năm có từ 2-3 sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng và đạt từ 3 sao trở lên. Bên cạnh tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực, chuyển đổi tư duy cho cán bộ quản lý và các chủ thể OCOP, thành phố cũng sẽ triển khai thực hiện các chính sách về hỗ trợ tín dụng, vùng sản xuất tập trung, hỗ trợ khoa học-công nghệ…

Đồng thời tạo điều kiện cho các hoạt động giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm với nhiều hình thức, như: Bố trí các điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP, tạo điều kiện cho các chủ thể tham gia các hội chợ trên địa bàn và các hội chợ ở các tỉnh, thành khác, qua đó giúp các đơn vị tiếp cận, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm.

Hương Trà

Báo Quảng Bình – baoquangbinh.vn