Từ điệu lý quen thuộc “trên đất giồng mình trồng khoai lang…”, tour du lịch canh nông tại Cồn Ông (xã Dân Thành, thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh) đưa du khách trải nghiệm nhiều nét văn hóa mộc mạc của người dân nơi đây như trồng hành, thu hoạch khoai lang, chơi lô tô vịt…
Cồn Ông là một trong những điểm tận cùng phần cuối hạ lưu của dòng chảy Mê Kông hùng vĩ và huyền thoại. Từ đầu thế kỉ XX, người dân đã khai khẩn, lập ấp và dùng tâm sức để chuyển hóa “đất giồng” thành nơi xanh tươi, ngập tràn nhựa sống. Bản lĩnh sáng tạo và kiên cường của những người nông dân đã hun đúc nên một Cồn Ông xanh tươi và phúc lạc.
Cồn Ông được ví von là nơi “cùng trời cuối đất” ở xã Dân Thành, thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh
Nghề làm nông bao đời nay vẫn phải nương theo thời tiết, có lúc thịnh, lúc suy. Vùng “đất giồng” là một trong những hệ sinh thái rất nhạy cảm với sự biến đổi của khí hậu. Chỉ cần một cơn mưa bất định, chỉ cần dòng nước lên xuống khác thường là cả vụ mùa bấp bênh khiến cuộc sống của nhà nông tại Cồn Ông nhiều lúc cũng bế tắc và chất chứa nhiều nỗi lo toan bộn bề.
Người dân Cồn Ông lâu nay chủ yếu sinh sống bằng nghề trồng hành lá và khoai lang
Dù khó khăn là thế nhưng người dân Cồn Ông có niềm tin “đất giồng” chính là nguồn sống, thực hành nghề nông là công việc của sự gieo mầm hạnh phúc. Sự tôi luyện của nghề nông đã giúp người nông dân Cồn Ông thêm mạnh mẽ, bản lĩnh và sẵn lòng đổi mới để vượt ngưỡng sinh tồn, để thịnh vượng, để làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê nhà. Vì vậy, khi được vận động thực hành du lịch như một sinh kế cộng thêm, người dân Cồn Ông đã rất linh hoạt, sáng tạo và nhìn nhận làm du lịch là góp phần bảo tồn nghề nông và tăng thêm thu nhập.
Mô hình du lịch canh nông ở Cồn Ông ra mắt chiều ngày 24/11
Lãnh đạo tỉnh Trà Vinh, thị xã Duyên Hải cùng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế và Du lịch tại lễ công bố mô hình du lịch nông nghiệp ấp Cồn Ông
Ông Lâm Minh Đằng, Phó Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh, trao bằng khen cho GS.TS Phan Thị Thu Hiền – Cố vấn dự án, TS Tạ Duy Linh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế và Du lịch, TS Dương Đức Minh – Viện phó Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế và Du lịch
Du lịch cùng nông nghiệp như hai giá thế quan trọng để người nông dân tận dụng những giá trị sẵn có của đồng ruộng, của tri thức địa phương, của tinh thần xây dựng nông thôn mới nhằm kiến tạo chuỗi giá trị đa bội.
Chuỗi giá trị đa bội vừa là đích đến vừa là động lực để thực hành du lịch canh nông nhằm góp phần nâng cao đời sống và giảm thiểu những rủi ro từ nghề nông và xem du lịch như “một làn gió tươi mát” để làm cho nghề nông được nâng tầm và tôn vinh.
Mô hình du lịch nông nghiệp ấp Cồn Ông do Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế và Du lịch tư vấn, hỗ trợ tỉnh Trà Vinh xây dựng trong 6 tháng qua
Trong chuỗi gắn kết các hộ dân thực hành du lịch canh nông tại Cồn Ông có 9 hộ gia đình cùng tham gia. Đó là các hộ Út Mãi (nước dừa vùng biền), Tám Nhớ (hạt giống yêu thương), Ba Quang (bánh lá thương nhớ), Ba Nhanh (gỏi gia truyền), Năm Việt (vịt thăm đồng), Bảy Đáp (món ngon thanh mát), Năm Tòng (mê cung bắp), Hai Tương (bánh khọt nức tiếng) và Tường Anh (ẩm thực đất giồng).
Du khách được hướng dẫn cách xuống giống hành tím
Dựa vào hệ sinh thái “trồng giồng” du khách đến với mô hình du lịch canh nông Cồn Ông sẽ được đắm mình trong không gian văn hóa hàng ngày và văn hóa sinh kế. Ở khía cạnh tìm hiểu và thực hành văn hóa hàng ngày du khách sẽ có cơ hội tìm hiểu phong tục, tập quán, ẩm thực, kiến trúc nhà ở,… của một vùng quê thanh bình ven biển phía Đông đồng bằng sông Cửu Long.
Ở khía cạnh văn hóa sinh kế, du khách có cơ hội tìm hiểu hệ sinh thái đất giồng; hóa thân thành người nông dân từ việc làm đồng, gieo mầm, chăm sóc, thu hoạch; tìm hiểu nghề trồng giồng (khoai lang, dưa dang, dưa hấu, bắp, củ cải, hành, cà tím, đậu bắp,…) và nghề nuôi (dê, cá, cua, chim yến,…). Sự tích hợp giá trị văn hóa hàng ngày và văn hóa sinh kế là giá trị cốt lõi của sản phẩm du lịch nông nghiệp Cồn Ông.
Trò chơi lô tô vịt vui nhộn tại nhà chú Nam Việt “vịt thăm đồng”
Mô hình du lịch canh nông, du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng ở Cồn Ông được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh phối hợp UBND thị xã Duyên Hải và Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế và Du lịch xây dựng. Sản phẩm du lịch Cồn Ông còn nằm trong mạng lưới điểm đến để minh họa cho kỳ vọng: “Kết nối hành trình từ sông ra biển” được ngành du lịch Trà Vinh ấp ủ từ 2018.
Mô hình du lịch canh nông khởi đầu có chín hộ tham gia với các sản phẩm trải nghiệm làm nông nghiệp; thưởng thức các loại bánh dân gian và nông sản địa phương
Người dân thiết kế nhiều con bù nhìn ngộ nghĩnh kết bằng rơm, gáo dừa, tre nứa… để du khách check-in
Ts Tạ Duy Linh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế và Du lịch TP.Hồ Chí Minh, cho biết, điểm khác biệt đặc trưng của Cồn Ông là việc kiến tạo các trải nghiệm riêng có của “hệ sinh thái giồng cát ven biển”. Thực hành du lịch nông nghiệp tại Cồn Ông xoay quanh nền tảng văn hóa sinh kế và văn hóa hàng ngày. Văn hóa sinh kế “trồng giồng” được kết tinh từ sự kiên nhẫn, thích ứng với môi trường tự nhiên “nơi đầu sóng ngọn gió” mà vững quyết tâm canh tác với vô vàn điều kiện rủi ro của thời tiết. Văn hóa hàng ngày là hệ giá trị phức cảm ký ức của sự kết tinh từ những tình cảm mộc mạc chân thành của người dân.
“Điểm du lịch canh nông Cồn Ông hứa hẹn sẽ là điểm đến “gây thương nhớ” cho phân khúc du khách quốc tế thích trải nghiệm du lịch nông nghiệp, ngoài ra điểm đến còn hướng đến dòng khách nội địa ở các trung tâm đô thị có nhu cầu gắn kết với thiên nhiên và thực hành du lịch cộng đồng”, TS Linh nhấn mạnh.
Món bánh lá ăn kèm với nước cốt dừa hấp dẫn của người dân miền Tây
Với những sản phẩm độc đáo, ngành du lịch Trà Vinh kỳ vọng sẽ khởi sắc trong thời gian tới
Việc công bố mô hình du lịch canh nông Cồn Ông hứa hẹn sẽ góp phần vừa đa dạng hóa vừa đặc thù hóa các sản phẩm du lịch nông nghiệp trên địa bàn Trà Vinh nói riêng và đồng bằng sông Cửu Long nói chung.