Đồng bằng sông Cửu Long có hơn 2.000 sản phẩm OCOP

Vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến nay đã có trên 2.000 sản phẩm được công nhận đạt từ 3 sao trở lên (chiếm 18,8% tổng số sản phẩm OCOP của cả nước).

Đến nay, sau hơn 5 năm triển khai, cả nước đã có trên 10.800 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên của trên 5.600 chủ thể OCOP, trong đó có 37,9% là hợp tác xã (HTX), 24% là doanh nghiệp, 35,2% là cơ sở sản xuất/hộ kinh doanh, còn lại là tổ hợp tác. Sản phẩm OCOP đã từng bước khai thác và phát huy được những giá trị đặc sản, văn hóa và giá trị truyền thống của địa phương.

Riêng tại vùng ĐBSCL, đến nay đã có trên 2.000 sản phẩm được công nhận đạt từ 3 sao trở lên (chiếm 18,8% tổng số sản phẩm OCOP của cả nước), với 922 chủ thể OCOP, trong đó bao gồm: 28,5% là doanh nghiệp, 18,9% là HTX và 52,4% là các cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Dong bang song cuu long co hon 2.000 san pham ocop hinh anh 1
Các tỉnh vùng ĐBSCL đang có hơn 2.000 sản phẩm OCOP

Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, các địa phương vùng ĐBSCL đã có hướng tiếp cận phù hợp khi tập trung ưu tiên phát triển các sản phẩm truyền thống, sản phẩm đặc trưng, gắn với lợi thế của các vùng nguyên liệu tập trung tại chỗ, như: Trái cây, thủy sản, lúa gạo… để phát triển các sản phẩm đặc sắc, mang sắc thái riêng của vùng sông nước.

Bên cạnh đó, hoạt động xúc tiến thương mại cũng đã được các địa phương trong vùng quan tâm, bằng chứng là nhiều hội chợ, lễ hội quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP đặc trưng của tỉnh và vùng.
Dong bang song cuu long co hon 2.000 san pham ocop hinh anh 2
Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, mỗi sản phẩm OCOP mang trên mình vai trò như một “đại sứ” của từng vùng, miền và chuyển tải những câu chuyện riêng. Sản phẩm OCOP đã và đang đáp ứng được nhu cầu của thị trường về tiêu dùng các sản phẩm đặc sản, truyền thống của địa phương.

Phát triển các sản phẩm OCOP đã góp phần chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang sản xuất gắn với kinh doanh nông nghiệp, đặc biệt là gắn kết giữa phát triển nông nghiệp với phát triển kinh tế, dịch vụ và du lịch của các địa phương; sản phẩm OCOP đang mở ra tiềm năng lớn cho phát triển kinh tế nông thôn, đồng thời, góp phần không nhỏ trong việc quảng bá giá trị văn hóa, du lịch, bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống của các địa phương.