Điện Bàn (Quảng Nam) thực hiện hiệu quả chương trình OCOP

Nhờ nỗ lực triển khai hiệu quả nhiều phần việc, thị xã Điện Bàn (Quảng Nam) trở thành điểm sáng của tỉnh trong thực hiện chương trình OCOP với 33 sản phẩm đã được xếp hạng 3-4 sao.


Trong 5 năm qua, bình quân hằng năm thị xã Điện Bàn chi ít nhất 800 triệu đồng hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP. Ảnh: P.V

Thành quả lớn

Ông Nguyễn Đức Chơi – Trưởng phòng Kinh tế Điện Bàn cho biết, 5 năm qua, đội ngũ cán bộ của 20 xã, phường và các phòng ban liên quan của thị xã tích cực hỗ trợ các chủ thể tham gia chương trình OCOP từ khâu xác định ý tưởng đến xây dựng mẫu phiếu; thiết lập và triển khai phương án sản xuất – kinh doanh vào thực tiễn của từng đơn vị theo chu trình OCOP, hướng sản phẩm đến mục tiêu đạt được chất lượng quốc gia và quốc tế.

Cùng với đó, quan tâm đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tập huấn hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm. Đặc biệt, định hướng quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa, dịch vụ nhằm khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức kinh tế phát triển sản xuất sản phẩm theo chuỗi giá trị hoàn chỉnh.

Theo kế hoạch, năm 2024 thị xã Điện Bàn sẽ tiếp tục chi khoảng 800 – 900 triệu đồng hỗ trợ các chủ thể phát triển mới từ 5 – 7 sản phẩm OCOP.

Từ nguồn vốn do ngân sách tỉnh phân bổ, giai đoạn 2018 – 2023 bình quân mỗi năm UBND thị xã Điện Bàn chi 800 triệu đồng cho việc thực hiện chương trình OCOP. Trong đó, phần lớn kinh phí ưu tiên hỗ trợ các chủ thể đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị máy móc phục vụ sản xuất, thiết lập bao bì – mẫu mã…

Tính đến cuối năm 2022, Điện Bàn có 25 sản phẩm đạt chuẩn OCOP, gồm 3 sản phẩm 4 sao và 22 sản phẩm 3 sao. Năm 2023, địa phương có 11 sản phẩm đăng ký tham gia chương trình. Vừa qua, hội đồng thẩm định của Điện Bàn đã tiến hành đánh giá và đề nghị UBND thị xã công nhận 8 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao, trong đó có 1 sản phẩm gửi hồ sơ về tỉnh để xếp hạng 4 sao.

Ông Nguyễn Đức Chơi nhìn nhận, chương trình OCOP góp phần khuyến khích doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, hộ cá thể phát triển gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Đồng thời phát triển các làng nghề, cơ sở sản xuất sản phẩm truyền thống dựa trên tài nguyên, bản sắc, sự sáng tạo của người dân địa phương nhằm tăng giá trị và khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Tham gia chương trình OCOP, các chủ thể nỗ lực triển khai nhiều phần việc để nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến bao bì và nhãn mác, quảng bá sản phẩm và kết nối thị trường tiêu thụ. Thực tế cho thấy, sau khi sản phẩm đạt chuẩn OCOP, phần lớn chủ thể tăng gấp đôi sản lượng tiêu thụ và tăng 70 – 80% doanh thu so với lúc chưa thực hiện chương trình.

Tạo chuyển biến mạnh mẽ

Dù đạt được thành quả lớn nhưng việc thực hiện chương trình OCOP ở Điện Bàn còn nhiều hạn chế. Đáng chú ý, trên địa bàn thị xã có rất nhiều sản phẩm đặc trưng của các làng nghề như chiếu chẻ Triêm Tây, bê thui Cầu Mống, bánh tráng Phú Chiêm, mỳ Quảng Phú Chiêm cùng nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ và nông nghiệp nông thôn. Tuy nhiên, những năm qua vẫn còn ít cơ sở tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP.

Trong khi đó, đa số cơ sở sản xuất nhỏ lẻ chủ yếu theo quy mô hộ gia đình nên khó khăn trong việc xây dựng hoàn chỉnh bộ hồ sơ tham gia chương trình OCOP cũng như có nhiều nội dung liên quan còn chưa nắm bắt kịp thời và triển khai vào thực tế tại đơn vị.

Ông Nguyễn Đức Chơi chia sẻ, để tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong thực hiện chương trình OCOP, thời gian tới Điện Bàn phải tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Theo đó, tiếp tục củng cố, kiện toàn ban chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia cấp thị xã và cấp xã, phường để quản lý, điều hành chương trình OCOP theo hướng chuyên nghiệp, gắn với nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Đồng thời tổ chức triển khai chu trình OCOP thường niên theo 6 bước, trên cơ sở nguyên tắc dân biết, dân bàn, dân làm. Chú trọng công tác tư vấn, hỗ trợ các chủ thể hoàn thiện cơ cấu tổ chức, phương án sản xuất – kinh doanh, phiếu đăng ký sản phẩm, hệ thống nhà xưởng và trang thiết bị máy móc, đánh giá sản phẩm và điều chỉnh sản phẩm cho phù hợp với nhu cầu thị trường…

Về định hướng phát triển sản phẩm trong những năm tới, Điện Bàn tập trung tổ chức sản xuất các sản phẩm OCOP gắn với trồng và chế biến nguyên liệu theo chuỗi giá trị. Qua đó, giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho lao động địa phương, góp phần giảm nghèo bền vững.

Điện Bàn xác định phát triển sản phẩm OCOP theo hướng đáp ứng về số lượng, nâng cao chất lượng, gia tăng về giá trị, đảm bảo tiêu chuẩn cao của Việt Nam và từng bước chuẩn hóa theo tiêu chuẩn quốc tế, phục vụ xuất khẩu.

Ngoài ra, địa phương quan tâm hỗ trợ đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm bằng nhiều hình thức. Trong đó, tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ thể tham gia trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm tại những hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước; hỗ trợ hoàn thiện hệ thống đại lý phân phối, xây dựng các điểm bán hàng, đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử…

 Mai Nhi
Báo Quảng Nam – baoquangnam.vn